Về nơi tuyến đầu Tổ quốc. Kỳ II: Tình yêu biển đảo

Cập nhật ngày: 12/06/2019 10:17 (Lượt xem: 953)
Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo và tạo điều kiện cho CBCS về cả cơ sở vật chất và đời sống tinh thần trên các đảo và điểm đảo. Cùng với đó, cả nước luôn hướng về Trường Sa với một tình yêu vô bờ bến.

Nhà văn hóa Đảo Cô Lin khánh thành tháng 10-2017 với nhiều máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động do Ngân hàng Agribank tài trợ.

 

Mới đây, được sự quan tâm của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Đảo Đá Nam vừa khởi công công trình Nhà đa năng trị giá khoảng gần 40 tỷ, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 5-2020. Đại úy Lê Văn Dũng, Trưởng Đảo Đá Nam cho biết, khi hoàn thành nhà đa năng đưa vào sử dụng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho CBCS trong sinh hoạt nội bộ cũng như các hoạt động thể dục thể thao, giải trí; cũng là nơi tổ chức các hoạt động huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, đồng thời hỗ trợ ngư dân khi gặp nạn trên biển.Tới Đảo Đá Thị, đoàn chúng tôi được CBCS đón tiếp trong nhà văn hóa đa năng khang trang, thoáng mát, do Thành phố Hà Nội tài trợ, mới hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 12 vừa qua.

Ra thăm Trường Sa lần này, nhiều phần quà ý nghĩa của Bộ Tư lệnh Hải quân, của người thân cũng như đoàn công tác đã được gửi đến các CBCS trên đảo. Có thể kể đến: Một số máy móc, thiết bị của Ngân hàng Aribank; tình cảm của cán bộ, công nhân viên của Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại QMTC-SBL Việt Nam, đứng chân tại xã Đồng Tiến, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên; phần quà đại diện cho tập thể, cá nhân những người yêu nước và nhóm từ thiện trẻ của Thành phố Hồ Chí Minh cùng những bức thư, những bài thơ và những lời nhắn gửi CBCS. Đặc biệt, nhà thơ Thanh Thanh Tương, 72 tuổi, trú tại Thành phố Hồ Chí Minh tuy tuổi cao, sức yếu nhưng biết có chương trình ra thăm và tặng quà CBCS Trường Sa của nhóm từ thiện trẻ, ông đã dành 5 triệu tiết kiệm từ lương hưu của mình để gửi ra đảo tặng CBCS.

Bước chân lên Đảo Nam Yết, chúng tôi được CBCS đưa đi thắp hương nghĩa trang liệt sĩ, tượng đài Trần Quốc Tuấn, thăm chùa Nam Huyên. Đảo còn được gọi với cái tên gần gũi, thân thương là Đảo Dừa bởi ngoài những cây chủ đạo ở đảo thường có như cây bàng vuông, cây mù u, cây cha… thì cây dừa là một trong những cây phát triển phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây.

Dưới tán cây mù u, hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ thường xuyên diễn ra. Trong ảnh: Đoàn công tác giao lưu với CBCS Đảo Nam Yết.

Dưới tán cây Mù u - Di sản văn hóa cấp Quốc gia, những lời ca, tiếng hát, điệu nhảy cứ ngân lên rộn ràng. Em Thanh Phượng, đội văn nghệ xung kích của Thái Nguyên bẽn lẽn: Em chưa bao giờ được mang lời ca tiếng hát của mình đi phục vụ một chương trình đặc biệt ý nghĩa như thế này. Có lẽ đây sẽ là một kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời của em. Em sẽ cố gắng hát thật hay, thật nhiều để cùng với các bạn trong đội văn nghệ xung kích động viên kịp thời CBCS trên đảo, giúp CBCS, nhất là chiến sĩ trẻ vơi bớt đi nỗi nhớ nhà…

Chiến sĩ trẻ Lê Tiên Đạo, quê Quảng Nam mới có 4 tháng ra đảo sau 9 tháng huấn luyện ở đất liền phấn khởi: Cùng với các bạn, em rất vinh dự được ra đảo làm nhiệm vụ, em luôn được CBCS trên đảo quan tâm huấn luyện. Em sẽ cố gắng học tập và rèn luyện thật tốt để góp phần nhỏ bé của mình vào gìn giữ biển đảo quê hương. Chị Mai Thị Châm, quê Nha Trang - Khánh Hòa được ra thăm chồng phấn khởi chia sẻ: Gần 30 năm trong quân ngũ, tôi luôn cố gắng chăm lo gia đình, nuôi con để chồng yên tâm công tác. Bốn lần ra đảo là bốn lần mẹ con chúng tôi động viên và tiếp thêm nghị lực để anh yên tâm công tác, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được cấp trên giao.

 Bà Ngô Thị Minh, Chủ tịch Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất thương mại QMTC-SBL Việt Nam tặng quà CBCS Đảo Đá Lớn C.

Tới Đảo Sinh Tồn Đông, chúng tôi gặp Thiếu tá Nguyễn Văn Ngọc, quê Phú Bình đang công tác trên Đảo. Với 27 năm quân ngũ, anh đã có 3 năm được ra đảo công tác. Anh trải lòng: Tôi rất tự hào bởi gia đình đã có 4 thế hệ liên tục cống hiến trong quân đội. Ông nội tôi từng tham gia quân đội từ thời chống Pháp, bố tôi tham gia quân đội cả thời chống Pháp và chống Mỹ, tôi hiện đang trong quân ngũ, cậu con trai cả đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về địa phương học nghề và cùng mẹ cháu, em gái giúp tôi chăm sóc gia đình. Anh bảo, mỗi lần chỉ huy đảo thông báo có đoàn ra là một lần hồi hộp, ngóng chờ xem có ai là đồng hương ra không, buồn nhất là mọi người có đồng hương, người thân ra thăm mà mình lại không có…

Gặp chiến sĩ trẻ Võ Ngọc Thao, quê Vũng Tàu, ra đảo công tác được gần một năm. Ngoài việc làm chiến sĩ nuôi quân, Thao được phân công chăm sóc 2 con lợn nái. Thao khoe, mặc dù ở nhà anh ít phải làm, song mới đây, anh đã đỡ đẻ được hơn chục chú lợn con từ 2 con lợn nái; cả đàn lợn đều khỏe mạnh, hứa hẹn bổ sung thêm nguồn thực phẩm tươi sống cho CBCS trên đảo. Đó cũng là những niềm vui nho nhỏ của người chiến sỹ trên đảo. Với chiến sỹ trẻ Lê Hoàng Nam trên đảo Len Đao, quê Quảng Bình, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, anh được giao huấn luyện đàn chó. Mới đây, 4 chú chó mẹ đã sinh được hơn chục chú chó con, đó cũng là nguồn vui của Nam lúc nghỉ ngơi sau giờ huấn luyện vất vả. Nam tâm sự, làm nhiệm vụ trên đảo, những chú chó được huấn luyện rất khôn, biết bắt tín hiệu từ người huấn luyện để hợp tác trong sẵn sàng chiến đấu, nhất là trong nhiệm vụ canh gác cũng như phối hợp sẵn sàng chiến đấu trên biển. Nhiều lúc buồn, những chú chó tinh khôn cũng như những người bạn, giúp các anh vơi đi nỗi nhớ nhà.

 Chiến sĩ trẻ trên đảo Sinh Tồn Đông chăm sóc đàn lợn nái.

Còn Đại úy Ngô Văn Lâm, chính trị viên đảo Đảo Đá lớn C lại cho rằng, ở trên đảo, trồng hoa cũng như trồng rau trên đảo là rất khó, phải lựa hướng gió để đặt chậu hoa, bồn rau… Chậu hoa cũng như vườn rau là góc thư giãn dành cho CBCS sau những giờ huấn luyện vất vả. 

Theo Báo Thái Nguyên điện tử
Các tin khác: