Tin giả, hậu quả thật

Cập nhật ngày: 20/09/2019 02:54 (Lượt xem: 962)
Đây là cụm từ được nhắc đi nhắc lại với mật độ ngày càng dày hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian gần đây. Sự phát triển nhanh chóng, rộng lớn của Internet khiến tin tức trên các trang mạng xã hội (MXH) ngập tràn, thậm chí có phần lấn át các phương tiện báo chí.

Ngày 8/5/2019, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thái Nguyên đã triệu tập chị Trần Thị Huyền Trang (sinh năm 1992, trú tại xã Quy Kỳ, huyện Định Hóa) để làm rõ hành vi đăng tải bài viết có nội dung sai sự thật vụ nữ sinh bị sát hại khi đi giao gà ở Điện Biên trên mạng xã hội Facebook. Ảnh: T.L

 

Chúng ta đang thực sự đối diện với nguy cơ bị MXH dẫn dắt bởi tin tức giả mạo. Thông tin trên MXH mang tính cá nhân, phạm vi thông tin dàn trải, vụn vặt, thiếu kiểm chứng, có động cơ, mục đích không rõ ràng, với mục đích xuyên tạc, lừa đảo, tung tin giả để gây hoang mang, lôi kéo sự chú ý của cư dân mạng. Thậm chí, nhiều người cho rằng đọc tin tức trên MXH có thể đi sâu vào "ngõ", "ngách" từng vấn đề nên chuyển sang đọc thông tin trên MXH, kéo theo đó là sự thiếu thận trọng, cả tin trước những thông tin giả.

Bên cạnh những tiện ích hữu dụng, những thông tin tích cực, hằng ngày, người sử dụng MXH, nhất là giới trẻ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi hàng nghìn thông tin giả, hành động xấu được phát tán trên không gian mạng. Những trang MXH giả mạo hoặc được lập ra với mục đích chống phá Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc thường cắt ghép hình ảnh, cài cắm vào đó những thông tin bịa đặt, được cho là “thâm cung, bí sử” để đánh lừa dư luận.

Trên địa bàn tỉnh, chắc hẳn chúng ta còn nhớ, cách đây hơn hai năm, để câu like, một nam thanh niên ở huyện Phú Lương đã dùng tài khoản Facebook của mình tung tin thất thiệt vỡ đập chính hồ Núi Cốc lên nhóm “Chợ sinh viên sư phạm Thái Nguyên”. Trong nội dung đăng tải, thanh niên này dùng hình ảnh mập mờ đã qua chỉnh sửa theo ý đồ và cho rằng chia sẻ chỉ là để giúp mọi người cảnh giác mà thôi. Ngay sau khi đăng tải, thông tin thất thiệt đó đã thu hút sự quan tâm của nhiều người và khiến dư luận thực sự hoang mang, lo lắng. Lực lượng chức năng của T.P Thái Nguyên đã kịp thời vào cuộc điều tra, xác minh và làm rõ đối tượng cùng hành vi tung tin thất thiệt, xử lý theo quy định.

Còn cách đây hơn một năm, dư luận thực sự lo lắng khi bất ngờ trên kênh Youtube xuất hiện clip với tiêu đề “Siêu nóng công nhân đốt sạch Khu công nghiệp Trung Quốc ở Thái Nguyên”, ghi lại hình ảnh một số người tụ tập xem đám cháy, thu hút  rất đông cư dân mạng. Nhưng thực tế, qua kiểm chứng của lực lượng chức năng, thông tin trên là hoàn toàn bịa đặt. Tại thời điểm clip đề cập, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy nổ; vả lại, tỉnh cũng không có khu công nghiệp Trung Quốc nào. Vụ việc cho thấy, đối tượng có âm mưu tung tin giả mạo nhằm mục đích gây bất ổn tình hình an ninh trật tự của địa phương. Vụ việc cũng đã bị truy tìm và xử lý theo quy định của pháp luật.

Mới đây, vụ Trần Thị Huyền Trang (sinh năm 1992, trú tại xã Quy Kỳ, huyện Định Hóa) sao chép những thông tin bịa đặt, sai sự thật về vụ án nữ sinh bị sát hại khi đi giao gà ở Điện Biên dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 trên Facebook nhằm mục đích câu like cũng đã bị Công an tỉnh triệu tập.

Chỉ điểm qua vài vụ việc về thông tin giả trên MXH có liên quan đến Thái Nguyên, chúng ta có thể nhận thấy vấn đề “Tin giả, hậu quả thật” đang diễn biến rất phức tạp. Khi tung tin giả và nhận được sự “hưởng ứng” của cộng đồng, dư luận… đồng nghĩa với việc đối tượng tung tin giả đã dẫn dắt dư luận theo hướng sai lệch, làm người ta tin vào những điều xuyên tạc, dàn dựng, bóp méo sự thật. Từ đó có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng; từ việc làm giảm uy tín, danh dự, ảnh hưởng tới cuộc sống, gia đình, người thân của một cá nhân đến việc ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của một đơn vị, doanh nghiệp và toàn xã hội. Thậm chí ảnh hướng tới lòng tin của người dân với luật pháp, chính sách, sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Không những vậy, nhiều người đọc còn bị "lôi kéo" vào việc phát tán các thông tin mang tính giật gân, câu khách, dù chưa kiểm chứng đó là thông tin thật hay giả. Tin giả đang được ví như một dịch bệnh và môi trường thuận lợi để các đối tượng xấu lan truyền chính là MXH.

Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng để xử lý nghiêm khắc, công tâm các đối tượng tung tin thất thiệt thì điều hết sức quan trọng là khi tham gia MXH, mỗi cá nhân phải thể hiện trách nhiệm với chính bản thân và cộng đồng, chủ động hình thành cho chính mình một “bộ lọc” khi tiếp nhận thông tin. Mỗi chúng ta, khi tham gia MXH hãy rèn luyện kỹ năng ứng xử cho chính bản thân mình trong cộng đồng mạng, sẵn sàng đấu tranh phản bác những thông tin xấu, độc để tránh bị nhiễm những thông tin giả mạo, trở thành “con rối”, tiếp tay cho kẻ xấu trục lợi trên nước mắt, mồ hôi của người khác; đồng thời tự mình làm sói mòn lòng tin của chính mình trong cuộc sống. 

Theo Báo Thái Nguyên điện tử
Các tin khác: