Tạo niềm tin để các doanh nghiệp phát triển

Cập nhật ngày: 20/02/2019 08:14 (Lượt xem: 966)
Những năm qua, Thái Nguyên là một trong những tỉnh, thành phố của cả nước có sự phát triển năng động trên tất cả các lĩnh vực. Môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh ngày càng được cải thiện, trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh có những đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp (DN), doanh nhân.

Sản xuất thiết bị y tế tại Công ty TNHH Mani Hà Nội.

 

Năm 2018, cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong việc tạo điều kiện thuận lợi về môi trường đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN, Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 18/4/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế nhanh, bền vững, các thủ tục hành chính, chất lượng dịch vụ công trên địa bàn tỉnh được quan tâm cải thiện theo hướng rút ngắn thời gian.

Đặc biệt, sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW (ngày 3/6/2017) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 20-CT/TU (ngày 4/10/2017) về thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, từ đó tạo niềm tin để cộng đồng DN, doanh nhân trên địa bàn tỉnh phát triển, không ngừng lớn mạnh cả về lượng và chất.

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 6.500 DN đang hoạt động với số vốn đăng ký trên 82.000 tỷ đồng. Cộng đồng DN Thái Nguyên đã có mặt ở tất cả các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, khai thác khoáng sản. Đóng góp vào ngân sách Nhà nước, xuất khẩu, tạo việc làm: Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2018 trên địa bàn đạt trên 670.000 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 10,5%; GRDP bình quân đầu người 77,7 triệu đồng/người/năm, tăng 9,7 triệu đồng/người. Giá trị xuất khẩu trên địa bàn tăng 10,2%. Thu ngân sách nhà nước đạt trên 15.000 tỷ đồng (trong đó thu nội địa đạt 11.787 tỷ đồng), tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương với mức thu nhập ổn định.

Dấu ấn nổi bật trong năm 2018 chính là việc tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên, tại Hội nghị lần này 50 dự án đã được trao quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, biên bản ghi nhớ đầu tư, với tổng vốn đầu tư 46.785 nghìn tỷ đồng. Sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư, hàng chục nhà đầu tư lớn đến từ các tập đoàn, DN lớn trong và ngoài nước tiếp tục đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh Thái Nguyên. 61 dự án của 42 nhà đầu tư với tổng số vốn đăng ký đầu tư đạt hơn 95.700 tỷ đồng là những minh chứng về sức hấp dẫn của môi trường kinh doanh Thái Nguyên. Cộng đồng DN, doanh nhân trong năm cũng đã tích cực cùng chính quyền tỉnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI. Năm qua cũng là năm Thái Nguyên có Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và Chỉ số hài lòng của người dân nằm trong Top dẫn đầu của cả nước.

Cải cách hành chính, môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng thông thoáng, công khai, minh bạch, đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, nhiều dự án lớn, có hiệu quả kinh tế - xã hội được thực hiện, nổi bật là dự án Samsung với tổng mức đầu tư gần 6,4 tỷ USD; dự án Khai thác - chế biến khoáng sản Núi Pháo; dự án Khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc và các dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt Sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ Sông Cầu… 

Thái Nguyên đang tích cực triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từng bước chuyển đổi mô hình theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phong trào xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh. Tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 87/100 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 87% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra); 3/9 đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Kết quả trên ngày càng củng cố lòng tin, niềm tin tuyệt đối của nhân dân và cộng đồng DN, doanh nhân vào chủ trương đúng đắn, đoàn kết đồng thuận cao của Đảng và sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, nỗ lực không ngừng của chính quyền các cấp.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch thứ nhất Hiệp hội DN tỉnh cho biết: Thời gian qua, nhiều DN của tỉnh có những đột phá trong chiến lược phát triển, trong đó, Công ty cổ phần tài nguyên Masan mua lại 49% cổ phần với trị giá 29,1 triệu USD của đối tác liên doanh uy tín từ Cộng hòa Liên bang Đức, qua đó sở hữu 100% cổ phần tại Công ty liên doanh TNHH Tinh luyện Vonfram Núi Pháo - H.C.Starck. Thương vụ này khẳng định sự trưởng thành và vị thế của một DN Việt Nam, là khởi đầu cho hành trình trở thành nhà chế biến sâu hoá chất công nghiệp vonfram và hướng đến mục tiêu chinh phục 50% thị phần thế giới (ngoài Trung Quốc). Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG ký kết hợp đồng đầu tư trái phiếu với quỹ đầu tư Asam (Hàn Quốc) với trị giá 200 tỷ đồng, tiếp tục khẳng định thương hiệu và uy tín của một DN lớn tại Thái Nguyên...

Nhiều DN thành viên Hiệp hội luôn là những nhân tố tích cực trong nghĩa vụ nộp thuế, điển hình như: Công ty CP Thương mại Thái Hưng, Công ty CP Phụ tùng máy số 1, Công ty TNHH MTV vật liệu nổ 31, Công ty CP Nhiệt điện An Khánh, Công ty CP Luyện kim màu VIMICO, Công ty TNHH XD và Phát triển nông thôn miền núi, Công ty Xăng dầu Bắc Thái, Công ty CP Đầu tư và phát triển Yên Bình, Công ty CP Tập đoàn Tiến Bộ, Công ty CP Luyện kim đen...

Bên cạnh những đóng góp nổi bật của cộng đồng DN trong nước, cũng phải kể đến những đóng góp của các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI. Hiện tại toàn tỉnh có 134 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt gần 7,3 tỷ USD, đóng góp tích cực vào nguồn thu ngân sách địa phương, kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương. Trong cuộc gặp gỡ với chính quyền địa phương cuối năm 2018, ông Kim Dong Wook, Tổng Giám đốc Công ty Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên cho biết: Tôi cùng toàn thể cán bộ, công nhân viên Công ty xin cam kết sẽ cố gắng, nỗ lực hơn nữa, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và sự phát triển của nhân dân tỉnh Thái Nguyên. Đồng thời, trong thời gian tới, chúng tôi cũng mong nhận được nhiều hơn nữa sự hỗ trợ, giúp đỡ, quan tâm từ Chính phủ Việt Nam, chính quyền sở tại và người dân địa phương...

Cùng với những đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, cộng đồng DN tỉnh Thái Nguyên còn là lực lượng đi đầu, có những đóng góp lớn cho các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, có nhiều hoạt động hướng về người nghèo, gia đình chính sách... với tổng số tiền lên đến gần 100 tỷ đồng. Công tác chăm lo cho công nhân, người lao động cũng được các DN quan tâm, ngoài việc đảm bảo lương, thưởng cho cán bộ, nhân viên, người lao động, nhiều DN còn có những hỗ trợ, ưu đãi cho công nhân về nhà ở xã hội; đào tạo lao động và nhiều chương trình phúc lợi khác.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thái Nguyên khẳng định: Với những cơ chế, chính sách thông thoáng, ưu đãi đã tạo được niềm tin cho cộng đồng DN tỉnh phát triển. Và quan trọng hơn, môi trường kinh doanh hấp dẫn là chỉ dấu quan trọng khẳng định những cải cách môi trường đầu tư và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân và đặc biệt không thể thiếu vai trò quan trọng của cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh đã tạo nên bức tranh kinh tế đầy khát vọng ở tương lai...

Theo Báo Thái Nguyên điện tử
Các tin khác: