Thực hiện đồng bộ các giải pháp để kìm chế dịch bệnh

Cập nhật ngày: 02/07/2019 05:01 (Lượt xem: 958)
Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp diễn ra chiều 1-7 với các sở, ngành, địa phương và đại diện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hội Chăn nuôi - Thú y tỉnh cùng một số chủ trang trại lớn trên địa bàn.

 

Xuất hiện ổ dịch đầu tiên vào ngày 5-3, đến ngày 30-6, toàn tỉnh có trên 95.100 con lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh buộc tiêu hủy với trọng lượng trên 5.600 tấn, chiếm tỷ lệ 13,5% tổng đàn. Trong giai đoạn đầu (từ ngày 5-3 đến 15-5), tỉnh ta cơ bản kìm chế được tốc độ, phạm vi, quy mô ổ dịch. Tuy nhiên, từ giữa tháng 5 đến nay, dịch bệnh lây lan rất nhanh và đã bắt đầu xâm nhiễm vào các trang trại chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn. Bên cạnh đó, đã có 7 xã, phường gồm: Na Mao, Yên Lãng (Đại Từ); Tân Khánh, Tân Thành (Phú Bình); Phượng Tiến (Định Hóa); phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên), phường Phố Cò (T.P Sông Công) đã qua 30 ngày nhưng lại phát sinh dịch bệnh.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan rộng cũng như những hạn chế trong công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi hiện nay. Dịch bệnh lây lan nhanh là do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc xin phòng bệnh; chăn nuôi nông hộ (chiếm 70%) nên khó áp dụng các biện pháp chăn nuôi sinh học; công tác lãnh đạo, chỉ đạo dập dịch tại một số địa phương chưa thực sự quyết liệt; việc quản lý giết mổ, vận chuyển, kinh doanh lợn, sản phẩm từ lợn chưa chặt chẽ. Bên cạnh đó, công tác tổng hợp thiệt hại, hoàn thiện hồ sơ và giải ngân hỗ trợ cho các hộ có lợn tiêu hủy còn chậm…

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Dương Văn Lượng nhấn mạnh, trong thời gian tới, dịch tả lợn châu Phi vẫn còn diễn biến rất phức tạp. Vì vậy, các sở, ngành, địa phương, đơn vị cần quyết liệt hơn nữa trong thực hiện đồng bộ các giải pháp để góp phần kìm chế dịch bệnh; hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước… Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp - PTNT cần đảm bảo về số lượng, chất lượng các loại hóa chất phục vụ công tác phòng chống dịch; đồng thời, có hướng dẫn cụ thể đối với các cơ sở giết mổ động vật tạm thời, hướng dẫn tiêu hủy theo các cấp độ. Đối với Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cần tăng cường kiểm tra các bếp ăn tập thể, tuyên truyền, khuyến cáo người dân sử dụng thịt lợn an toàn. Đồng chí giao UBND các huyện, thành, thị rà soát lại toàn bộ số liệu về tình hình chăn nuôi, xây dựng phương án ứng phó với tình hình dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay, trong đó, tập trung bảo vệ các trang trại lớn và đàn lợn nái, lợn đực giống.

Theo Báo Thái Nguyên điện tử
Các tin khác: