Triển khai Nghị quyết 11: Công khai để đảm bảo việc giám sát toàn dân

Cập nhật ngày: 18/05/2022 03:13 (Lượt xem: 980)
Ngày 18-5, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình (gọi tắt là NQ11). Dự Hội nghị tại điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (ảnh) .

 

Triển khai thực hiện NQ11, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) sẽ được cấp tổng nguồn vốn 38,4 nghìn tỷ đồng, trong 2 năm 2022 và 2023 (riêng trong năm 2022 là 19 nghìn tỷ), để thực hiện cho vay 5 chương trình, gồm: Giải quyết việc làm; mua, thuê nhà ở xã hội hoặc xây, sửa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội; mua máy, thiết bị phục vụ học tập của học sinh, sinh viên; phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; cho vay các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động do dịch COVID-19 ít nhất 1 tháng.

Đến nay, NHCSXH Việt Nam đã thực hiện giải ngân được 4 chương trình, với tổng số tiền trên 2,3 nghìn tỷ đồng. Riêng chương trình cho vay phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 do Ủy ban Dân tộc, Bộ Y tế chưa có Thông tư hướng dẫn về các nội dung có liên quan nên chưa thực hiện việc giải ngân.

Tại Hội nghị, sau khi nghe ý kiến trao đổi của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương về những kết quả đạt được, cùng những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện và đề xuất, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh: Việc đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng, kịp thời có ý nghĩa rất lớn trong việc giảm bớt khó khăn cho người dân, góp phần vào sự phát triển KT-XH của từng địa phương nói riêng, cả nước nói chung.

Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Dân tộc, Bộ Y tế sớm ban hành Thông tư hướng dẫn để việc triển khai chương trình cho vay đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được kịp thời. Để nguồn vốn tiếp tục phát huy hiệu quả, cần thiết phải có sự công khai trong thực hiện các chương trình để đảm bảo việc tham gia giám sát của toàn xã hội... Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đồng ý với đề xuất của NHCSXH về việc phát hành trái phiếu được Chính phủ được bảo lãnh với số tiền 20,4 nghìn tỷ...

Đối với Thái Nguyên, tổng nhu cầu vốn các chương trình trong 2 năm (2022-2023) là trên 1,15 nghìn tỷ đồng. Tính đến nay, NHCSXH tỉnh được giao 82,9 tỷ đồng, đã giải ngân được gần 36,3 tỷ đồng.

 
https://baothainguyen.vn/tin-tuc/chinh-tri/trien-khai-nghi-quyet-11-cong-khai-de-dam-bao-viec-giam-sat-toan-dan-301148-97.html
Các tin khác: