Tăng cường quản lý, kiểm soát giết mổ động vật

Cập nhật ngày: 22/03/2023 09:27 (Lượt xem: 969)
Mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật; kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh hướng dẫn người dân tiêu trùng khử độc chuồng trại chăn nuôi. Ảnh: TNGOP

Trên địa bàn tỉnh có 1.261 hộ, điểm, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; 1.248 hộ kinh doanh sản phẩm động vật, tiêu thụ trên 1.500 con lợn/ngày; số chợ kinh doanh sản phẩm động vật có dấu kiểm soát giết mổ là 15/140 chợ, chủ yếu tại các chợ trung tâm của huyện, thành phố.

Thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) đã rà soát, thống kê; tổ chức tuyên truyền các quy định để xóa bỏ tình trạng giết mổ động vật không đảm bảo các điều kiện; kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại 8/11 cơ sở giết mổ. Tham mưu thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, quyết định thành lập các đoàn kiểm tra chuyên ngành để kiểm tra hoạt động giết mổ, buôn bán động vật, sản phẩm động vật, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, Sở Y tế cũng đã thống kê số lượng, kiểm tra việc thực hiện sử dụng sản phẩm động vật có nguồn gốc, kiểm tra thú y tại bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn, trường học. Sở Công Thương quản lý hoạt động của các chợ theo phân công, phân cấp; UBND các huyện, thành phố hướng dẫn kiểm tra thực hiện quản lý Nhà nước về chợ trong việc bố trí, sắp xếp, phân khu kinh doanh sản phẩm động vật đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm...

Xác định công tác thanh, kiểm tra là vấn đề then chốt trong kiểm soát chất lượng, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản đã thành lập đoàn kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giết mổ gia súc trên địa bàn tỉnh năm 2023. Trước đó, năm 2022, Chi cục đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập 1 đoàn kiểm tra liên ngành và chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực quản lý. Cụ thể đã triển khai 7 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 991 lượt cơ sở.

Hiện nay, hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã được quy định xử phạt rất rõ tại Điều 12 của Luật Chăn nuôi (các hành vi bị cấm trong chăn nuôi) và Điều 28 của Nghị định số 14/2021/NĐ-CP ngày 1/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi. Theo đó, phạt tiền từ 50-60 triệu đồng đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; phạt tiền từ 70-80 triệu đồng đối với hành vi sử dụng mỗi chất cấm trong chăn nuôi đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án.

Ông Đỗ Đình Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, cho biết: Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động giết mổ động vật và giám sát, xử lý tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, Chi cục sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về các quy định của pháp luật trong lĩnh vực quản lý hoạt động giết mổ, an toàn thực phẩm... để người dân hiểu và tự giác chấp hành.

Chi cục cũng sẽ tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các huyện, thành phố, các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện công tác quản lý giết mổ động vật theo nội dung Kế hoạch số 184/KH-UBND ngày 15/12/2022 của UBND tỉnh. Cùng với đó, đề nghị các địa phương tiếp tục củng cố và phát triển hoạt động của các chuỗi liên kết trong chăn nuôi gắn với giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm động vật...

https://baothainguyen.vn/kinh-te/nong-nghiep/202303/tang-cuong-quan-ly-kiem-soat-giet-mo-dong-vat-a0d78a2/
Các tin khác: