Xây dựng chính quyền số ở Sông Công

Cập nhật ngày: 14/09/2021 02:33 (Lượt xem: 974)
Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, thời gian qua, T.P Sông Công đã tích cực triển khai các giải pháp đẩy mạnh CĐS, hướng tới xây dựng đô thị thông minh.

Trung tâm điều hành thông minh T.P Sông Công đã tiếp nhận và giải quyết trên 100 lượt ý kiến, kiến nghị, phản ánh của người dân qua hình ảnh.

 

Đồng chí Vũ Duy Nghĩa, Chủ tịch UBND T.P Sông Công cho biết: Thuận lợi của địa phương trong công tác CĐS là tháng 7-2020 thành phố được UBND tỉnh thí điểm triển khai đô thị thông minh, thông qua việc vận hành Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) gồm: 15 màn hình ghép, 6 máy tính điều khiển, hệ thống backdrop, hệ thống mạng…

Đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận và giải quyết trên 100 lượt ý kiến, kiến nghị phản ánh của người dân qua hình ảnh gửi từ ứng dụng về Trung tâm.

Kết quả triển khai cho thấy, mô hình này đã tạo thuận lợi 2 chiều cho cơ quản quản lý, người dân và doanh nghiệp, các hiện tượng vi phạm pháp luật đã giảm đi khá nhiều, người dân cũng thấy hài lòng hơn vì việc xử lý đáp ứng kịp thời. Đây là cơ sở để địa phương từng bước xây dựng chính quyền điện tử với những giải pháp cụ thể.  

Nhằm đổi mới phương thức, lề lối làm việc; giảm tập trung đông người, đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, hơn 1 năm nay, các cuộc họp giữa lãnh đạo UBND thành phố với các xã, phường trên địa bàn đều được tổ chức bằng hình thức trực tuyến.

Trước đó, thành phố đã đầu tư gần 2 tỷ đồng để lắp đặt các thiết bị; phối hợp với Trung tâm Viễn thông Thái Nguyên triển khai lắp đặt các thiết bị: Màn hình, hệ thống đường truyền Internet, hệ thống âm thanh…

Một cuộc tiếp xúc cử tri trên địa bàn T.P Sông Công được tổ chức bằng hình thức trực tuyến.

Trước khi cuộc họp diễn ra 1 ngày, cán bộ Trung tâm Viễn thông Thái Nguyên sẽ kiểm tra chất lượng âm thanh, hình ảnh. Khi cuộc họp triển khai, đơn vị cử cán bộ thường xuyên có mặt tại 2 điểm cầu chính (Thành ủy và UBND thành phố) và 10 điểm cầu ở các xã, phường để điều chỉnh âm thanh, hình ảnh đảm bảo chất lượng; kịp thời xử lý khi có sự cố.

Ông Trịnh Đạt Dũng, Bí thư Đảng ủy phường Phố Cò cho biết: Các cuộc họp trực tuyến không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại mà thành phần dự họp còn được mở rộng hơn chứ không chỉ lãnh đạo xã, phường như trước kia. Khi địa phương xuất hiện 2 ca bệnh COVID-19, nhờ hệ thống họp trực tuyến mà công tác chỉ đạo cũng như tất cả văn bản được chuyển đến phường, các tổ dân phố nhanh chóng, kịp thời.

Là một trong những địa phương tiên phong, đi đầu trong CĐS, năm 2019, phường Mỏ Chè đã thực hiện xã hội hóa trên 600 triệu đồng để lắp đặt 32 mắt camera ở nhiều điểm. Sau 2 năm đưa vào sử dụng, trên 30 vụ việc vi phạm an ninh trật tự, không chấp hành Luật Giao thông đường bộ đã được phát hiện và xử lý kịp thời.

Trên cơ sở này, tháng 6-2021, T.P Sông Công đã triển khai lắp đặt 5 camera giám sát tại các nút giao thông, cửa ngõ ra, vào thành phố. Hệ thống này được ví như “cánh tay đắc lực” của lực lượng Cảnh sát giao thông, bởi tất cả dữ liệu sẽ được truyền về Trung tâm điều hành thành phố thông minh.

Qua đó, lực lượng chức năng có thể nắm bắt, xử lý kịp thời tình hình giao thông, có cơ sở để xử lý các vi phạm. Cũng nhờ hệ thống camera trên mà ý thức chấp hành của người dân đã được nâng lên, các vụ vi phạm giảm đáng kể.

Hiện nay, thành phố đang tiếp tục khảo sát và lắp đặt 4 camera tại một số tuyến đường trọng yếu nhằm kiểm soát tình hình an ninh trật tự cũng như an toàn giao thông.

Thực hiện Chương trình CĐS, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn T.P sông Công cũng đã tiếp thu và ứng dụng những thành tựu công nghệ kỹ thuật số hiện đại để nâng cao hiệu suất, hiệu quả trong quản lý và điều hành.

Đơn cử như Kho bạc Nhà nước Sông Công, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, đơn vị đã thực hiện việc in, dán mã QR để khai báo y tế điện tử. Đồng thời đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến để hạn chế tiếp xúc với 113/119 đơn vị đăng ký thực hiện. Đến nay, tại Kho bạc đã có 11 thủ tục hành chính được thực hiện theo hình thức này thay vì 4 thủ tục như trước đây.

Kho bạc Nhà nước Sông Công đã tích cực thực hiện CĐS, tiếp thu và ứng dụng những thành tựu kỹ thuật số hiện đại để nâng cao hiệu suất, hiệu quả trong hoạt động quản lý và điều hành.

Đánh giá về lợi ích khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại Kho bạc Nhà nước Sông Công, anh Dương Thủy Tiên, Phụ trách kế toán Ban Quản lý trật tự xây dựng và giao thông T.P Sông Công cho rằng: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến tiết kiệm được thời gian, công sức đi lại, chi phí in ấn; chỉ cần có máy tính kết nối Internet thì việc giao dịch sẽ hết sức thuận tiện, nhanh chóng mọi lúc, mọi nơi…

Với việc triển khai các giải pháp cụ thể trong công tác CĐS, đến nay, T.P Sông Công đã đạt được những kết quả tích cực. 267 thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực, 158 thủ tục dịch vụ công mức độ 3,4 đều được số hóa, giải quyết nhanh chóng.

Các hồ sơ đều được giải quyết trước hạn và đúng hạn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn cũng đã triển khai, sử dụng các biện pháp, giải pháp công nghệ phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 có hiệu quả...

Để từng bước xây dựng chính quyền số, thời gian tới, T.P Sông Công tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng Trung tâm điều hành thông minh; khảo sát và phát triển hạ tầng băng rộng cáp quang trên toàn địa bàn.

Đến năm 2025, T.P Sông Công đặt mục tiêu có trên 90% thủ tục hành chính được giải quyết thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; khoảng 300 doanh nghiệp và 50% dân số có tài khoản thanh toán điện tử...

https://baothainguyen.vn/tin-tuc/khoa-hoc-cong-nghe/xay-dung-chinh-quyen-so-o-song-cong-290919-99.html
Các tin khác: