Tập trung phòng trừ sâu bệnh hại lúa xuân

Cập nhật ngày: 07/05/2024 10:00 (Lượt xem: 961)
Điều kiện thời tiết xen kẽ giữa nắng nóng và mưa dông tạo thuận lợi cho một số sâu bệnh phát sinh và gây hại trên cây trồng. Để bảo vệ diện tích lúa xuân, ngành Nông nghiệp và bà con nông dân trong tỉnh Thái Nguyên đang khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra tình hình sâu bệnh trên cây lúa tại xã An Khánh (Đại Từ) để kịp thời hướng dẫn người dân cách phòng trừ.

Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh gieo cấy trên 28.000ha lúa, trong đó, diện tích lúa xuân trung chiếm 2-3%, còn lại lúa xuân muộn. Hiện lúa xuân trung đang bước vào giai đoạn trổ bông - chín sữa, lúa xuân muộn trong giai đoạn đứng cái - làm đòng.

Những ngày qua, thời tiết nắng nóng, xem kẽ với mưa rào đã tạo điều kiện thuận lợi để sâu bệnh phát sinh và gây hại nặng trên lúa, như: bệnh bạc lá, rầy nâu, rầy lưng trắng… Kết quả kiểm tra đồng ruộng của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho thấy: Rầy các loại có mật độ trung bình 300-500 con/m2, nơi cao 800-1.200 con/m2, cục bộ 3.000-5.000 con/m2 (TP. Thái Nguyên, Đồng Hỷ, Phú Bình...) đã gây cháy chòm, cháy ổ cục bộ; bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn tỷ lệ bệnh trung bình 1-3%, nơi cao 5-10% lá bị hại (Phú Lương, Định Hóa, Võ Nhai…)

Ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Với việc triển khai đúng khung thời vụ nên diện tích lúa xuân ở các địa phương đều sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết bất lợi đã làm phát sinh một số loại sâu bệnh hại lúa. Để không làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa vụ xuân, chúng tôi đã có văn bản hướng dẫn các địa phương chủ động biện pháp phòng trừ; có hướng dẫn cụ thể với từng đối tượng sâu bệnh hại, từng loại thuốc và cách phòng trừ hiệu quả.

Nông dân xã Thịnh Đức (TP. Thái Nguyên) phòng trừ sâu bệnh hại lúa.
Nông dân xã Thịnh Đức (TP. Thái Nguyên) phòng trừ sâu bệnh hại lúa.

Sau khi có thông báo từ ngành chức năng, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã kịp thời thông báo tới người dân. Ông Dương Văn Quyền, Trưởng xóm Làng Mon, xã Thịnh Đức (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Diện tích lúa vụ xuân năm nay của xóm khoảng 70ha, chủ yếu là giống lúa HKT99. Sau khi nhận được các văn bản hướng dẫn, chúng tôi đã thông báo ngay tới bà con trên hệ thống loa truyền thanh. Qua kiểm cho thấy cây lúa chủ yếu nhiễm bệnh rầy nâu, rầy lưng trắng. So với năm ngoái thì vụ xuân năm nay diện tích lúa bị nhiễm rầy nhiều và nặng hơn. Đến nay, bà con đã cơ bản phun thuốc cho những diện tích lúa bị nhiễm bệnh.

Nhờ được thông báo kịp thời từ các ngành chức năng và chính quyền địa phương nên bà con nông dân trong tỉnh đã chủ động thực hiện các biện pháp phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại ngay từ sớm, không để sâu bệnh lây lan trên diện rộng. Chị Đinh Thị Thu, xóm Thác Vạng, xã An Khánh (Đại Từ), cho hay: Qua thăm đồng tôi phát hiện 2/3 sào lúa xuân của gia đình bị bệnh rầy lưng trắng. Sau khi được cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn tôi đã mua các loại thuốc Actara 25WG và Chess 50WG về phun cho lúa.

Theo dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, nhiệt độ cao, mưa dông nên tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại như: bệnh đạo ôn cổ bông, khô vằn, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, sâu cuốn lá, nhện gié… Do vậy, các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn người dân chăm sóc lúa; bà con nông dân cần tích cực thăm đồng nhằm sớm phát hiện các loại sâu bệnh gây hại để có cách phòng trừ hiệu quả.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo sử dụng các loại thuốc đối với các bệnh:

+ Bệnh rầy nâu, rầy lưng trắng: Actara 25WG, Chess 50WG, Sutin 5EC, Chersieu 50WG, Bassa 50EC, Applaud 25SC, 25WP…

+ Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn:  Xanthomix 20 WP; Xantocin 40WP, Sansai 200 WP;  Totan 200WP, Stifano 5.5SL…

https://baothainguyen.vn/kinh-te/nong-nghiep/202405/tap-trung-phong-tru-sau-benhhai-lua-xuan-3310412/
Các tin khác: