Thí điểm xã thông minh: Yếu tố con người đóng vai trò quyết định

Cập nhật ngày: 23/11/2020 03:20 (Lượt xem: 968)
Sáng 23/11, Đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) do đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ TT&TT làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại Thái Nguyên về thí điểm xây dựng xã thông minh (chuyển đổi số). Làm việc với Đoàn có lãnh đạo các sở, địa phương liên quan: Thông tin và Truyền thông, Văn hóa Thể thao và Du lịch; UBND các huyện Đại Từ, Võ Nhai và các doanh nghiệp chuyển đổi số tại Hà Nội và Thái Nguyên.
 
Để triển khai thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và Bộ trưởng Bộ TT&TT về công tác chuyển đổi số tại buổi làm việc đầu tháng 11 vừa qua, Thái Nguyên đã được Bộ TT&TT trao tặng bộ giải pháp hỗ trợ tạo lập phiên bản số 4D của Khu ATK Định Hóa và bộ giải pháp phục vụ chuyển đổi số, phát triển xã thông minh cho 2 xã. 
 
Hiện nay, trên toàn quốc đang thí điểm 12 xã thông minh, tiếp theo sẽ thí điểm 2 xã Sảng Mộc (Võ Nhai) và La Bằng (Đại Từ). Mô hình triển khai thí điểm xã thông minh gồm các nội dung chính là Hạ tầng số: Mạng (LAN, Wifi), Cloud/On premise servers, thiết bị mạng, máy tính, hệ thống camera an ninh, chữ ký số, thiết bị giám sát và bảo vệ an toàn an ninh  mạng Make in Việt Nam). Chính quyền số gồm các phần mềm triển khai thông suốt từ tỉnh đến xã như: Cổng thông tin điện tử, hệ thống một cửa điện tử, hệ thống thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản điện tử, hệ thống giao tiếp giữa chính quyền và người dân (Đài truyền thanh thông minh với nền tảng text-2-speech, mạng xã hội Zalo), an toàn an ninh mạng bảo vệ 4 lớp. Kinh tế số bao gồm nền tảng mã địa chỉ số Vpostcode, sàn thương mại điện tử, sàn kinh doanh điện tử và hệ thống thanh toán điện tử; Xã hội số bao gồm y tế số (ứng dụng tư vấn sức khỏe kết nối người dân với bác sĩ tư vấn; nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa kết nối trạm y tế xã với bệnh viên tuyến trên), giáo dục số (nền tảng quản lý, dạy và học trực tuyến); Trung tâm giám sát điều hành thông minh cấp xã (OC) cho phép quản lý, tích hợp các ứng dụng khác nhau để theo dõi, giám sát trên địa bàn toàn xã…
 
Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị, địa phương đã nêu sơ bộ hiện trang hoạt động tại cơ sở, đồng thời nêu những điểm mạnh, hạn chế, khó khăn trong việc thực hiện chuyển đổi số như hạ tầng mạng viễn thông, trình độ dân trí, địa hình… Đồng thời cũng đề xuất nhằm phát triển kinh tế địa phương như giao dịch nông sản cho sản phẩm trà, du lịch sườn đông Tam Đảo tại xã La Bằng, số hóa thông tin cho Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa…
 
Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TT&TT đề nghị Giám đốc Sở TTT&TT, các đồng chí Bí thư, Chủ tịch huyện và Bí thư, Chủ tịch địa phương 2 xã La Bằng, Sảng Mộc quyết liệt vào cuộc, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp tren địa bàn tỉnh, các đoàn thể cấp xã như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân… Để thực hiện thí điểm thành công chuyển đổi số tại 2 xã trên, thì yếu tố con người đóng vai trò quyết định. Đồng chí cũng yêu cầu các doanh nghiệp khi triển khai hạ tầng số cần đặc biệt quan tâm đảm bảo an toàn thông tin, có biện pháp ngăn chặn các website thông tin xấu độc, phục vụ cung cấp cho người dân những thông tin thiết yếu trong đời sống và sản xuất kinh doanh.
 
Ngay sau buổi làm việc, Đoàn công tác đã khảo sát tại Khu Di tích lịch sử ATK Định Hóa, xã Sảng Mộc và xã La Bằng, trên cơ sở đó sớm ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chuyển đổi số trong năm 2020.
http://www.baothainguyen.org.vn/tin-tuc/thoi-su-trong-tinh/thi-diem-xa-thong-minh-yeu-to-con-nguoi-dong-vai-tro-quyet-dinh-276941-205.html
Các tin khác: