Về xác định vị trí việc làm hiện nay

Cập nhật ngày: 22/09/2017 09:22 (Lượt xem: 1009)
Xây dựng đề án vị trí việc làm (VTVL) là cơ hội giúp các cơ quan, đơn vị (CQĐV) rà soát lại tổ chức bộ máy, đội ngũ công chức, viên chức và xác định từng vị trí trong tổ chức gắn với thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Quan trọng hơn, đề án VTVL giúp CQĐV tránh tình trạng định sẵn nhân sự rồi mới tạo ra công việc và tránh sự chồng chéo khi phân công, giao việc. Xác định VTVL còn giúp công chức, viên chức thấy rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình, không thể đùn đẩy, thoái thác công việc.

 

 
Các bộ phận chính tạo thành VTVL bao gồm: Tên gọi VTVL; Bản mô tả công việc; Ngạch bậc (tiền lương). Trong mỗi CQĐV thường bao gồm 3 nhóm VTVL: Lãnh đạo, quản lý; chuyên môn, nghiệp vụ liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ chính của CQĐV; phục vụ (ví dụ như nhân viên văn thư, lái xe, bảo vệ…). Xây dựng VTVL có 2 nội dung chính là xây dựng các quy định, quy chế quản lý cán bộ công chức, viên chức và xác định VTVL trong từng CQĐV.

Một trong những nội dung cốt lõi của việc cải cách chế độ công vụ, công chức là tiến hành xác định VTVL trong các cơ quan hành chính nhà nước. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước đã xác định một trong những giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh việc cải cách chế độ công vụ, công chức là xác định rõ vị trí, cơ cấu và tiêu chuẩn chức danh công chức trong từng cơ quan của Nhà nước để làm căn cứ tuyển dụng và bố trí sử dụng cán bộ, công chức… trên cơ sở xây dựng chức danh, tiêu chuẩn, VTVL và cơ cấu công chức. Từng cơ quan nhà nước rà soát lại đội ngũ công chức, đối chiếu với tiêu chuẩn để bố trí lại cho phù hợp.

Như vậy, xác định VTVL là nội dung quan trọng để thực hiện cải cách chế độ công vụ, công chức. Bản chất của việc xác định VTVL là xác định trong một CQĐV có bao nhiêu VTVL và cần bao nhiêu người với những tiêu chuẩn, năng lực gì để thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Qua đó, kịp thời phát hiện những công việc còn sót hoặc chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các CQĐV; thấy rõ mức độ phức tạp của từng công việc, khối lượng công việc của từng VTVL; từ đó có kế hoạch sắp xếp, bố trí cho phù hợp.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh một số vấn đề như: Hệ thống văn bản có liên quan về mô hình công vụ việc làm của Nhà nước cũng như hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền chưa được hoàn thiện. Các văn bản quy định và hướng dẫn về VTVL đề cập đến một loạt vấn đề mới nhưng chưa có văn bản hướng dẫn. Nội dung một số bước trong quy trình xác định VTVL do Bộ Nội vụ hướng dẫn chưa cụ thể. Hiện nay một thực tế đang tồn tại khi mô tả công việc và xác định khung năng lực trong VTVL là các CQĐV dựa trên chính mô tả của người đang đảm nhận VTVL đó hoặc người đang làm theo chế độ hợp đồng của vị trí đó. Điều đó dễ dẫn đến trong tuyển dụng công chức các CQĐV sẽ đưa ra yêu cầu chuyên môn của người dự tuyển công chức không gắn với VTVL. Rất cần thiết phải có sự thống nhất về các chuyên ngành của văn bằng gắn với mỗi VTVL nhằm đảm bảo sự thống nhất, công bằng trong tuyển dụng.

Với các cơ quan Đảng, do đặc thù công tác, việc chuyển đổi từ mô hình công vụ chức nghiệp sang mô hình công vụ việc làm đối với các cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng là vấn đề khó. Nhiều nhiệm vụ được Thường trực, Ban Thường vụ giao đột xuất, phải hoàn thành trong thời gian ngắn, có tác động tới cả hệ thống chính trị; rất nhiều công việc không đo lường được thời gian, chi phí nhân lực, khó đánh giá về mức độ hoàn thành công việc; chưa có thí điểm và cũng chưa có hướng dẫn cụ thể của cấp có thẩm quyền về xác định VTVL. Việc bố trí cán bộ ở một số CQĐV hiện nay chưa theo chuyên môn đào tạo; cơ cấu ngạch cán bộ, công chức hiện có thể chưa tương xứng với yêu cầu của các VTVL; đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ, cũng như công chức, viên chức cơ quan chưa được chuẩn bị sẵn sàng với quản lý nhân lực theo mô hình công vụ việc làm sẽ không tránh khỏi bỡ ngỡ, lúng túng.

Xây dựng VTVL là giải pháp phù hợp với chương trình cải cách hành chính của Đảng và Nhà nước, cần được triển khai đồng bộ, toàn diện; phải có tính kế thừa những ưu điểm và khắc phục nhược điểm trong quản lý cán bộ, công chức thời gian qua; phải theo trình tự phù hợp và có sự đồng thuận của cán bộ, công chức, viên chức. Những chủ trương, cách làm mới có tính phức tạp, mức độ khó khăn rất cần được đánh giá tác động, tiến hành thí điểm rút kinh nghiệm rồi mới nhân rộng nhằm từng bước hoàn chỉnh, tránh lãng phí nhân lực, vật lực trong quá trình triển khai. Việc sắp xếp, bố trí lại cán bộ, công chức theo VTVL cần thấm nhuần quan điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh: Việc dùng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe. Tài to ta dùng vào việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta sắp đặt ngay vào việc ấy; tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức có thể phấn đấu học tập, rèn luyện, nâng cao năng lực đảm đương công việc.

Khi xây dựng VTVL cần lưu ý rà soát điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức các CQĐV, tránh bỏ sót chức năng, nhiệm vụ được giao. Các bản mô tả công việc cần xác định cụ thể nhiệm vụ và đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của từng công chức, viên chức. Ngoài tiêu chuẩn chung của cán bộ, công chức viên chức, cần xác định cụ thể về năng lực (như năng lực chuyên môn, năng lực quản lý, năng lực đặc thù của từng vị trí công việc) làm căn cứ cho công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng. Đối với các cơ quan Đảng, xây dựng VTVL cần phân biệt rõ bộ phận tham mưu và bộ phận hành chính, phục vụ. Đối với bộ phận tham mưu, cần chú trọng về năng lực chuyên môn, hiểu biết rộng, có kinh nghiệm công tác và trình độ nghiên cứu, tổng hợp, bởi đây là những chuyên gia trong từng lĩnh vực; cần nghiên cứu và có chế độ, chính sách tương xứng.

Báo Thái Nguyên điện tử
Các tin khác: