Song hành hai mục tiêu: Chống dịch - Sản xuất

Cập nhật ngày: 06/04/2020 03:27 (Lượt xem: 1082)
“Hiện nay, dịch COVID-19 đang ảnh hưởng trực tiếp đến các mặt của đời sống kinh tế - xã hội ở nước ta cũng như nhiều quốc gia trên thế giới. Mặc dù vậy, tình hình thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì ổn định. Bên cạnh đó, cùng với việc nỗ lực bảo đảm ổn định sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp (DN) trong KCN đều thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch…” - ông Trần Văn Long, Phó Ban Quản lý các KCN tỉnh đã khẳng định vấn đề này khi trao đổi với phóng viên Báo Thái Nguyên.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH KHVatec (Khu công nghiệp Điềm Thụy).

 

P.V: Trước hết, xin ông cho biết khái quát về tình hình thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh hiện nay?

Ông Trần Văn Long: Bước sang đầu năm nay, mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, gây nhiều ảnh hưởng nhưng nhìn chung tình hình thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các KCN trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì ổn định. Trong quý I, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã tiếp, làm việc với trên 20 lượt nhà đầu tư trong và nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các KCN trên địa bàn. Cùng với đó, Ban Quản lý thẩm định hồ sơ và cấp giấy chứng nhận điều chỉnh cho 8 dự án tăng vốn đầu tư (với tổng số vốn đăng ký tăng thêm trên 16 triệu USD), cấp mới 6 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào các KCN (với tổng số vốn đăng ký 10,31 triệu USD), trong đó một số dự án có vốn đăng ký đầu tư lớn là: Dự án Trung tâm dữ liệu thông tin SEVT Hà Nội tại KCN Yên Bình (12,9 triệu USD), dự án Nhà máy đúc và gia công chính xác vật liệu thép không rỉ tại KCN Điềm Thụy (5 triệu USD); dự án Nhà máy Testtech Vina điều chỉnh tăng vốn 8,5 triệu USD; dự án Nhà máy SR Tech điều chỉnh tăng vốn trên 1,52 triệu USD…  

Nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19 mà vẫn thu hút được dự án đầu tư vào các KCN trên địa bàn, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã tiến hành đàm phán, giao dịch với các nhà đầu tư nước ngoài bằng hệ thống thư điện tử, mạng xã hội. Cùng với cách làm này, Ban Quản lý tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc thực hiện thủ tục cấp phép; hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, giá cho thuê đất… Mặc dù phải giao dịch, làm việc qua mạng xã hội nhiều lần nhưng Ban Quản lý luôn tích cực phối hợp với nhà đầu tư nước ngoài hoàn thiện các thủ tục đầu tư. Hiện nay, nhiều DN đang khẩn trương xây lắp nhà xưởng tại các KCN để sớm đi vào sản xuất.   

Tính đến nay, trong các KCN trên địa bàn tỉnh có 228 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực (trong đó có 114 dự án FDI và 114 dự án đầu tư trong nước), với tổng số vốn đăng ký trên 8,41 tỷ USD và gần 14.000 tỷ đồng.

P.V: Trong thời điểm dịch COVID-19 đang gây ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội hiện nay, các DN trong KCN đã và đang triển khai những biện pháp gì để ứng phó, vừa bảo đảm sản xuất ổn định vừa bảo vệ sức khỏe của người lao động, thưa ông?

Ông Trần Văn Long: Hiện nay, tại 5 KCN trên địa bàn tỉnh có hơn 100.000 lao động đang làm việc trong các DN. Những tháng đầu năm, mặc dù dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nhưng các DN trong KCN đều nỗ lực duy trì sản xuất ổn định, vừa bảo đảm việc làm vừa chú trọng bảo vệ sức khỏe của người lao động. Nhờ đó, kết thúc quý I, doanh thu tiêu thụ của các DN ước đạt 7 tỷ USD và 1.200 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 5,8 tỷ USD (tương đương cùng kỳ năm trước), nộp ngân sách ước đạt 1.850 tỷ đồng.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các DN triển khai thực hiện nghiêm những biện pháp phòng ngừa lây nhiễm bệnh cho người lao động. Việc tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người lao động trong công tác phòng, chống dịch luôn được các DN chú trọng. Cùng với đó, các phương tiện y tế phục vụ phòng tránh lây nhiễm bệnh (như khẩu trang, dụng cụ đo thân nhiệt, nước sát khuẩn rửa tay…) cũng được các DN đầu tư chu đáo. Tại các KCN, đầu giờ sáng, công nhân vào các nhà máy làm việc đều phải đeo khẩu trang và xếp hàng để kiểm tra thân nhiệt. Các nhà máy đều có rất đông lao động, chỉ cần một người nghi nhiễm bệnh thì cả nhà máy sẽ phải đóng cửa, cách ly, vì vậy việc theo dõi, giám sát y tế đều được lãnh đạo các DN và người lao động thực hiện rất nghiêm túc, tự giác. Có thể khẳng định, công tác phòng, chống dịch bệnh có tác động rất lớn đến sự sống còn của từng DN. Nếu phát hiện trường hợp người lao động có triệu chứng bị ho, sốt, cúm, DN sẽ yêu cầu nghỉ ở nhà và đến cơ sở y tế khám hoặc lấy mẫu bệnh phẩm. Ngoài giờ làm việc, các DN yêu cầu người lao động thực hiện nghiêm biện pháp phòng ngừa lây nhiễm bệnh khi ở nhà hoặc đi ra ngoài theo khuyến cáo của Bộ Y tế… Ban Quản lý các KCN tỉnh cũng đã phối hợp với một số đơn vị y tế tiến hành phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại các KCN: Sông Công I, Sông Công II, Điềm Thụy.

P.V: Để góp phần hỗ trợ các DN trong KCN ổn định sản xuất, bảo đảm việc làm và sự an toàn cho người lao động, Ban Quản lý các KCN tỉnh có những giải pháp, khuyến nghị gì đối với DN, thưa ông?

Ông Trần Văn Long: Những ngày tới, Ban Quản lý các KCN tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các DN trong KCN đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện đầy đủ, hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác này; kiểm tra, giám sát chặt chẽ người lao động (đặc biệt là người lao động nước ngoài) đi và về trong vùng dịch, người tiếp xúc trực tiếp với người nghi nhiễm COVID-19 để có các biện pháp xử lý kịp thời. Từ đó, các DN vừa bảo đảm sản xuất ổn định vừa bảo vệ an toàn cho người lao động.

Cùng với đó, để góp phần hỗ trợ các DN trong KCN hoạt động ổn định, Ban Quản lý các KCN tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các thủ tục hành chính và giải quyết công việc hàng ngày, nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3-4. Thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động của các DN, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ DN tháo gỡ; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để góp phần giúp các DN phát triển ổn định, bền vững. Đồng thời, yêu cầu từng DN chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực đầu tư, bảo vệ môi trường, thu hút lao động, xây dựng cơ bản. Đôn đốc các nhà thầu và đơn vị chủ đầu tư hạ tầng KCN đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ bên trong và bên ngoài hàng rào KCN để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư có tiềm lực. Ban Quản lý các KCN tỉnh cũng tiếp tục khảo sát nhu cầu học nghề, tìm việc làm của người lao động ở các xã trong tỉnh; khai thác tốt các dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm để hỗ trợ các DN trong KCN thu hút người lao động vào làm việc…

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

http://www.baothainguyen.org.vn/tin-tuc/cong-nghiep/song-hanh-hai-muc-tieu-chong-dich-san-xuat-270312-46245.html
Các tin khác: