Tâm lý bất an - Người dân nào đâu có sự lựa chọn (Kỳ I)

Cập nhật ngày: 28/05/2018 08:35 (Lượt xem: 979)
Với dân số trên 1,2 triệu người và khoảng 70 nghìn học sinh, sinh viên đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học như hiện nay cho thấy, nhu cầu sử dụng thịt gia súc, gia cầm phục vụ cho các bữa ăn hàng ngày của người dân trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Tuy nhiên trước nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm tràn lan như hiện nay, người tiêu dùng Thái Nguyễn vẫn phải vừa ăn vừa sợ bởi chưa tìm được nguồn cung cấp thịt gia súc, gia cầm đáng tin cậy.

Người kinh doanh tùy tiện chọn nơi bán thịt động vật, có nhiều nơi rất mất vệ sinh. Trong ảnh: Một quán bán thịt lợn trên đường Việt Bắc (T.P Thái Nguyên).

 

Từ việc thịt “bẩn” ngang nhiên tồn tại

 

Để có sản phẩm thịt “sạch”, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, từ khâu chăn nuôi, giết mổ đến bảo quản, kinh doanh đều phải thực hiện theo quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, tại Thái Nguyên, việc chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh thịt động vật phần lớn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của các cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này.

Vừa ăn vừa lo

Dạo quanh các chợ lớn, nhỏ trên địa bàn T.P Thái Nguyên, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều quầy hàng đang bày bán các loại thịt như bò, gà, vịt, lợn... Đến bất kỳ quầy hàng nào, người bán hàng cũng giới thiệu với chúng tôi sản phẩm họ đang kinh doanh là thịt “sạch”. Khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc của những “phản” thịt này thì người bán đều trả lời rất chung chung. Chị Lê Thị Hương, một người bán thịt ở chợ Sư phạm (T.P Thái Nguyên) nói: Tôi mua lợn hơi của các hộ dân ở xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên) về tự thịt rồi mới đem bán. Đây là lợn của các hộ nuôi nhỏ lẻ vài con/lứa nên thịt rất ngon…

Tuy nhiên, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ấy tên là gì, ở xóm nào thì chị Hương không nắm được. Đáng nói là số thịt mà chị Hương đang bán không có dấu của Cơ quan thú y. Thậm chí khi chúng tôi ngỏ ý mua lợn hơi về làm tiệc, chị Hương còn cung cấp số điện thoại và hứa sẽ gom giúp số lợn chúng tôi cần, giới thiệu cả người thịt lợn thuê và người chế biến…

Tại một số quầy bán thịt khác trong thành phố và một số huyện lân cận, tình trạng cũng diễn ra tương tự. Như vậy, rõ ràng, hầu hết các loại thịt có gắn mác “sạch” được bán ở các chợ lớn, nhỏ, các khu dân cư trên địa bàn tỉnh đều không có nguồn gốc rõ ràng. Chị Hứa Thị Kiều, tổ 13, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên) nói: Nếu cứ tìm một cửa hàng bán thịt có nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm thì chúng tôi khó có thực phẩm để phục vụ các bữa ăn hàng ngày. Tôi rất lo sản phẩm thịt mua về còn tồn dư các loại chất cấm trong chăn nuôi ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng cũng chẳng biết phải làm thế nào, đành “thuận theo tự nhiên thôi”.

Lo lắng đó của chị Kiều cũng là lo lắng chung của rất nhiều người tiêu dùng. Bà Trần Thị Thúy Nga, Trưởng phòng Quản lý thuốc và thức ăn chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi thú y nói: Sản phẩm thịt an toàn, trước tiên là không có tồn dư của thuốc kháng sinh do chăm sóc, và tồn dư các kim loại nặng như: chì, asen, thủy ngân, cadimi do nguồn nước uống bị ô nhiễm. Ngoài ra, trong quá trình chăn nuôi không được sử dụng các loại chất cấm.

Tuy nhiên làm thế nào để khẳng định sản phẩm thịt có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hay không rất khó bởi thời gian qua, rất ít các mẫu thịt gia súc, gia cầm được bày bán ở các chợ trong tỉnh được cơ quan chức năng mang đi xét nghiệm và công bố công khai kết quả… Điều lo ngại nữa là trong khi người tiêu dùng chỉ có thể mua sản phẩm thịt gia súc, gia cầm bằng cảm quan thì tình trạng sử dụng các loại chất cấm trong chăn nuôi vẫn chưa được các ngành chức năng có biện pháp ngăn chặn triệt để.

Mất vệ sinh trong giết mổ, kinh doanh

Để có sản phẩm thịt “sạch”, ngoài việc đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi, không sử dụng các chất cấm và liều lượng kháng sinh vượt ngưỡng cho phép trong chăn nuôi thì khâu giết mổ cũng phải được thực hiện nghiêm ngặt theo quy chuẩn Quốc gia về lĩnh vực thú y tại Thông tư số 13, ngày 20-6-2017 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Thế nhưng, nhìn vào “bức tranh toàn cảnh” của hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh hiện nay cho thấy, vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh trong giết mổ đang mang một gam màu ảm đạm. Cho đến nay, Thái Nguyên mới có 2 cơ sở giết mổ gia súc tập trung cơ bản đáp ứng được yêu cầu vệ sinh thú y theo quy chuẩn; 1 cơ sở giết mổ gia súc nhỏ lẻ; 5 cơ sở giết mổ tạm thời (không nằm trong quy hoạch, có thể bị di dời đi bất cứ lúc nào). Tuy nhiên, do chưa tìm được đầu ra nên hiện cả 2 cơ sở giết mổ tập trung chỉ duy trì giết mổ chưa đến 100 con/ngày. Cơ sở giết môt nhỏ lẻ cũng chỉ đạt khoảng 10-20 con/ngày trở lại. Do đó, số thịt gia súc, gia cầm còn lại được bày bán tại các khu chợ, các khu dân cư trên địa bàn tỉnh đều là của các hộ giết mổ nhỏ lẻ, tự phát, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, dễ làm lây lan dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Được biết, hiện, toàn tỉnh có trên 1.160 hộ kinh doanh giết mổ gia súc, gia cầm. Trong đó, giết mổ tại hộ chăn nuôi là 527 hộ, số còn lại là tại hộ kinh doanh. Trung bình một hộ giết mổ hơn 1 con trâu bò/ngày đêm; dưới 1 con lợn/ngày đêm (do nhiều hộ giết mổ theo phiên chợ nên có ngày không tiến hành giết mổ) và khoảng trên trên 10 con gia cầm/ngày đêm.

Qua khảo sát chúng tôi thấy, việc giết mổ gia súc tại hộ kinh doanh phần lớn đều nằm trong khu dân cư, gây tiếng ồn lớn, diện tích chật hẹp, trang thiết bị thô sơ, không có biện pháp xử lý chất thải, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và khả năng lây nhiễm vi sinh vật vào sản phẩm giết mổ rất cao. Đối với việc giết mổ gia cầm, không chỉ tại hộ gia đình mà tại một số chợ trên địa bàn tỉnh như chợ Thái, Đồng Quang, chợ Đại Từ... cũng đều được làm thủ công.

Điều đáng nói là phần lớn sản phẩm động vật được giết mổ tại hộ kinh doanh và giết mổ tại hộ chăn nuôi không có sự kiểm soát của cơ quan thú y. Quá trình giết mổ thực hiện trên nền đất, xi măng hoặc đá hoa. Các “thợ thịt” hầu hết không được trang bị đầy đủ bảo hộ, thậm chí họ còn đi dép lê hoặc chân đất khi thực hiện các thao tác giết mổ. Thịt động vật sau khi được giết mổ thường được để cùng nội tạng và chất thải, không đảm bảo vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

Giết mổ mất vệ sinh, kinh doanh cũng rất mất vệ sinh. Tìm hiểu thực tế tại chợ đầu mối Túc Duyên (T.P Thái Nguyên), chợ nông thôn ở xã Minh Tiến (Đại Từ) và nhiều chợ lớn, nhỏ khác trong tỉnh, điều dễ nhận thấy là người kinh doanh bày bán sản phẩm thịt động vật khá tùy tiện. Có thể là giữa chợ, góc chợ, bên lề đường, trên nắp cống... Các chủ kinh doanh bày thịt trên những chiếc bàn gỗ và xẻ thịt cũng bằng những thớt gỗ cáu bẩn, đầy mùn và bám mỡ bóng loáng do không được vệ sinh thường xuyên. Có người còn trải tấm nilon, bìa các tông, bao tải dứa... ra nền xi măng, nền đất ở ven đường để bán thịt. Ở nhiều nơi, quầy hàng bán thịt sống, thịt chín lẫn lộn, có những chủ hàng vừa cắt thịt sống lại quay ra bán thịt chín mà không hề rửa tay hoặc mang găng tay. Chị Hứa Thị Hằng, là một tiểu thương ở Chợ Mới (Bắc Kạn) thường mang thịt lợn về bày bán ngày trên đường Việt Bắc (T.P Thái Nguyên) cho hay: Chúng tôi vào nhà dân tìm mua những con lợn ngon, thịt xong mới mang từ Chợ Mới về Thái Nguyên bán. Thường thì từ 3 đến 5 ngày chúng tôi mới có thịt để bán.

Không biết chất lượng thịt mà chị Hằng bán tốt như thế nào nhưng chỉ riêng việc vận chuyển thịt lợn qua một đoạn đường dài, không có dấu của cơ quan thú y, rồi lại bày bán ngay trên vỉa hè thì việc sản phẩm thịt bị bụi bẩn, nhiễm khoản, mất vệ sinh an toàn thực phẩm là điều không thể tránh khỏi.

Theo Báo Thái Nguyên điện tử
Các tin khác: