Xây dựng và phát triển nền tảng y tế số

Cập nhật ngày: 27/02/2023 09:11 (Lượt xem: 968)
Là một trong những lĩnh vực tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số, ngay từ những năm 2000, ngành Y tế Thái Nguyên đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế, công cuộc chuyển đổi số chỉ thực sự có những chuyến biến tích cực trong 2 năm trở lại đây - khi toàn Ngành triển khai Đề án Phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh.

Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên đã triển khai đăng ký số để giảm bớt phiền hà cho người dân khi đến khám, chữa bệnh.

P.V: Xin ông cho biết, đâu là “đòn bẩy” để ngành Y tế có bước nhảy vọt trong chuyển đổi số?

Ông Hoàng Hải: “Cú hích” trong chuyển đổi số của ngành Y tế Thái Nguyên bắt nguồn từ những chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và của tỉnh.

Đó chính là Quyết định số 5316/QĐ-BYT ngày 22/12/2020 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Tỉnh ủy Thái Nguyên về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đặc biệt là Nghị quyết 157/NQ-HĐND ngày 12/8/2021 của HĐND tỉnh Thái Nguyên thông qua Đề án phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025.

Đây là những đòn bẩy quan trọng, để ngành Y tế tỉnh Thái Nguyên tạo ra những bước đột phá trong công tác quản lý, khám, chữa bệnh cũng như đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số. Từ đó, xây dựng nền y tế thông minh với ba trụ cột chính là: phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe thông minh; khám, chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.

P.V: Ông có thể phác họa đôi nét về những kết quả công cuộc chuyển đổi số mang lại cho ngành Y tế?

Ông Hoàng Hải: Không riêng ngành Y tế, trong thời đại 4.0, chuyển đổi số là xu hướng được tất cả các ngành và toàn xã hội áp dụng. Với nhiều nỗ lực, chỉ sau gần 2 năm, chúng tôi đã thu được những kết quả tích cực khi 26 đơn vị trực thuộc Sở Y tế, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, 3 bệnh viện ngành, 5 bệnh viện tư nhân, 15 phòng khám đa khoa tư nhân và hơn 1.300 quầy thuốc, nhà thuốc... đã dần kết nối các dữ liệu y tế, hình thành một nền tảng hạ tầng y tế số.

Đáng nói, dù mất hàng năm trời dồn phần lớn lực lượng, thời gian cho công tác phòng, chống dịch COVID- 19, song toàn Ngành đã nỗ lực thực hiện khá tốt các mục tiêu đề ra.

Theo đó, 100% đơn vị đã triển khai ký số văn bản điện tử; cung cấp dịch vụ công từ mức độ 2 đến mức độ 4; 100% cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh có hệ thống phần mềm quản lý; 100% nhà thuốc đã kết nối liên thông với hệ thống “Cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia”; gần 150.000 đơn thuốc được liên thông đến hệ thống “Đơn thuốc Quốc gia”; 100% bệnh viện triển khai hóa đơn điện tử, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt... Đến nay, Thái Nguyên đã ký số hộ chiếu vắc-xin cho hơn 3,5 triệu mũi tiêm; gần 70% dân số có hồ sơ sức khỏe…

P.V: Những chia sẻ trên cho thấy công cuộc chuyển đổi số của ngành Y tế đang gặp nhiều thuận lợi, thưa ông?

Ông Hoàng Hải: Không có con đường đi nào chỉ trải “hoa hồng” cả. Hiện tại, chúng tôi vẫn đang gặp không ít khó khăn.

Trong đó, hệ thống y tế cơ sở chưa được đầu tư phù hợp về cơ sở vật chất là một trong những trở ngại rất lớn khi Ngành triển khai chuyển đổi số. Thêm nữa, nhân lực cho chuyển đổi số chưa đảm bảo, trình độ không đồng đều, thiếu kỹ năng; văn bản pháp lý trong triển khai các hoạt động chuyển đổi số (đặc biệt trong y tế) còn chưa đồng nhất cũng là những vấn đề gây khó khăn cho Ngành.

Đặc biệt, vẫn còn trường hợp lãnh đạo của một số đơn vị chưa thực sự chủ động trong việc tìm các giải pháp chuyển đổi số phù hợp với đơn vị. Đây cũng là “rào cản” trong quá trình hoàn thành các mục tiêu về chuyển số của Ngành.

Dù vậy, giai đoạn 2023-2025, ngành Y tế vẫn quyết tâm hoàn thành các mục tiêu đúng hạn. Theo đó, hoạt động chuyển đổi số của Ngành sẽ tập trung vào 4 nội dung là: phát triển hạ tầng công nghệ thông tin y tế; chuyển đổi số trong hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh; chuyển đổi số trong bệnh viện; chuyển đổi số trong quản trị y tế.

Để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, toàn Ngành sẽ tập trung vào các phần việc gồm: nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số cho cán bộ, nhân viên y tế; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin tại Sở Y tế và các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện, xã; tạo điều kiện cho cán bộ y tế được tiếp cận với công nghệ thông tin…

Tôi tin rằng khi thực hiện tốt những nhiệm vụ này sẽ góp phần xây dựng và phát triển nền tảng y tế số, bệnh viện thông minh theo đúng tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-TU ngày 31/12/2020 của Tỉnh ủy Thái Nguyên: “Đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, tạo tiền đề đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số”.

P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn!

https://www.baothainguyen.vn/thoi-su-trong-tinh/phong-van-doi-thoai/202302/xay-dung-va-phat-trien-nen-tang-y-te-so-372183e/
Các tin khác: