Tạo sinh kế bền vững từ “Ngân hàng bò”

Cập nhật ngày: 05/04/2023 08:41 (Lượt xem: 963)
Chương trình “Ngân hàng bò” được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai với mục tiêu giúp những gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên phát triển kinh tế thông qua hình thức trợ giúp bò sinh sản. Tại huyện Phú Bình, sau 10 năm thực hiện, Chương trình đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nhiều gia đình hội viên chữ thập đỏ thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế.

Chương trình "Ngân hàng bò" bàn giao bò nái cho hội viên chữ thập đỏ nghèo ở xã Hà Châu (Phú Bình).

Bà Nguyễn Thị Phú, ở tổ dân phố Thi Đua, thị trấn Hương Sơn - một trong 9 hộ được nhận hỗ trợ từ Chương trình “Ngân hàng bò” năm 2022, chia sẻ: Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Cả gia đình chỉ trông vào 2 sào ruộng, cuộc sống rất khó khăn. Được sự quan tâm của Hội Chữ thập đỏ các cấp, gia đình tôi được hỗ trợ 10 triệu đồng để mua bò nái. Có con bò, tôi vừa có thể ở nhà chăm sóc chồng đau ốm mà vẫn có điều kiện tăng gia sản xuất.

Niềm vui của bà Phú cũng là cảm xúc chung của nhiều hội viên chữ thập đỏ nghèo của huyện Phú Bình khi được Chương trình “Ngân hàng bò” hỗ trợ. 

Bà Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Phú Bình, thông tin: Chương trình “Ngân hàng bò” là nguồn hỗ trợ thiết thực, mang lại tư liệu sản xuất bền vững cho hội viên nghèo. Chương trình được triển khai tại huyện Phú Bình từ năm 2013. Khi mới triển khai, toàn huyện có 18 con bò, được trao cho 18 hộ nghèo ở 12 xã. Đến nay, Chương trình đã phát triển ở cả 20/20 xã, thị trấn. Hiện tại, Chương trình đã hỗ trợ 113 hội viên nghèo, với trị giá số bò đã hỗ trợ là 895 triệu đồng, chiếm 1/3 tổng số bò trong “Ngân hàng bò” của toàn tỉnh.

Chương trình “ Ngân hàng bò” được triển khai với phương thức hỗ trợ hội viên nghèo bằng bò nái, hoặc tiền mặt để hội viên mua bò. Nếu được hỗ trợ bằng bò, sau thời gian 2-3 năm, các hội viên sẽ bàn giao lại bò nái cho Hội để chuyển cho hộ nghèo khác nuôi. Nếu được hỗ trợ bằng tiền mặt để mua bò, cũng sau 2-3 năm, các hộ sẽ hoàn trả số tiền Hội đã hỗ trợ (không phải trả lãi) để Hội đầu tư cho hội viên nghèo khác có nhu cầu. Với cách làm này, nhiều hộ nghèo đã có cơ hội được tiếp cận sinh kế mới để từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Qua thực tế cho thấy, để Chương trình “Ngân hàng bò” được triển khai thành công, công tác vận động nguồn lực là khâu quan trọng nhất. Trong quá trình thực hiện, các cấp Hội Chữ thập đỏ từ huyện đến cơ sở đã đa dạng hoá các hình thức vận động, như: vận động từ hội viên; huy động các hộ dân trên địa bàn đóng góp; kêu gọi các tập thể, cá nhân có lòng hảo tâm ủng hộ… Các cấp Hội cũng tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích của Chương trình, để từ đó huy động nhiều tập thể, cá nhân hảo tâm, các hội viên tham gia đóng góp, ủng hộ. 

Ông Dương Minh Tuân, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Điềm Thụy, chia sẻ: Khoảng 7 năm trở lại đây, chúng tôi vận động mỗi hộ gia đình trong xã đóng góp 10.000 đồng/năm vào quỹ của “Ngân hàng bò”. Số tiền thu được, Hội sẽ trao cho hội viên nghèo để mua bò. Riêng năm 2022, Hội Chữ thập đỏ xã Điềm Thụy đã vận động được 30 triệu đồng, hỗ trợ 2 hộ nghèo ở xóm Bình 2 và xóm Trạng, mỗi hộ 15 triệu đồng để mua bò nái.

Từ nguồn quỹ huy động được, Hội Chữ thập đỏ huyện Phú Bình ưu tiên hỗ trợ những hộ nghèo có lao động, kinh nghiệm, kiến thức để chăm sóc bò. Qua thực tế triển khai Chương trình “Ngân hàng bò” ở huyện Phú Bình cho thấy, số lượng đàn bò giống được hỗ trợ đã tăng lên rất nhiều. Số lượng hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo và hộ nghèo được chuyển giao bò để phát triển chăn nuôi cũng tăng lên đáng kể... 

Tiếp tục phát huy hiệu quả từ Chương trình "Ngân hàng bò", thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ huyện Phú Bình sẽ tích cực vận động, kêu gọi sự chung tay góp sức của cả cộng đồng để có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ bò giống cho các hộ nghèo.

https://baothainguyen.vn/kinh-te/202304/tao-sinh-ke-ben-vung-tu-ngan-hang-bo-fb922db/
Các tin khác: