Trang bị kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh

Cập nhật ngày: 27/09/2018 08:55 (Lượt xem: 1000)
Mỗi ngày đến trường, học sinh không chỉ được học tập và rèn luyện mà còn được trải nghiệm và trang bị kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Đó là cách làm mà các trường học bậc mầm non, tiểu học trên địa bàn T.P Thái Nguyên đã và đang áp dụng hiệu quả.

Học sinh Trường Tiểu học Hương Sơn thực hành vệ sinh cá nhân.

 

Mỗi sáng đưa cháu đến Trường Mầm non Núi Voi, ông Đặng Văn Tú lại được cháu Tâm (học lớp mẫu giáo lớn) kéo tay vào trước cửa lớp để cùng rửa tay. Ông Tú phân trần: “Ban đầu, chúng tôi cũng ngại, nhưng sau thấy cô giáo nói nên cùng các cháu thực hành vệ sinh cá nhân, tạo thói quen hàng ngày, thay chỉ căn dặn bằng lời, trẻ sẽ dễ quên, tôi thấy thú vị. Ở nhà, các cháu cũng luôn nhắc cha mẹ và các thành viên trong gia đình phải rửa tay sạch sẽ trước khi ăn cơm… Chính những hành vi đó đã khiến người lớn càng phải quan tâm hơn đến vệ sinh cá nhân và ATVSTP”.

Còn ở Trường Tiểu học Hương Sơn, ngay sau khi tiếng trống báo hết giờ học buổi sáng, tất cả học sinh xếp hàng rửa tay tại vòi nước công cộng, rồi lại xếp hàng lau khô tay, sau đó mới vào vị trí nhận suất cơm trưa trong sự tự giác và ngăn nắp. Phía nhà bếp, các nhân viên nấu ăn cùng giáo viên chủ nhiệm các lớp và Ban đại diện Hội Phụ huynh học sinh cùng kiểm đếm số lượng và kiểm thực các loại thực phẩm, lấy mẫu thực phẩm niêm phong lưu giữ hàng ngày.

Cô giáo Ngô Thị Ngọc Lan, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Từ năm 2014, Nhà trường thực hiện việc hợp đồng nấu ăn cho học sinh bán trú với doanh nghiệp chuyên làm dịch vụ này. Doanh nghiệp phải có đủ điều kiện về ATVSTP, chịu trách nhiệm trước pháp luật, Nhà trường và phụ huynh chỉ đóng vai trò giám sát, nên rất an tâm.”  

Trường Mầm non Núi voi và Trường Tiểu học Hương Sơn, là những đơn vị điển hình trong việc bảo đảm ATVSTP cho các bữa ăn của học sinh. Từ năm học 2011-2012, toàn ngành GD&ĐT Thành phố đã triển khai thực hiện các quy định của Luật An toàn thực phẩm. Theo đó, tất cả các bếp ăn tập thể trong trường học đều phải đảm bảo các yêu cầu quy định về điều kiện ATVSTP. Đồng chí Lê Hằng, Trường phòng GD&ĐT Thành phố chia sẻ: “Ban đầu, toàn ngành triển khai kiểm soát thực phẩm an toàn, truy xuất nguồn gốc, điều kiện, quy trình sản xuất…, rồi mới ký hợp đồng mua, hoặc chấp nhận cho nhà thầu mua để chế biến. Sau vài năm đi vào nề nếp, chúng tôi quán triệt tinh thần giáo dục nâng cao nhận thức về ATVSTP ngay trong nhà trường bằng hình thức thực hành cho trẻ, rồi sau đó tác động đến gia đình, phụ huynh…”.

Toàn T.P Thái Nguyên hiện có 41 trường tiểu học và 57 trường mầm non tổ chức bếp ăn bán trú cho trẻ. Để bữa ăn đủ tiêu chuẩn về dinh dưỡng và đảm bảo ATVSTP, hàng năm, vào dịp đầu năm học mới, toàn ngành Giáo dục Thành phố triển khai việc kiểm tra sức khỏe, tập huấn trang bị kiến thức cho đội ngũ cô nuôi (dinh dưỡng) về quy trình, quy phạm và các tiêu chuẩn tổ chức bếp ăn tập thể cho trẻ em. Đến hết tháng 8-2018, có gần 300 cô nuôi và gần 400 người làm dịch vụ tiếp phẩm, chế biến đã hoàn thành khóa tập huấn, kiểm tra sức khỏe định kỳ tại các cơ sở y tế. Trên 90% số trường mầm non đã hoàn thành ký hợp đồng lựa chọn nhà cung cấp thực phẩm an toàn theo quy định tiêu chuẩn ATVSTP do cơ quan chuyên môn của tỉnh thẩm định và cấp phép. Toàn bộ bếp ăn bán trú bậc tiểu học cũng đã lựa chọn được 5 doanh nghiệp chuyên về kinh doanh thực phẩm và chế biến thực phẩm đạt tiêu chuẩn.

Theo Báo Thái Nguyên điện tử
Các tin khác: