“Chêm” tiền tỷ, nâng tầm bún khô truyền thống

Cập nhật ngày: 26/11/2021 09:46 (Lượt xem: 973)
Từ sản phẩm bún khô truyền thống của gia đình, anh Hoàng Tiến Diện và Hợp tác xã (HTX) Mỳ bún khô Tiến Diện, xã Tràng Xá (Võ Nhai) đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng mua máy móc, thiết bị để sản xuất với quy mô lớn. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, sản lượng sản phẩm bún khô, phở khô truyền thống với tham vọng đưa những mặt hàng này đến với người tiêu dùng trong toàn quốc.

Trung bình mỗi tháng, HTX Mỳ bún khô Tiến Diện sản xuất từ 3-5 tấn bún, phở khô, tạo việc làm cho trên 20 lao động địa phương với thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng.

Lâu nay, người dân trên địa bàn huyện Võ Nhai thường truyền tai nhau về sản phẩm bún khô ngon bậc nhất ở địa phương, với sợi bún ngon mềm, trắng mượt, không bị nát rời sau khi nấu. Sản phẩm này do một hộ gia đình ở xóm Cầu Nhọ, xã Tràng Xá sản xuất. Suốt hàng chục năm qua, sản phẩm bún khô do gia đình anh Hoàng Tiến Diện sản xuất đã đến với hàng nghìn người tiêu dùng khắp huyện vùng cao Võ Nhai qua kênh “truyền thông miệng” như vậy.

Là thế hệ thứ hai và được truyền nghề từ cha mình, anh Hoàng Tiến Diện luôn trăn trở tìm hướng đi để nâng tầm cho sản phẩm bún khô của gia đình, biến nó trở thành mặt hàng được nhiều người biết đến và ưa chuộng. Đầu năm 2021, được sự hướng dẫn, hỗ trợ của địa phương, anh Diện vận động một số người thân thành lập HTX Mỳ bún khô Tiến Diện với 7 thành viên.

Ngay khi vừa đi vào hoạt động, HTX đã huy động vốn từ các thành viên và đầu tư trên 1 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng rộng 800m2 với hệ thống máy móc hiện đại như: Máy xay công suất lớn, máy trộn, máy ép sợi, phòng sấy sản phẩm, máy đóng gói… với công suất tối đa đạt trên 20 tấn sản phẩm/tháng.

Với kỹ thuật gia truyền và hệ thống máy móc hiện đại, HTX đã cho ra thị trường các sản phẩm bún khô, phở khô mang thương hiệu Tiến Diện, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, không chất phụ gia, không chất bảo quản. Đặc biệt, các sản phẩm vẫn giữ được “chất” truyền thống, được người tiêu dùng ưa chuộng. Sản phẩm của HTX được đóng gói với bao bì đẹp mắt, đầy đủ mã QR, thuận tiện cho người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc.

Thành viên HTX Mỳ bún khô Tiến Diện kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi xuất bán ra thị trường.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Hoàng Tiến Diện cho biết: Làm bún khô không khó, các công đoạn không quá cầu kỳ nhưng mỗi người làm nghề lại có bí quyết riêng. Muốn có sợi bún ngon thì điều quan trọng phải chọn được gạo ngon. Với sản phẩm bún, phở khô Tiến Diện, chúng tôi chỉ chọn loại gạo Bao thai ngon nhất được trồng tại địa phương để làm nguyên liệu sản xuất.

Anh Diện cũng chia sẻ thêm, quy trình sản xuất bún của HTX Tiến Diện được thực hiện khép kín, các công đoạn xay gạo, vắt bột, khuấy bột… đều do máy móc đảm nhiệm. Thế nhưng, tay nghề và kỹ thuật của người vào máy vẫn là một trong những yếu tố quyết định chất lượng của mẻ bún. Theo đó, nước để ngâm gạo và xay bột phải sạch thì bún mới trắng; bột xay nghiền kỹ, ngâm lọc đúng và đủ thời gian để tạo ra mẻ bún ưng ý. Ngay cả công đoạn đưa bột vào máy ép phải canh đủ độ để bún chín thì sợi mới ngon, trắng, dai và bóng đẹp.

Hiện nay, trung bình mỗi tháng, HTX Tiến Diện sản xuất từ 3-5 tấn bún khô, phở khô xuất bán ra thị trường, đạt trên 20% công suất tối đa. Bước đầu, bên cạnh thị trường truyền thống trong huyện, HTX đã liên hệ và ký kết hợp đồng tiêu thụ với một số siêu thị ở trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, sản phẩm của HTX đã được chào bán trên các sàn thương mại điện tử phổ biến trong nước, được người tiêu dùng tin tưởng và đánh giá cao. Trung bình mỗi tháng, HTX đạt doanh thu từ 200-250 triệu đồng, tạo việc làm cho trên 20 lao động địa phương với thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2021, HTX Mỳ bún khô Tiến Diện đã đăng ký sản phẩm bún khô Tiến Diện tham gia Chương trình OCOP cấp huyện và tham gia bình chọn sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên. Đây là tiền đề để các sản phẩm bún khô, phở khô Tiến Diện có cơ hội được tăng cường quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ. Từ đó, tăng hiệu quả sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Ông Hoàng Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Tràng Xá thông tin: Tràng Xá có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên để hình thành vùng sản xuất lúa gạo quy mô lớn, nhưng lĩnh vực này hiện chưa được phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Do vậy, chúng tôi rất khuyến khích sự phát triển của các cơ sở, HTX chế biến sản phẩm từ gạo như HTX Mỳ bún khô Tiến Diện để gia tăng giá trị cho sản phẩm lúa gạo địa phương, đồng thời khuyến khích nông dân nâng cao năng suất, chất lượng sản xuất trên địa bàn.

https://baothainguyen.vn/tin-tuc/kinh-te/%E2%80%9Cchem%E2%80%9D-tien-ty-nang-tam-bun-kho-truyen-thong-293294-108.html
Các tin khác: