Thiệt hại 8,5% do dịch tả lợn châu Phi, Tết này có thiếu thịt lợn?

Cập nhật ngày: 07/11/2019 02:32 (Lượt xem: 971)
Các địa phương đã chủ động lên phương án cho hàng hóa phục vụ Tết, riêng Hà Nội đã lên kế hoạch dữ trự 31.200 tỷ đồng hàng Tết, với 7 mặt hàng thiết yếu và 5 mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao.

Các doanh nghiệp hiện đã có kế hoạch để đa dạng các nguồn cung thịt lợn, kể cả thịt nhập khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, nhu cầu thực phẩm của người tiêu dùng trong đó có thịt lợn được dự báo sẽ tăng cao. Tuy nhiên, thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi đã và đang ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi của cả nước.

Vì vậy, để đảm bảo nguồn cung thực phẩm, nhất là cho các tháng cao điểm cuối năm, liên ngành công thương-nông nghiệp đã đề ra nhiều giải pháp ổn định cung-cầu, nhất là những mặt hàng thực phẩm thiết yếu.

Dịch tả đã 'tiêu diệt' 5,7 triệu con lợn

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, dịch tả lợn châu Phi đã khiến 5,7 triệu con lợn bị chết và tiêu hủy, bằng khoảng 8,5% tổng sản lượng với 3,85 triệu tấn thịt lợn.

Cùng với thiệt hại trên, giá lợn hơi trong thời gian có xu hướng tăng mạnh tại nhiều địa phương trên cả nước.

Đơn cử, trong 10 ngày đầu tháng Mười, giá lợn hơi tại nhiều tỉnh phía Bắc đã vượt 60.000 đồng/kg, còn các tỉnh miền Nam có nơi đã đạt 60.000 đồng/kg. So với cuối tháng 9/2019, mức tăng trung bình từ 6.000 - 13.000 đồng/kg.

Đến ngày 6/11, theo tổng hợp của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), giá lợn hơi tiếp tục tăng mạnh trên cả nước, một số tỉnh phía Bắc xác lập mức giá kỷ lục mới, đạt 70.000 - 71.000 đồng/kg.

Trong đó, giá lợn hơi tại Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam chạm 71.000 đồng/kg; Thái Nguyên là 70.000 đồng/kg, Lạng Sơn có nơi từ 70.000-71.000 đồng/kg. Còn tại Hà Nội, giá lợn hơi tăng 4.000 đồng/kg lên 68.000-69.000 đồng/kg…

Trong khi đó, tại các tỉnh phía Nam, mức tăng cũng dao động từ 1.000-4.000 đồng/kg, giá lợn hơi trong khoảng 55.000 - 62.000 đồng/kg.

Chủ động nhập khẩu khi thiếu hụt

Do nhu cầu tăng cao, để đảm bảo nguồn cung thực phẩm, từ giờ đến cuối năm, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết cơ quan này đã phát triển các mặt hàng khác như thịt bò, trứng thịt gà… để thay thế một phần nguồn cung thịt lợn thiếu hụt.

Bên cạnh đó, hiện tổng đàn lợn cả nước còn 25 triệu con, đàn giống để nhân giống phục vụ tái đàn dồi dào nên nếu kiểm soát, nhân giống tái đàn tốt sẽ đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, số lượng lợn nái hiện nay hoàn toàn có thể chủ động con giống cho tái đàn, đáp ứng nhu cầu thực phẩm những tháng cuối năm và dịp Tết.

“Với thống kê này, cùng với hệ thống chăn nuôi an toàn sinh học, ngành chăn nuôi sẽ chủ động được nguồn thực phẩm cuối năm,” ông Trọng nói.

Thiet hai 8,5% do dich ta lon chau Phi, Tet nay co thieu thit lon? hinh anh 2
Người dân mua thực phẩm tại siêu thị. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, chương trình bình ổn thị trường thực hiện trong dịp Tết Nguyên đán đã có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Năm nay, riêng mặt hàng thực phẩm, mặc dù ảnh hưởng nặng nề của dịch tả lợn châu Phi, song theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp hiện đã có kế hoạch để đa dạng các nguồn cung thịt lợn, kể cả thịt nhập khẩu. Do đó, khả năng vẫn đảm bảo lượng thịt lợn cho tiêu dùng cuối năm.

Còn tại Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, thành phố đã lên kế hoạch dữ trự 31.200 tỷ đồng hàng Tết với 7 mặt hàng thiết yếu và 5 mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao.

Với mặt hàng thịt lợn, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối thực hiện cấp đông để đảm bảo một phần nguồn cung cũng như chủ động phối hợp với các địa phương khác để bổ sung nguồn hàng đồng thờiphát triển các sản khác như thịt trâu, bò, gà, trứng để đảm bảo bù đắp một phần thay thế cho thịt lợn.

Hiện 21 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường đã chủ động đăng ký và dự trữ lượng thực phẩm, hàng hóa bình ổn với kinh phí 9.000 tỷ đồng/tháng (gấp đôi so với kế hoạch được giao), trong đó mặt hàng thịt và các sản phẩm thực phẩm chế biến được các doanh nghiệp đăng ký dự trữ đảm bảo theo nhu cầu.

Như vậy có thể thấy, việc cân đối cung-cầu các mặt hàng thiết yếu trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán tại nhiều thành phố lớn đã cơ bản hoàn thành, với nhiều phương án đưa ra nhằm không bị động trong mọi tình hình, tránh tính trạng sốt giá ảo do thiếu nguồn cung, giúp người dân yên tâm đón Tết./.

Theo Vietnam+
Các tin khác: