Xây dựng các xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế

Cập nhật ngày: 07/07/2020 09:17 (Lượt xem: 1008)
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 170 xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế (chiếm tỷ lệ trên 95% trong tổng số xã). Trong đó, 13/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019 đều hoàn thành tiêu chí Quốc gia về y tế. Kết quả này góp phần tạo điều kiện cho tuyến y tế cơ sở phát triển toàn diện, thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án quốc gia về y tế và phòng, chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân ngay từ tuyến xã…

Các bác sĩ khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đối tượng chính sách, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn tại Trạm Y tế xã Minh Đức (T.X Phổ Yên). Ảnh: T.P

Năm 2019, xã Thanh Định (Định Hóa) được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Chính quyền và nhân dân trong xã đều phấn khởi khi cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh của Trạm Y tế đã được đầu tư xây dựng; đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ được chú trọng phát triển cả về số lượng và trình độ chuyên môn. Bà Ma Thị Hiểu, một người dân trong xã nói: Khi mắc các chứng bệnh thông thường (cảm cúm, viêm họng…), tôi đều đến Trạm Y tế xã khám bệnh và được các bác sĩ kê đơn điều trị rất hiệu quả. Tôi rất tin tưởng vào “tay nghề” của các y, bác sĩ ở đây. 

Tìm hiểu chúng tôi được biết, Thanh Định là 1 trong 7 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh hoàn thành 10 tiêu chí theo Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020 (do Bộ Y tế ban hành từ tháng 9-2011) và được công nhận Xã đạt chuẩn Quốc gia về Y tế trong năm 2019. Ông Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Khi là xã đạt chuẩn Quốc gia về Y tế, trạm y tế các này xã đều được trang bị những phương tiện truyền thông như tivi, loa máy, điện thoại bàn… Đặc biệt, mỗi trạm còn được hỗ trợ 1 máy vi tính có kết nối mạng để thực hiện nhiệm vụ, cập nhật thông tin y học và trao đổi thông tin với Trung tâm Y tế huyện. Từ đó, chất lượng dịch vụ y tế xã ngày càng được nâng cao, các chương trình y tế đều đạt và vượt chỉ tiêu, công tác phòng chống dịch được triển khai chủ động, công tác khám, chữa bệnh thông thường được chú trọng. Qua đó, thu hút được đông đảo người dân đến khám, giảm tình trạng quá tải cho tuyến trên. Bên cạnh đó, các chương trình mục tiêu quốc gia ở các xã, thị trấn cũng được triển khai kịp thời, các chương trình: nước sạch, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng… được thực hiện hiệu quả.

Nhân viên Trạm Y tế xã Cúc Đường (Võ Nhai) khám bệnh và tư vấn biện pháp chăm sóc sức khỏe cho bà con người Mông trong xã.

Có thể thấy, gần 10 năm nay, các địa phương trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng các xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Tuy nhiên, đến nay, Thái Nguyên vẫn còn 7 xã chưa đạt chuẩn là: Linh Thông, Đồng Thịnh, Định Biên, Lam Vỹ, Phú Đình, Phú Tiến, Sơn Phú (Định Hóa). Theo đánh giá của các địa phương, hiện nay các xã này đều đạt tiêu chí về chỉ đạo điều hành chăm sóc sức khoẻ nhân dân; chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em; truyền thông giáo dục sức khoẻ. Các tiêu chí chưa đạt chủ yếu là trạm y tế xã chưa đủ cơ cấu 5 nhóm chức danh chuyên môn, nhất là bác sĩ theo quy định trong Bộ tiêu chí (phải có bác sĩ làm việc thường xuyên tại trạm y tế hoặc bác sĩ làm việc định kỳ tại trạm từ 3 ngày/tuần trở lên); cơ sở vật chất chưa hoàn thiện…

Do vậy, để xây dựng các xã còn lại đạt chuẩn Quốc gia về y tế, cùng với việc duy trì thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, thời gian tới, ngành Y tế đã tham mưu với tỉnh hoàn thiện cơ sở vật chất cho một số trạm y tế. Trong năm nay, Trạm Y tế xã Phú Đình (Định Hóa) đã được khởi công xây dựng khu nhà làm việc 2 tầng, mỗi tầng có diện tích 240m2.

Theo ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế, bên cạnh sự quan tâm đầu tư của tỉnh, để nhanh chóng “cán đích”, các xã chưa đạt chuẩn Quốc gia về Y tế nên chủ động tìm kiếm các nguồn lực, các chương trình, dự án để đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc. Đồng thời, tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác khám, chữa bệnh. 

Cùng với đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường cũng nên được các địa phương quan tâm, nhất là việc vận động các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp can thiệp kế hoạch hóa gia đình để duy trì mức sinh, không có người sinh con thứ ba trở lên, mất cân bằng giới tính khi sinh (một trong những tiêu chí hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn Quốc gia về y tế)…

http://www.baothainguyen.org.vn/tin-tuc/xa-hoi/xay-dung-cac-xa-dat-chuan-quoc-gia-ve-y-te-272462-85.html
Các tin khác: