Giữ tinh hoa, hồn cốt vùng chè Tân Cương

Cập nhật ngày: 30/09/2022 02:34
Nhắc đến Thái Nguyên, hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay tới vùng đất Tân Cương (TP. Thái Nguyên) - nơi sản xuất nên sản phẩm trà ngon nức tiếng đã trở thành thương hiệu. Nơi đây đã được cấp Chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Chè Tân Cương”. Chính quyền các cấp cũng đang tích cực phối hợp với người dân đẩy mạnh bảo tồn, phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.

 

Những vạt chè trung du “bản địa” trên 60 tuổi tại vùng đất Tân Cương được đầu tư công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước

Năm 1922 địa danh Tân Cương bắt đầu xuất hiện ở xứ Thái Nguyên. Còn duyên nợ về chè Tân Cương thì khởi nguồn từ việc ông Đội Năm (tên thật là Vũ Văn Hiệt) giúp người dân khai hoang, mở đất rồi lấy giống chè từ trại chè Phú Hộ thuộc huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ về trồng. Nhờ điều kiện khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng phù hợp, sinh khí hội tụ và kỹ thuật trồng, chăm sóc của người dân nên chè Tân Cương có chất lượng thơm ngon nổi tiếng; từng đoạt giải Nhất tại hội chợ Đấu Xảo năm 1935. Từ khởi nguồn tới nay, chính giống chè trung du lá nhỏ đã tạo nên hồn cốt cho thương hiệu chè Tân Cương.

Xác định cây chè là sản phẩm mũi nhọn trong trồng trọt, cũng là sản phẩm gắn với văn hóa truyền thống và con người địa phương, với thương hiệu chè nổi tiếng chè Tân Cương, tháng 8 năm 2021, HĐND TP. Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết về việc thông qua Đề án bảo tồn và phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu của Đề án là bảo tồn vùng chè đặc sản Tân Cương, bảo vệ diện tích chè hiện có và mở rộng diện tích đến năm 2025 phấn đấu đạt 1.700ha, năng suất chè búp tươi đạt 155 tạ/ha; sản lượng 25.000 tấn; giá trị thu nhập trên 1ha đất trồng chè đạt trên 1 tỷ đồng. Xây dựng vườn chè trung du đầu dòng phục vụ hom giống để chủ động sản xuất giống chè; tập trung tích tụ đất đai, chuyển đổi diện tích đất lúa xen kẹp với đất chè, đất mầu, đất rừng sản xuất kém hiệu quả sang trồng chè trung du theo hướng gia tăng giá trị, hình thành các vùng sản xuất chè tập trung.

Để đảm bảo chất lượng và nâng cao giá trị sản phẩm, Đề án cũng xác định mục tiêu 100% diện tích chè thuộc vùng sản xuất nguyên liệu tập trung được áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất chè an toàn, chất lượng; ít nhất có 30% diện tích sản xuất chè an toàn được chứng nhận VietGAP (hoặc các GAP khác) và chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; 100% sản phẩm chè do doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, có tem truy xuất nguồn gốc. Phấn đấu đến năm 2025 có 70 sản phẩm từ chè được chứng nhận đạt chuẩn OCOP.

Những giống chè trung du cổ được gia đình ông Lê Quang Nghìn, xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương trồng từ năm 1928

Ông Ngô Danh Thuỳ, Trưởng phòng Kinh tế TP. Thái Nguyên thông tin: Dù tạo nên bản sắc, thương hiệu cho vùng Tân Cương nhưng cơ cấu giống chè trung du chỉ chiếm hơn 10% tổng diện tích. Trong những năm qua, diện tích chè trung du về cơ bản không tăng, chủ yếu hàng năm trồng lại thay thế diện tích già cỗi. Chính vì vậy, việc HĐND TP. Thái Nguyên bàn hành nghị quyết thông qua Đề án có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở để huy động các nguồn lực, triển khai giải pháp hiệu quả nhằm bảo vệ và mở rộng diện tích chè; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản xuất, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm vùng chè đặc sản Tân Cương.

Triển khai thực hiện Đề án, các địa phương đã tiến hành rà soát, thống kê toàn bộ diện tích chè trên địa bàn phân theo cơ cấu giống và quỹ đất. Từ đó xác định nhu cầu chuyển đổi giống và diện tích trồng mới; xây dựng bản đồ vùng sản xuất chè đặc sản Tân Cương. Việc chuyển đổi giống thực hiện theo hướng ưu tiên thay thế nương chè già cỗi, năng suất, chất lượng thấp bằng giống chè trung du bằng phương pháp giâm hom. Giải pháp về khoa học công nghệ được ưu tiên thực hiện bằng việc đẩy mạnh ứng dụng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ; quy trình kỹ thuật thâm canh chè gắn với chứng nhận chè an toàn (VietGAP); chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đào tạo, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến, bảo quản chè theo hướng nâng cao chất lượng. Xây dựng, nhân rộng mô hình trình diễn khuyến nông, mô hình liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ chè. Vấn đề liên kết chuỗi sản xuất nguyên liệu chè búp tươi an toàn, chế biến và thị trường tiêu thụ quan tâm thực hiện.

Một số diện tích chè trung du già cỗi được người dân xã Tân Cương trồng thay thế theo Đề án

Đặc biệt, các cơ chế hỗ trợ giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân có thêm động lực trong việc bảo tồn và mở rộng diện tích chè trung du. Cụ thể là: Hỗ trợ 70% giá giống khi thực hiện trồng mới và thay thế; 100% kinh phí chứng nhận tiêu chuẩn GAP và hữu cơ lần đầu; hỗ trợ 40% chi phí phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học, công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho chè và hỗ trợ 50% giá máy móc, thiết bị chế biến, đóng gói, bảo quản chè. Ông Trần Văn Thắng, Chủ tịch Hợp tác xã chè Thắng Hường, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên) chia sẻ: Chúng tôi luôn mong muốn tiếp bước, phát huy truyền thống để nâng tầm sản phẩm chè Tân Cương nói riêng và chè Thái Nguyên nói chung. Với giải pháp cụ thể đề ra trong Đề án, các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân sẽ có thêm động lực gắn bó, đầu tư tâm huyết cho cây chè.

Có thể thấy, Nghị quyết thông qua Đề án bảo tồn và phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương giai đoạn 2021 - 2025 đã cho thấy định hướng đúng đắn và các giải pháp phù hợp. Cùng với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chuyên môn, sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp, vùng chè đặc sản Tân Cương với hồn cốt là giống chè trung du lá nhỏ truyền thống sẽ tiếp tục ghi dấu ấn, góp phần quan trọng đưa thương hiệu chè của Thái Nguyên vươn xa.

Trần Nhung
thainguyen.gov.vn
Cổng TT điện tử tỉnh Thái Nguyên
Các tin khác:
THƯ CẢM ƠN 20/10/2022 06:49