Tự công bố chất lượng sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh

Cập nhật ngày: 24/09/2019 08:26 (Lượt xem: 960)
Kể từ khi Nghị định số 15/2018/NĐ-CP có hiệu lực (tháng 2-2018) đến nay, công tác quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực. Doanh nghiệp kinh doanh, phân phối sản phẩm thực phẩm, nhà sản xuất đã thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ quyền lợi, chất lượng và trách nhiệm trước pháp luật về ATVSTP.

Cán bộ Chi cục ATVSTP lấy mẫu thực phẩm sau công bố sản phẩm của các cơ sở chế biến thực phẩm tại nơi sản xuất trước đóng gói.

 

Cơ sở sản xuất nem bùi Hải Tuyết, xã Thượng Đình (Phú Bình) chính thức công bố chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn ATVSTP Quốc gia từ đầu năm 2019. Với ông Nguyễn Đức Hải, chủ cơ sở thì đây là lần đầu tiên được “nổi tiếng” bởi sản phẩm nem bùi bấy lâu nay chỉ làm để bán phục vụ quanh chợ xã Thượng Đình, nhưng nay có hẳn một kênh thông tin trên trang ATVSTP và trang thương mại điện tử Quốc gia, thậm chí cả trên hệ thống quản lý Google. Cũng từ khi “nổi tiếng” ông Hải bắt đầu bận rộn hơn với việc hoàn thiện quy trình quản lý mang tính chuyên nghiệp, đồng thời, các thiết bị máy tính xách tay, điện thoại di động hoạt động thường xuyên, đội ngũ công nhân lao động cũng chuyên nghiệp hơn từ khâu bảo hộ lao động đến kiểm tra sức khỏe định kỳ trước khi vào sản xuất, vận hành thiết bị…

Ông Hải chia sẻ: Trước năm 2018, mỗi tháng chúng tôi chỉ bán được 1-2 tạ sản phẩm, mà chở xe máy đi 30-50km giao hàng. Nhưng từ khi có Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, hàng của cơ sở tới khắp các siêu thị, kể cả khu vực Hà Nội, Hải Dương… Mùa hè, mỗi ngày cơ sở nhận đặt hàng và xuất đi trên 100kg thành phẩm. Công nhân có lúc cao điểm lên đến 15-20 người và thuê xe bảo ôn chạy liên tục đưa hàng đến cho khách. Thuận lợi chính là sau khi công bố chất lượng sản phẩm, việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng giảm đáng kể, hàng có thương hiệu, có kiểm định và được công nhận hợp quy, nên đi đâu cũng được.

Bà Chu Thị Anh Hương, cán bộ tuyên truyền Chi cục ATVSTP cho biết: “Ban đầu cũng khó, vì doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngại các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên cơ quan. Nhưng sau khi tuyên truyền và hợp nhất theo hướng dẫn của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP thì mọi thủ tục tự công bố chậm nhất sau 5 ngày đã được giải quyết. Các cơ quan có trách nhiệm giải thích, hướng dẫn doanh nghiệp hoàn tất các điều kiện, thủ tục. Thực chất là để người dân hiểu biết pháp luật về ATVSTP và tự chủ động quản lý theo các quy định đó. Giảm bớt các khâu phiền hà khi kiểm tra của cơ quan chức năng. Nếu không tự công bố mà mỗi lần được kiểm tra, giám sát, cơ sở sản xuất đó gần như phải ngừng hoạt động để chờ kết quả xét nghiệm về hóa, lý, sinh học… mất thời gian mà lại tốn kém cả chi phí của Nhà nước lẫn của cơ sở…”. 

Cũng như Cơ sở sản xuất nem bùi Hải Tuyết, Công ty TNHH Thanh Bình Bakery ở đường Phan Đình Phùng, T.P Thái Nguyên cho biết: “Tháng 4-2019, Công ty đã hoàn tất thủ tục và công bố chất lượng sản phẩm bánh ngọt theo tiêu chuẩn ATVSTP. Thuận lợi nhất chính là sản phẩm khi được mang ra nước ngoài qua cửa khẩu đều được chấp thuận. Với chuỗi cửa hàng và cơ sở sản xuất của Công ty hiện có mặt ở tất cả các địa phương trong tỉnh, việc công bố hợp nhất về chất lượng theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP là cần thiết và thuận lợi cho kinh doanh. Từ tháng 6, đến tháng 9-2019, doanh nghiệp đã nhận được gần 20 đơn đặt hàng cho học sinh Thái Nguyên đi du học mang theo ra nước ngoài. Đây vừa là vấn đề chất lượng thực phẩm được tin dùng và thương hiệu được nâng tầm, khi mang sản phẩm ra nước ngoài đạt tiêu chuẩn quốc tế, được họ chấp nhận”.

Được biết, từ đầu năm đến nay, 161 sản phẩm thực phẩm qua chế biến tự công bố chất lượng ATVSTP theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trong tháng 8 và tháng 9-2019 đã có thêm 32 sản phẩm, tăng gấp 2 lần so với các tháng đầu năm. Đây chính là thời điểm các cơ sở sản xuất đã chuẩn bị đủ các điều kiện sản xuất, kinh doanh phục vụ thị trường cuối năm.

Theo Báo Thái Nguyên điện tử
Các tin khác: