Quan tâm sức khỏe trong những ngày hè

Cập nhật ngày: 05/07/2018 08:03 (Lượt xem: 971)
Mấy ngày qua, nắng nóng gay gắt liên tục, nhiệt độ cao gây ra không ít nguy cơ về sức khỏe và ảnh hưởng đến cuộc sống. Trên địa bàn tỉnh, dù chưa xuất hiện phổ biến bệnh nhân bị ảnh hưởng của các đợt nắng nóng mùa hè nhưng các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo người dân cần quan tâm chăm sóc sức khỏe để tránh nguy cơ mắc các bệnh như: say nóng, say nắng và các dịch bệnh mùa hè như: rubella, tay chân miệng…

Theo các chuyên gia, say nắng, say nóng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe và thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Trong ảnh: Điều trị bệnh nhân tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện A

 

Thái Nguyên và các tỉnh trong khu vực đang rơi vào thời điểm nắng nóng cực điểm kéo dài và xảy ra trên diện rộng. Dự báo, tình trạng này còn tiếp tục kéo dài và có thể lặp lại nhiều lần trong suốt mùa hè. Theo các chuyên gia y tế, một trong những bệnh thường gặp trong những ngày nắng nóng là say nắng, say nóng. Say nóng, say nắng xảy ra khi làm việc hoặc sinh hoạt thời gian dài dưới ánh nắng mặt trời trong môi trường kín như: Xe hơi, hầm mỏ, nhà máy, nhà xưởng… hoặc môi trường mở như: Ruộng, vườn, nơi có nhiệt độ và độ ẩm không khí cao. Bệnh say nắng xảy ra khi ánh nắng có tia cực tím gây hại cho cơ thể khiến trung tâm điều hòa thân nhiệt của cơ thể sẽ bị tổn thương làm rối loạn điều hòa thân nhiệt, mất nước cấp gây nên tổn thương thần kinh. Bên cạnh đó, khi phơi mình quá lâu dưới ánh nắng mặt trời hoặc làm việc trong môi trường nhiệt độ cao nóng bức, hoạt động thể lực quá sức có thể dẫn đến bị say nóng. 

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Ngọc Khâm, Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện A cho biết: Người bị say nắng, say nóng thường có biểu hiện vã mồ hôi, đau đầu, khó chịu, mặt đỏ bừng, cảm giác nghẹt thở, có khi đau bụng, nôn mửa. Sau đó, chóng mặt, hoa mắt, mặt tái nhợt, mạch nhanh, chuột rút, tiểu ít, ngất lịm, sốt cao có khi lên tới 42 - 44°C. Da niêm mạc khô kèm theo trụy mạch, người bệnh giãy giụa, lẫn lộn, mê sảng, cuối cùng là hôn mê, co giật. Riêng đối với trẻ sơ sinh và trẻ dưới 4 tuổi, say nắng, say nóng có biểu hiện mất nước như: Sốt, vật vã, quấy khóc… có thể nhanh chóng dẫn đến hôn mê, co giật, dễ gây tử vong.

Theo bác sĩ Khâm, những năm trước, tại Bệnh viện A cũng tiếp nhận, điều trị cho khá nhiều bệnh nhân bị say nắng, say nóng đến điều trị. Cá biệt, có trường hợp không kịp thời sơ cứu, cấp cứu nên khi đến viện đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu và dẫn tới tử vong. Vì vậy, khi khi gặp trường hợp say nắng, say nóng cần nhanh chóng giảm thân nhiệt cho nạn nhân, chuyển nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió, cởi bỏ bớt quần áo, quạt mát; chườm lạnh bằng khăn mát hoặc khăn đá ở những vị trí như nách, cổ, bẹn hoặc phun nước lạnh vào người bệnh kết hợp cho bệnh nhân uống từng ngụm nhỏ nước mát pha với đường và một chút muối. Đối với trường hợp nặng, nạn nhân hôn mê, không uống được nước hoặc nôn liên tục, sốt tăng liên tục kèm các triệu chứng đau bụng, đau ngực, khó thở thì phải nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình vận chuyển, đặt đầu nạn nhân thấp, vẫn thường xuyên chườm mát cho cơ thể nạn nhân.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quan trọng nhất là chủ động phòng ngừa bệnh say nắng, say nóng trong những ngày nắng nóng kéo dài. Bác sĩ Chuyên khoa 2 Lê Hùng Vương, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết: Những năm trước, khoa cũng tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân say nắng, say nóng điều trị. Chúng tôi khuyến cáo người dân trong những đợt nắng nóng, nên hạn chế ra ngoài trời. Nếu phải đi ra ngoài hoặc lao động dưới trời nắng nóng cần phải có biện pháp bảo vệ cơ thể như mặc quần áo rộng, nhẹ, sáng màu, đội mũ rộng vành. Bên cạnh đó, phải thường xuyên uống nhiều nước dù chưa khát, tối thiểu 1,5 - 2 lít/ngày đồng thời có thể bổ sung thêm nước trái cây hoặc nước rau củ quả chứa nhiều vitamin C để tránh mất nước. Không được làm việc liên tục dưới trời nắng nóng mà thường xuyên nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 15 - 20 phút sau khoảng 1 giờ làm việc. Bác sĩ Lê Hùng Vương cũng khuyến cáo những bệnh nhân mắc các bệnh như: tiểu đường, huyết áp, tim mạch… cần lưu ý tuân thủ điều trị tuyệt đối, dùng thuốc đều đặn, không ngắt quãng. Việc dùng thuốc phải theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Đối với trẻ em, bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Thị Oanh, Phó Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện A khuyến cáo, không nên cho trẻ ăn những đồ ăn, uống lạnh để tránh nguy cơ gây viêm họng, viêm Amidan. Hạn chế cho trẻ vui chơi ngoài nắng đặc biệt là hạn chế đi bơi khi trời còn nắng. Trước khi xuống bể, cần cho trẻ thích nghi dần với môi trường nước trước khi trầm mình trong nước mát.

Bên cạnh nguy cơ trên, mùa nắng nóng cũng là thời điểm các dịch, bệnh mùa hè dễ lây lan như: tay chân miệng, sởi/rubella, cúm, thủy đậu, liên cầu lợn, tiêu chảy, tả, lỵ, viêm não Nhật Bản, đau mắt đỏ… dễ bùng phát. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Tất cả mọi người đều có thể mắc các bệnh truyền nhiễm vào mùa hè, đặc biệt trẻ em là đối tượng dễ bị dịch, bệnh tấn công nhất. Hiện, tại trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện rải rác một số bệnh nhân mắc tay chân miệng, rubella. Ngoài ra, với đặc điểm khí hậu của Việt Nam và sự biến đổi khí hậu trong những năm gần đây, ngoài việc chú trọng ngăn ngừa việc xâm nhập của các dịch bệnh nguy hiểm từ bên ngoài và các chủng vi rút cúm gia cầm có khả năng lây sang người đang lưu hành ở nước ta như: Cúm A/H5N1, A/H1N1... chúng ta cần tiếp tục giám sát chặt chẽ một số dịch bệnh như: Dịch sốt xuất huyết, Zika.

Theo ông Trường, để chủ động phòng, chống các dịch bệnh nêu trên có hiệu quả, ngay từ bây giờ, bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế cần sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương; sự tham gia tích cực hơn nữa của các ban, ngành, đoàn thể và người dân để tập trung giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời, hiệu quả các dịch bệnh nguy hiểm; triển khai tốt công tác thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh, phân luồng khám bệnh; thiết lập khu vực cách ly, tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện, hạn chế thấp nhất số mắc và số người chết do các bệnh truyền nhiễm; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, các dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, các bếp ăn tập thể, để phòng tránh các bệnh lây truyền qua thực phẩm.

Theo Báo Thái Nguyên điện tử
Các tin khác: