“Dệt áo xanh” cho đảo

Cập nhật ngày: 18/02/2019 09:38 (Lượt xem: 953)
Xuân về, quân và dân ta ở Trường Sa không chỉ tổ chức nhiều hoạt động đón Tết giống như đất liền mà nhiều đảo (có đủ điều kiện) còn trang trọng tổ chức Tết trồng cây theo lời Bác. Trồng cây trên đảo dễ nhưng việc bảo vệ, chăm sóc để cây trưởng thành rất khó khăn, nhiều người đã và đang công tác tại Trường Sa đều có chung nhận định như vậy. Vì thế, mỗi cây xanh được trồng có thể ví như một tác phẩm kỳ công của người lính đảo, góp phần “dệt áo xanh” cho những nơi vốn dĩ chỉ có san hô và cát trắng khô cằn ấy.

Để chuẩn bị tổ chức Tết trồng cây đầu Xuân Kỷ Hợi 2019 (đã diễn ra vào ngày 4 tháng Giêng như mọi năm), chỉ huy đảo Sơn Ca đã giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chuẩn bị chu đáo hàng trăm cây giống bằng cách chiết ghép hoặc ươm từ hạt. Những giống cây được ưu tiên lựa chọn chủ yếu là cây bản địa hoặc đã chứng minh được sức chịu đựng tốt với khí hậu khắc nghiệt trên đảo, như: Bàng vuông, phong ba, bão táp, tra, nhàu, mù u… Cũng như mọi năm, dịp Tết này, chuyến tầu chở Đoàn công tác ra đảo cũng mang theo món quà quý giá là những cây giống từ đất liền, đó không chỉ là hoa, cây cảnh mà còn là những giống cây ăn quả, rau xanh, gia vị thiết yếu.

Đối với các lực lượng trên đảo, ngoài nhiệm vụ quan trong nhất là đảm bảo tốt công tác phòng thủ, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc, thì việc trồng và chăm sóc cây xanh cũng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên chứ không riêng dịp Tết trồng cây đầu năm. Bởi việc phủ xanh đảo có rất nhiều tác dụng, trước tiên là nhằm cải thiện môi trường, “ngọt hóa” đảo, tạo bóng mát, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đến tác dụng ngụy trang, khẳng định chủ quyền của Tổ quốc. Trung úy Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Chi đoàn đảo Sơn Ca chia sẻ: Cán bộ, chiến sĩ trên đảo đều rất tích cực chăm sóc cây xanh bởi đó không chỉ là nhiệm vụ mà còn là một hoạt động thư giãn rất bổ ích. Chi đoàn chúng tôi thường xuyên tổ chức các hoạt động vệ sinh, cải tạo cảnh quan môi trường đảo, triển khai mô hình “vườn cây thanh niên”, “hàng cây thanh niên”, “con đường thanh niên”… được các đoàn viên hăng hái tham gia.

Chăm sóc thành công mỗi cây xanh trên đảo ở Trường Sa là nhiệm vụ không hề dễ dàng. Nhiều người biết vậy nhưng chưa thể hình dung hết sự tỉ mỉ, nhọc công của người lính đảo trong việc này. Những đảo nhỏ giữa trùng khơi luôn phải đối mặt với nắng gió khắc nghiệt, vị mặn của biển thâm nhập tứ phía khiến nhiều loài thực vật rất khó phát triển. Thêm nữa, phần lớn diện tích các đảo nổi đều là đá san hô, cát trắng và không có nước ngọt dưới lòng đất. Mùa khô thì thiếu nước, mùa mưa bão thì gió lớn nên nhiều cây không đủ sức chịu đựng. Thiếu tá Nguyễn Văn Trung, Chính trị viên đảo Sinh Tồn Đông (một đảo nổi có diện tích nhỏ) mô tả sơ sơ với chúng tôi như vậy.

Chiến sĩ đảo Nam Yết chăm sóc cây.

 

Trong điều kiện chung đó, để giữ gìn và phát triển màu xanh trên các đảo, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị đã xây dựng nghị quyết, giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho mỗi tập thể, cá nhân trong việc ươm trồng và bảo vệ, chăm sóc từng cây xanh. Mỗi cây non đều phải được che chắn cẩn thận, tận dụng nguồn nước sinh hoạt để tưới thường xuyên, hố trồng cây được ủ lá và cây mục trước đó kỹ càng. Riêng khu vực trồng rau xanh càng phải được che chắn đặc biệt. Nếu thiếu đất trồng từ đất liền mang ra, các cán bộ, chiến sĩ phải lựa từng nắm đất hoặc cát trên đảo ít bị nhiễm mặn để trồng cây. Các đảo nổi thường có quy định, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong thời gian công tác trên đảo có nhiệm vụ trồng và chăm sóc thành công từ 1 đến 2 cây xanh. Thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, thảm thực vật trên các đảo nổi ở Trường Sa vì vậy mà ngày càng phong phú, tốt tươi.

Thượng úy Nguyễn Công Cường, phụ trách bộ phận Hậu cần của đảo Nam Yết tự hào nói: Trong 1 năm công tác ở đảo, tôi và các đồng đội đã tham gia trồng và chăm sóc tốt nhiều cây xanh, rau quả các loại, góp phần phủ xanh đảo và cải thiện đời sống cho bộ đội. Mỗi cây xanh được trồng ở đây đều lưu giữ nhiều kỷ niệm, dấu ấn của người lính đảo. Tôi rất vui khi góp phần nhỏ bé của mình biến Nam Yết trở thành một hòn đảo ngọc xanh mát quanh năm…

Đúng vậy, lính đảo ở Trường Sa có nhiều điều để tự hào và những niềm hạnh phúc riêng có. Không chỉ bởi họ đã và đang góp phần bảo vệ vững chắc biển trời thiêng liêng mà còn từ những việc làm tưởng rất bình thường ở đất liền như việc trồng và chăm sóc cây. Để trên những hòn đảo nhỏ vốn khô cằn, hoang sơ ấy nay đã có những cây lớn hiên ngang tỏa bóng mát bất chấp nắng gió khắc nghiệt, và những cây non đang từng ngày cứng cáp, tự tin vươn tán trong sự che chở của người lính. “Tấm áo xanh” trên các đảo ở Trường Sa đang ngày càng nổi bật, sức sống, nét Xuân không khác đất liền.  

Theo Báo Thái Nguyên điện tử
Các tin khác: