Cầu Bóng Tối

Cập nhật ngày: 03/10/2022 08:01

Khoảng giữa năm 1961, vừa tròn mười bốn tuổi tôi theo bố mẹ từ thành phố Hải Phòng lên Thái Nguyên sinh sống. Gia đình tôi vốn có nghề làm que hàn thủ công. Bố tôi bảo lên Thái Nguyên để góp một chút sức nhỏ vào công cuộc xây dựng Khu Gang Thép. Tôi không hiểu nhiều về công việc của người lớn, cũng không hiểu gang thép quan trọng như thế nào trong công cuộc xây dựng đất nước. Chỉ biết rằng ngày ấy người ta gọi Thái Nguyên là thành phố Thép, nghe người lớn nói là đây là một thành phố non trẻ nhưng rất quan trọng và đáng tự hào của đất nước.

Thành phố cảng, nơi gia đình tôi sinh sống ngày ấy là thành phố lớn thứ hai miền Bắc, chỉ sau Hà Nội, đã có sự phát triển đáng kể cho nên khi đặt chân lên thành phố Thái Nguyên, trong tâm thức tuổi thơ của tôi đã mang một nỗi thất vọng không nhỏ. Mấy anh em tôi cùng bố mẹ ngồi trên một chiếc xe trâu ì ạch từng bước trên con đường đất gập ghềnh, mịt mù bụi đỏ (từ ga Đồng Quang đến đường tròn trung tâm bây giờ). Đến một ngã tư, nơi có những dãy nhà lợp tranh, nứa nối nhau, tôi hỏi một người đi đường sắp đến thành phố chưa thì bác ngửa mặt lên trời cười lớn mà rằng: “Cháu ơi, chỗ này là trung tâm thành phố rồi đấy”. Tôi ngạc nhiên, ngẩn ngơ buồn bã.

Ngày mới đến thành phố, bố tôi thuê một nửa căn nhà của một gia đình nghèo nhưng rất tốt bụng. Ngôi nhà rất nhỏ được ông chủ ngăn đôi cho gia đình tôi thuê một nửa. Đó là một ngôi nhà tường trát bằng bùn rơm, mái lợp cọ, nằm ngay cạnh mặt đường. Nếu tôi không lầm thì chính là vị trí ki-ốt xăng của Thành Đội Thái Nguyên bây giờ. Tôi còn nhớ ông chủ nhà tên là Khái, người gầy gò khắc khổ, ăn mặc xuềnh xoàng; bà chủ vấn khăn theo kiểu người nhà quê. Nhà còn có mấy đứa nhỏ kém tôi chừng vài ba tuổi, cô con gái lớn tên là Dung. Đó là những người thành phố Thái Nguyên đầu tiên tôi được tiếp xúc. Họ rất nghèo nhưng thật thà tốt bụng và đáng yêu. Gia đình tôi lạ nước lạ cái, cần gì đều được họ tận tâm giúp đỡ hoặc chỉ bảo.

Ngôi nhà gia đình tôi thuê ở rất gần với một đoạn đường có cây cầu nhỏ dài chưa đầy mười mét bắc qua. Tôi thấy mọi người gọi là cầu Bóng Tối nên cũng gọi theo. Có lẽ đó là cái tên do người Thái Nguyên tự đặt ra chứ chắc không có danh tính trong bản đồ địa chính. Không hiểu có phải con đường đất vắng vẻ có cây cầu xù xì bắc qua ấy mỗi khi tắt mặt trời lại tràn ngập trong bóng tối nên mới đặt tên như vậy không? Nhưng quả là vậy. Tôi còn nhớ đó là một con đường đất rất hẹp, chỉ như một lối mòn. Những bụi nứa tép mọc chờm cả ra mặt đường với vẻ thâm u, huyền bí. Dưới chân cầu là con suối nhiều hang hốc, nước đen xì, lừ lừ chảy như trong một bộ phim kinh dị. Con đường ở ngay trong thành phố mà giống như một con đường rừng của vùng cao heo hút nào đó. Mỗi khi muốn đi tắt từ ngôi nhà gia đình tôi thuê về trung tâm thành phố, chúng tôi phải qua con đường ấy. Vì vậy, đối với tôi nó đã trở nên quá quen thân. Tất nhiên tôi chỉ dám đi vào ban ngày, còn ban đêm phải đông người và chỉ những lúc cần thiết. Đến tận bây giờ tôi vẫn còn giữ nguyên cảm giác mỗi khi bước trên con đường ấy, qua cây cầu ấy. Một cảm giác lo âu, lành lạnh, rờn rợn. Ấy vậy mà vẫn luôn muốn đi qua, giống như một đứa trẻ nhút nhát nhưng vẫn ghếch mắt đòi người lớn kể chuyện ma. Trong trí tưởng tượng non nớt của một cậu bé mười bốn tuổi của tôi ngày ấy, lại say mê những cuốn sách trinh thám như “Truyện đường rừng” của Lan Khai; “Vàng và máu”, “Tiếng hú ban đêm”, “Cái đầu lâu” của Thế Lữ… tôi luôn hình dung ra những bóng đen hoặc một con thú dữ xồ ra từ hai bên đường.

Sau đó một năm thì gia đình tôi chuyển đi nơi ở khác. Nhiều năm sau đó, tôi nhận ra một điều lạ là khi thành phố Thái Nguyên đã bắt đầu chuyển mình để trở thành một thành phố tương xứng với nhiều thành phố khác trên cả nước thì con đường đất và cây cầu Bóng Tối vẫn không thay đổi là bao. Vào những năm cuối của thập niên 70 của thế kỉ trước, tôi dạy học ở huyện Đại Từ, mỗi lần có dịp về thành phố Thái Nguyên, dù vội đến mấy tôi vẫn phải đảo qua con đường có cây cầu nhiều kí ức ấy một lần. Tôi thấy con đường và cây cầu Bóng Tối hầu như vẫn không thay đổi. Vẫn một không gian u tịch, vẫn con đường hẹp, vẫn những bụi nứa chờm ra mặt đường, vẫn màu nước lững thững trôi dưới chân cầu đầy ma mị…

Nếu tôi nhớ không lầm thì phải đến tận những năm cuối của thế kỉ 20 con đường và cầu Bóng Tối mới được các nhà quy hoạch đô thị để mắt tới. Cây cối được phát quang, mặt đường mở rộng, rải nhựa phẳng phiu, cây cầu được xây lại… Hai bên đường đã dần dần mọc lên những ngôi nhà cao đẹp. Con đường hẹp đã được nối liền với một con đường khác và mang cái tên chung là đường Bến Tượng. Cầu Bóng Tối xưa đã không còn bóng tối. Duy cái tên thì hình như vẫn không chịu mất theo. Tôi không rõ về hành chính, người ta có đặt lại cái tên cầu không, nhưng nhiều người Thái Nguyên thì vẫn gọi là cầu Bóng Tối. Bây giờ, ở ven con đường ấy đã có mấy cửa hiệu ăn uống khang trang. Một là nhà hàng gà tươi Mạnh Hoạch 2, hai là nhà hàng lẩu trâu Sĩ Béo, ba là cửa hiệu phở Duyên khá tiếng tăm với người sành ăn ở thành phố. Nếu có người hỏi “Nhà hàng Mạnh Hoạch ở đâu?”, “ Lẩu trâu Sĩ Béo ở đâu?”, “hiệu phở Duyên ở đâu?” thì người ta sẽ bảo: “Gà Mạch Hoạch, lẩu trâu Sĩ Béo, hiệu phở Duyên ở gần cầu Bóng Tối”. Chừng như cái tên cầu Bóng Tối đã khắc vào tâm khảm người Thái Nguyên rồi. Chỉ hơi tiếc cho đến tận bây giờ hình như vẫn chưa có một câu ca dao hoặc có một nhà thơ nào để lại một vài câu thơ về cây cầu rất “nổi tiếng” ấy.

Còn tôi, mới ngày nào bước qua cầu Bóng Tối còn là một thiếu niên mười bốn tuổi và bây giờ đi qua cây cầu ấy đã là một ông già 75. Trời đất đã mấy bể dâu rồi mà mỗi lần bước qua cây cầu, trong tôi bao kỉ niệm buồn vui vẫn ùa về, lòng vẫn bồi hồi nhớ người xưa cảnh cũ. Cầu Bóng Tối của một thời vẫn luôn thắp lên trong trái tim tôi một vầng ánh sáng kí ức tuổi thơ. Thành phố Thái Nguyên hôm nay đã mọc lên nhiều tòa nhà cao tầng, đã mở ra bao con đường dài rộng. Đêm đêm đèn hoa rực rỡ, dư thừa ánh điện, hẳn không nơi nào còn chìm trong tăm tối như con đường và cầu Bóng Tối xưa. Thế nhưng, trong tâm thức của bao người, cái tên cầu Bóng Tối có lẽ sẽ mãi mãi không thể xóa nhòa.

Hồ Thủy Giang

Nguồn Báo Văn nghệ TN
Các tin khác:
THƯ CẢM ƠN 20/10/2022 06:49