Đền Hồ Sen- phường Thịnh Đán, TP. Thái Nguyên

Cập nhật ngày: 23/10/2015 08:44
Đền Hồ Sen, nằm trên địa bàn tổ 12 phường Thịnh Đán, TP. Thái Nguyên, cách đường Quang Trung, rẽ vào Bệnh viện A (cũ) khoảng 500m. Đây là một ngôi Đền có sắc phong trên 100 năm tuổi và tổ chức lễ hội vào ngày mùng 6 tháng giêng hằng năm.

Tương truyền, Đền Hồ sen có từ rất lâu đời, Đền được nhân dân địa phương dựng lên thờ Thủ lĩnh Phủ Phú Lương, Cao Sơn Quí Linh (Dương Tự Minh) và thờ Mẫu Thoải. Đền được truyền là nơi linh thiêng, được nhân dân trên địa bàn và các phật tử thập phương tìm đến để sinh hoạt văn hoá tâm linh

Trải qua hàng trăm năm, đến nay ngôi Đền đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn cho người đi lễ. Trước thực trạng trên, ông Vũ Đức Tư Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Thái Nguyên, đã phát tâm xin công đức đầu tư xây dựng tôn tạo đền Hồ Sen, nhằm gìn giữ những giá trị vốn có, qua đó đóng góp thêm một điểm di tích thắng cảnh, tín ngưỡng phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân.  

Đền Hồ Sen được xây dựng theo lối kiến trúc cổ, trên diện tích gần 3.000m2, với tổng kinh phí khoảng 20 tỷ đồng. Mặc dù được xây dựng hoàn toàn mới khang trang, nhưng đền vẫn giữ được nét truyền thống bởi lối kiến trúc cổ. Đến đây, phật tử gần xa sẽ ấn tượng với mái đền cong mềm mại hình đuôi phượng và những cột trụ bằng đá chạm khắc hình tượng rồng đang bay. Cùng với đó là chiếc chiếu ngọc khắc hình rồng bay, cá chép ngay tại cửa chính của Đền thờ chính không chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật, mà còn ẩn chứa giá trị về mặt lịch sử, văn học, gợi vẻ cổ kính của ngôi Đền.

 Điểm nổi bật của Đền chính là nét nghiêm trang, thanh tịnh trong Điện thờ chính với những ban thờ: Vua cha Ngọc Hoàng, Nam tào Bắc đẩu, Ngũ vị tôn ông, Ba Hoàng, Tam vị Thánh mẫu, Ngũ hoa công chúa, Chúa bản đền, Đức thành Trần, Chúa bà sơn lâm sơn trang, Tứ phủ thánh cô, Tứ phủ thánh cậu và 2 bên bức tường được trang trí bởi quạt cửu sừng tạo nên một điểm nhấn đặc biệt hiếm nơi nào có được.

Ngôi đền được đầu tư tôn tạo đã đáp ứng được tâm nguyện của đông đảo bà con nhân dân, phật tử gần xa, góp phần nâng cao đời sống văn hoá tâm linh, đồng thời tạo nên một cảnh quan, thắng cảnh đẹp cho địa phương. Để phát huy giá trị di tích lịch sử văn hoá tín ngưỡng, UBND phường Thịnh Đán đã gửi đơn đề nghị UBND TP Thái Nguyên, Sở văn hoá thể thao và du lịch Thái Nguyên xem xét, tiến hành lập hồ sơ khao học công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh cho Đền Hồ Sen, phường Thịnh Đán, thành phố Thái Nguyên.

Daithainguyen.vn
Các tin khác:
Chùa Y Na 15/10/2015 08:09