Thành lập Chi cục thuế khu vực: Giảm đầu mối, không phát sinh chi phí cho doanh nghiệp

Cập nhật ngày: 09/07/2018 04:11 (Lượt xem: 1008)
Theo Quyết định số 520/QĐ-BTC ngày 13/4/2018 của Bộ Tài chính, từ nay đến cuối năm 2020 toàn ngành Thuế sẽ giảm 50% số chi cục thuế. Thực hiện chỉ đạo này, Cục thuế Thái Nguyên đã và đang tiến hành sắp xếp, sáp nhập các chi cục thuế cấp huyện thành chi cục thuế khu vực. Để có thêm thông tin về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên có cuộc phỏng vấn ông Phạm Văn Chức, Cục trưởng Cục thuế tỉnh.

Người dân thực hiện kê khai thuế tại Bộ phận một cửa và trả kết quả của Cục Thuế Thái Nguyên.

 

PV: Là đơn vị trực tiếp chịu tác động của việc ngành sắp xếp, sáp nhập để thành lập các chi cục thuế khu vực, ông đánh giá như thế nào về chủ trương này?

Ông Phạm Văn Chức: Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Bộ Tài chính và Tỉnh ủy, Cục Thuế Thái Nguyên đã tiến hành rà soát, đánh giá tổ chức bộ máy, hiệu quả công tác quản lý thuế. Tôi cho rằng việc sáp nhập các chi cục thuế là hướng đi đúng đắn và cần thiết, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và hiện đại hóa công tác quản lý thuế. Đến nay, Cục Thuế đã thành lập Ban Chỉ đạo để xây dựng đề án, kế hoạch thực hiện; chỉ đạo các đơn vị đầu mối thực hiện việc sáp nhập đảm bảo theo lộ trình. Cụ thể, năm 2018 sáp nhập Chi cục Thuế huyện Đồng Hỷ và Võ Nhai (trụ sở tại Đồng Hỷ); Chi cục Thuế T.X Phổ Yên với huyện Phú Bình (trụ sở tại T.X Phổ Yên); Chi cục Thuế T.P Sông Công với huyện Đại Từ (trụ sở tại T.P Sông Công). Năm 2019-2020, sáp nhập Chi cục Thuế huyện Phú Lương và Định Hóa (trụ sở tại Phú Lương).

Ưu điểm khi thực hiện sắp xếp là tinh gọn đầu mối các chi cục, giảm tối đa đội thuế xã, phường, thị trấn để tập trung nguồn lực cho các lĩnh vực quản lý thuế. Với lộ trình này, đến 2020, Cục Thuế Thái Nguyên sẽ giảm được số cán bộ công chức đáng kể so với hiện tại. Với sự nỗ lực, quyết tâm trong toàn ngành, Cục Thuế Thái Nguyên đã sẵn sàng cho công tác chuyển đổi này.

P.V: Đối với Thái Nguyên, quá trình triển khai thực hiện có những thuận lợi và khó khăn gì thưa ông?

Ông Phạm Văn Chức: Thực Việc sắp xếp, sáp nhập thành chi cục thuế khu vực là một công việc mới mẻ, phức tạp, nhiều vấn đề phát sinh. Vì vậy, Cục Thuế đã báo cáo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về đề án để tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền. Tỉnh ủy đã ra Thông báo số 1687-TB/TU ngày 15/5/2018 về việc thực hiện sắp xếp, sáp nhập các chi cục thuế; chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã phối hợp và tạo điều kiện giúp đỡ ngành Thuế trong việc sắp xếp, sáp nhập. Bên cạnh đó, Cục Thuế cũng chủ động kiểm kê, chốt số liệu, giao nhận về tài sản, tài chính, ấn chỉ, hồ sơ lưu trữ, quản lý và sử dụng tài sản của đơn vị có hiệu quả. Xử lý quy trình nghiệp vụ, hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo thông suốt các nội dung quản lý, không ảnh hưởng đến công tác thu ngân sách, cũng như không gây khó khăn, ách tắc cho người nộp thuế (NTT).

Trong quá trình triển khai thực hiện, chúng tôi nhận được sự đồng thuận cao của cán bộ công chức, người lao động. Tuy nhiên, cũng gặp một số khó khăn như bố trí lại cấp trưởng, sắp xếp cấp phó dư thừa; điều kiện làm việc, ăn ở của một số công chức ở chi cục thuế khu vực; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và chính quyền địa phương đối với công tác thuế của chi cục thuế khu vực...

P.V: Một trong những vấn đề quan tâm nhất khi sắp xếp lại bộ máy là công tác cán bộ. Những phát sinh khi thực hiện chủ trương này sẽ được Cục Thuế giải quyết như thế nào thưa ông?

Ông Phạm Văn Chức: Trong đề án thực hiện, chúng tôi đề ra nguyên tắc nhất quán là bộ máy chi cục thuế khu vực được sắp xếp theo đúng quy định và đảm bảo đầy đủ các chức năng quản lý thuế, phí, lệ phí… Vận hành có hiệu quả và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, việc bố trí, sử dụng công chức phải đúng người, đúng việc, đảm bảo tiết kiệm, hợp lý; nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả công tác; đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của chi cục thuế sau khi thành lập.

Về công tác cán bộ, Cục Thuế, các chi cục thuế cũng kịp thời nắm bắt tư tưởng của công chức và người lao động trong đơn vị nhằm đảm bảo sự đoàn kết, thống nhất nội bộ cơ quan khi tiến hành sắp xếp, sáp nhập; xây dựng phương án bố trí nhân sự đảm bảo rõ ràng, công khai, minh bạch. Quá trình sắp xếp chắc chắn cũng sẽ có những xáo trộn, vất vả nhất định trong cuộc sống của cán bộ công chức, nhưng mọi người đã được phổ biến, tuyên truyền, chuẩn bị tinh thần, tâm lý để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

P.V: Dư luận băn khoăn là việc sáp nhập để thành lập các chi cục thuế khu vực sẽ ảnh hưởng nhiều tới NNT. Ông nhận định về vấn đề này như thế nào? Ngành Thuế sẽ có giải pháp như thế nào để giảm thiểu tác động?

Ông Phạm Văn Chức: Thực Khi xây dựng đề án, cơ quan thuế đã rà soát tổng thể nhiều yếu tố có tác động đến NNT, từ đó phân loại các nhóm yếu tố tác động, như: Nghiệp vụ chuyên môn; hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin; vấn đề pháp lý... Đương nhiên sẽ ít nhiều có sự ảnh hưởng đến NNT vì thay đổi tên cơ quan thuế, địa điểm giao dịch. Tuy nhiên, yếu tố thuận lợi là các doanh nghiệp đã khai thuế, nộp thuế, hoá đơn điện tử tới trên 98% nên ở đâu cũng có thể khai, nộp thuế điện tử được. Các hộ kinh doanh trước mắt vẫn quản lý theo cơ chế phân công địa bàn như trước; thủ tục hành chính liên thông và mối quan hệ với các phòng, ban chức năng của địa phương vẫn giữ nguyên.

Để tránh những tác động trực tiếp đến NNT, Cục Thuế đã chỉ đạo các đơn vị tập trung rà soát danh sách do đơn vị quản lý và sổ bộ thuế để đồng bộ cơ sở dữ liệu quản lý thuế; đảm bảo khi dữ liệu chuyển đổi cơ quan thuế khu vực không bị vướng mắc, dữ liệu phản ánh đúng nghĩa vụ của NNT. Trước mắt, Cục Thuế tiếp tục duy trì các bộ phận quản lý thuế, trực tiếp tiếp xúc với NNT tại các huyện ngoài nơi đặt trụ sở chính, gồm: Bộ phận một cửa để tiếp nhận hồ sơ, thủ tục về thuế; bộ phận trước bạ và thu khác; đội thuế xã phường, thị trấn để thuận tiện cho việc đôn đốc thu nộp ngân sách.

Về lâu dài, công tác quản lý các khoản thu về trước bạ và và đất đai sẽ được tiếp cận phương thức quản lý mới. Tiếp tục triển khai hiệu quả quy chế phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký đất đai trong việc trao đổi thông tin theo hình thức điện tử. Đối với khoản thu trước bạ, cũng tiến tới thực hiện nộp thuế điện tử trong giao dịch giữa các ngành. Lãnh đạo cơ quan thuế đang thực hiện chữ ký số vào tờ khai và thông báo nghĩa vụ tài chính của NTT thay vì ký tên, đóng dấu theo phương thức truyền thống. Làm được các nội dung trên sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề cải cách thủ tục hành chính; giảm thiểu chi phí và thời gian không chỉ cho NNT mà cả cơ quan quản lý.

P.V. Trong quá trình sáp nhập thì cơ sở vật chất, nơi giao dịch sẽ được tổ chức như thế nào để tránh lãng phí và không làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ công của cơ quan thuế, thưa ông?

Ông Phạm Văn Chức: Thực Về nơi làm việc, theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế, Cục Thuế Thái Nguyên tiếp tục duy trì các bộ phận quản lý thuế, trực tiếp tiếp xúc với NNT tại các huyện ngoài nơi đặt trụ sở chính để tạo điều kiện thuận lợi cho NNT. Như vậy có thể tạm thời sử dụng trụ sở chi cục thuế cũ cho đến khi có phương án cụ thể xử lý tài sản và cơ sở vật chất theo quy định chung.

 PV: Xin cảm ơn ông!  

Theo Báo Thái Nguyên điện tử
Các tin khác: