Tạo động lực để kích cầu tín dụng

Cập nhật ngày: 26/02/2021 04:34 (Lượt xem: 962)
Những ngày sau Tết, trong khi nhiều lĩnh vực kinh doanh khác khá trầm lắng thì tại các ngân hàng trên địa bàn tỉnh, hoạt động giao dịch lại diễn ra khá sôi động, lượng khách hàng tăng khoảng 3-4 lần so với bình thường. Tuy nhiên, phần lớn trong số này là khách hàng đến gửi tiền tiết kiệm hoặc trả nợ, chỉ rất ít đến vay vốn và sử dụng các dịch vụ khác.

Từ sau Tết đến nay, lượng khách giao dịch tại các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đều tăng đáng kể. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Vietinbank Thái Nguyên (ảnh chụp chiều 25-2).

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh chia sẻ: Ngay sau kỳ nghỉ Tết, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đều đã mở cửa trở lại, với lượng khách hàng tăng nhiều lần so với bình thường. Tuy nhiên, cũng như mọi năm, chủ yếu khách hàng đến để gửi tiết kiệm, trả nợ ngân hàng, còn khách vay không đáng kể. Chính vì thế, từ sau Tết đến nay, NHNN tỉnh vừa phải tăng cường thêm cán bộ cho bộ phận kho quỹ, vừa phải tăng thêm giờ làm của bộ phận này mới đủ đáp ứng được lượng giao dịch gấp nhiều lần so với ngày thường. Cũng nhờ giao dịch qua hình thức online ngày càng tăng mạnh nên mặc dù quy mô nền kinh tế cũng như nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đều tăng đáng kể nhưng lượng tiền mà NHNN tỉnh thu về trong những ngày ở mức tương đương so với đợt sau Tết năm trước.

Nhận định về thị trường tín dụng năm nay, ông Bùi Văn Khoa cho rằng: Lãi suất huy động và lãi suất cho vay nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì ổn định ở mức thấp như năm 2020, thậm chí là thấp hơn, ít nhất là trong 6 tháng đầu năm. Bởi ngay từ những ngày đầu năm nay, hầu hết các ngân hàng đều tiếp tục hạ lãi suất huy động. Kéo theo đó, nhiều ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay ở một số gói vay, hoặc ở một số kỳ hạn. Và nếu tính hình dịch bệnh trong cả nước và trên địa bàn tỉnh được kiểm soát tốt và đẩy lùi, dư nợ tín dụng cho vay cũng sẽ khả quan hơn năm 2020.

Còn ông Hà Mậu Quý, Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Thái Nguyên phân tích: Ở BIDV Thái Nguyên, tính đến trước Tết (trước ngày 10-2), dư nợ cho vay tăng tới trên 600 tỷ đồng (tương đương 5,1%) so với cuối năm 2020. Nếu theo quy luật mọi năm, ngoài mùng 10 tháng Giêng, dư nợ của chúng tôi dự kiến sẽ giảm khoảng 300-400 tỷ đồng vì khi đã bán được hàng dịp Tết, khách sẽ trả ra do chưa có nhu cầu nhập hàng tiếp. Nhưng năm nay, đến ngày 13 tháng Giêng, dư nợ của Chi nhánh chỉ giảm vài chục tỷ đồng. Điều này phần nào cho thấy lượng hàng hóa trong dịp Tết luân chuyển chậm hơn so với chu kỳ bình thường nên nhiều khách không có khả năng trả giảm dư nợ tại ngân hàng dịp này. Các hoạt động khác như mở thẻ hay thanh toán trong đợt này cũng hạn chế, mà chủ yếu là khách hàng tiền gửi cá nhân.

Khác BIDV Thái Nguyên với nền khách hàng doanh nghiệp chiếm tới 90% tổng dư nợ cho vay, đại diện một số ngân hàng thương mại có khách hàng vay chủ yếu là cá nhân lại chia sẻ: Từ sau Tết, số tiền thu về do khách hàng trả nợ khá nhiều. Điều này phù hợp với quy luật chung từ nhiều năm qua, song có một điều dễ nhận thấy đó là số khách hàng giảm dư nợ năm nay tăng nhiều hơn, do dịch COVID-19 tái bùng phát đợt 3 ngay trước Tết Tân Sửu tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro nên nhiều khách hàng chưa dám nhập lại hàng hoặc nhập với số lượng hạn chế.

Đại diện lãnh đạo NHNN tỉnh phân tích thêm: Trong khi mức lãi suất tiền gửi từ đầu năm 2020 đến nay liên tục điều chỉnh giảm, nhưng kết quả huy động vốn của toàn hệ thống đến nay vẫn rất tốt. Tính đến cuối năm 2020 đạt trên 74,2 nghìn tỷ đồng, tăng 13,39% so với cuối năm 2019. Trong khi đó, dư nợ cho vay chỉ đạt gần 62,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,34% - mức tăng thấp nhất trong vòng nhiều năm qua và xu hướng này tiếp tục duy trì trong những ngày tiếp theo. Điều này cho thấy, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đang thừa vốn do nhiều tổ chức, cá nhân không biết đầu tư tài chính vào đâu nên vẫn coi ngân hàng vẫn được xem là kênh đầu tư an toàn và hiệu quả.

Có thể nói, mặc dù tại các ngân hàng, giao dịch những ngày sau Tết đều diễn ra khá sôi động, song đối với hoạt động cho vay vẫn rất hạn chế. Tuy nhiên, đại diện nhiều ngân hàng đều có chung nhận định và tin tưởng năm nay, các chỉ tiêu kế hoạch toàn ngành sẽ khả quan hơn năm 2020 và hoàn thành được kế hoạch được giao, nếu chúng ta tiếp tục kiểm soát tốt dịch COVID-19 như thời gian qua.

http://www.baothainguyen.org.vn/tin-tuc/kinh-te/tao-dong-luc-de-kich-cau-tin-dung-281670-108.html
Các tin khác: