KHU DI TÍCH ATK ĐỊNH HÓA

Cập nhật ngày: 30/09/2013 11:15
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954), huyện Định Hóa cùng các huyện Đại Từ, Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên), Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang), Chợ Đồn (tỉnh Bắc Cạn) được Trung ương Đảng chọn làm An toàn khu Trung ương (ATK) – Thủ đô kháng chiến của cả nước. Biết bao tên núi, tên rừng, tên suối, tên đèo, tên làng bản gắn với những năm tháng chiến khu của Bác Hồ, các đồng chí lãnh đạo trung ương, chính phủ, mặt trận, quân đội… đã trở thành địa danh lịch sử, sống mãi trong tâm hồn những người con đất Việt. Di tích lịch sử An toàn Khu (ATK) Định Hóa (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 548/QĐ-TTg, ngày 10/5/2012.

 

Đồi Khau Tý

Đồi Khau Tý – nơi đặt trụ sở làm việc đầu tiên của Hồ Chủ Tịch tại ATK Định Hóa, thuộc xóm Nà Tra, xã Điềm Mặc. Bác đã ở và làm việc tại Khau Tý từ 20/5 đến giữa tháng 10/1947. Tại đây, đã diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng giữa Hồ Chủ Tịch với Tổng Bí thư Trường Chinh, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Việt Minh Hoàng Quốc Việt…bàn về công cuộc kháng chiến kiến quốc. Trong lán nhà sàn ẩn dưới những tán cọ, rừng vầu và những cây rừng cổ thụ, Bác đã hoàn chỉnh cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc” – cuốn sách gối đầu giường của cán bộ kháng chiến các cấp và viết bài thơ “Cảnh khuya” nổi tiếng:

“…Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”.

Di tích Nà Mòn

Văn phòng của Tổng Bí thư Trường Chinh ở lưng đồi Nà Mòn, nơi xưa là cánh rừng nhiều cây lớn,nay là một vườn mận rất đẹp. Căn nhà sàn được phục hồi theo đúng kích thước căn nhà sàn xưa của Tổng Bí thư khá rộng, thoáng, đẹp, có hai cửa lên xuống phía hai đầu hồi; bên trong có bếp củi, bàn ghế; hai gian trong cùng kê hai chiếc giường nhỏ. Tổng Bí thư Trường Chinh đã ở, làm việc tại Nà Mòn những năm 1949 và 1952 – 1954.

 

Đồi “Phong Tướng”

Đồi Nà Lọm, bây giờ còn được gọi là đồi “Phong Tướng”, ở cách đồi Tỉn Keo khoảng 500m về phía đông, bên phải đường ô tô từ trung tâm xã Phú Đình vào đèo De.

Tại Nà Lọm, Hồ Chủ tịch đã viết Sáu điều cần thực hiện của Công an cách mạng (Tư cách Công an cách mạng), nay là Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân. Cũng tại đây, ngày 28/5/1948, trong phiên họp đặc biệt của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Lễ phong quân hàm Đại tướng cho Tổng Chỉ huy quân đội quốc gia Việt Nam Võ Nguyên Giáp.


Di tích Tỉn Keo

Tỉn Keo nghĩa tiếng Tày là chân đèo. Đồi Tỉn Keo ở ngaychân đèo De, thuộc xóm Tỉn Keo, xã Phú Đình – trung tâm của An toàn khu Trung ương (ATK).
 

Trong kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ đã đặt đại bản doanh tại đồi Tỉn Keo 3 lần. Lần 1, từ 07/3/1948 đến 05/4/1948. Lần 2, từ 25/5/1948 đến 12/9/1948. Lần 3, cuối năm 1953. Tại Tỉn Keo, đầu tháng 10/1953, Hồ Chủ Tịch chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị họp bàn kế hoạch tác chiến đông – xuân 1953 – 1954. Ngày 6/12/1954, Tỉn Keo chứng kiến một quyết định trọng đại: Bộ Chính trị thông qua “phương án tác chiến mùa xuân năm 1954” của Tổng quân ủy và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ.


Tỉn Keo – một trong những di tích quan trọng nhất trong hệ thống các di tích lịch sử cách mạng kháng chiến của ATK Định Hóa, của căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc.

Nhà trưng bày ATK ĐỊNH HÓA

Ở ngay chân đồi Tỉn Keo, Nhà trưng bày ATK Định Hóa được xây bằng xi măng, gạch, lợp ngói; kiến trúc mô phỏng kiểu nhà sàn của đồng bào Tày, Nùng vùng Việt Bắc. Phần trưng bày, được thể hiện ở tầng 2, gồm: Gian long trọng có tượng Hồ Chủ Tịch ngồi làm việc giữa núi rừng ATK và các nội dung giới thiệu về mảnh đất, con người Định Hóa; lịch sử đấu tranh cách mạng và chiến đấu bảo vệ ATK Định Hóa; hoạt động của Bác và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, mặt trận, quân đội, các cơ quan Trung ương ở ATK Định Hóa.


Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
 

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (nhân dân thường gọi là đền thờ Bác Hồ) tọa giữa đồi cao trên đỉnh đèo De, tựa vào dãynúi Hồng lịch sử. Từ tứ trụ lên Tam quan 115 bậc (Nhà tưởng niệm khánh thành đúng dịp kỷ niệm lần thứ 115 ngày sinh của Bác: 1890 – 2005). Từ Tam quan lên Nhà tưởng niệm 79 bậc (ghi nhớ 79 mùa xuân của Bác). Bàn thờ Bác rộng lớn, uy
nghi, sáng đẹp như lời bức đại tự “Hồ Chí Minh mặt trời sáng mãi”. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng… đã đến thắp hương tưởng nhớ Bác và trồng những cây lưu niệm quý trong khuôn viên Nhà tưởng niệm vị cha già dân tộc kính yêu. Mỗi năm, có hàng chục ngàn cán bộ, nhân dân cả nước và du khách quốc tế đến thăm “Thủ đô kháng chiến của Chính phủ cụ Hồ” và thắp hương thơm dâng lên bàn thờ Bác nơi Nhà tưởng niệm giữa đỉnh đèo De gió lộng.


Lán Bác Hồ ở Khuôn Tát

Lán nhỏ đơn sơ Khuôn  Tát dựng lưng chừng đồi Nà Đình, thuộc xóm người Dao Khuôn Tát, xã Phú Đình, ở phía tây đỉnh thác Khuôn, cách đồi Tỉn Keo khoảng hơn 1 km. Bác Hồ đã ở đây nhiều lần: Từ 20 đến 28/11/1947; từ 11/01/1948 đến 7/3/1948; từ 5/4 đến 1/5/1948 và một số lần trong năm 1953. Cây đa cổ thụ nơi có bãi đất bằng phẳng năm xưa Bác thường cùng các chiến sỹ cảnh vệ tập võ, đánh bóng chuyền; dòng suối trong ngần lô xô đá tảng, Bác từng tắm mát trưa hè; và những cánh rừng già bạt ngàn cổ thụ… làm nên một cảnh quan Khuôn Tát thật đẹp.


Di tích làng Quặng

Gồm có ba di tích: Đình Làng Quặng (đình Định Biên Thượng), bãi Thàn Mát, cánh đồng Nà Nhậu. Tại nơi đây, ngày 15/5/1945, thay mặt Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ, đồng chí Võ Nguyên Giáp chủ trì lễ công bố quyết định hợp nhất Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Cứu quốc quân và các lực lượng vũ trang của đảng trong toàn quốc thành Việt Nam giải phóng quân.

Cũng thuộc xã Định Biên, trong vòng bán kính 1 đến 2 km, còn có 2 di tích thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp rất quan trọng: Nơi đặt hành dinh của Bộ Tổng tham mưu ở Đồng Đau và Tổng cục Chính trị ở Thẩm Tắng.

Di tích Bảo Biên

Những năm từ 1949 đến 1953, văn phòng Bộ Tổng tư lệnh và Tổng quân ủy – Tổng hành dinh của Quân đội nhân dân Việt Nam do Đại tướng Võ Nguyên Giáp đứng đầu đặt trên đồi Đỏn Mỵ thuộc thôn Bảo Biên, xã Bảo Linh, cách trung tâm Phú Đình trên 10 km. Từ nơi đây đã ra đời nhiều phương án, kế hoạch, quyết định quan trọng tạo nên những thắng lợi quân sự to lớn, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân dân ba nước Đông Dương đến thắng lợi.


Nhà tù Chợ Chu

Nhà tù Chợ Chu do người Pháp lập năm 1916, xây dựng kiên cố năm 1942, nằm trên đồi cao thuộc xóm Vườn Rau, thị trấn Chợ Chu. Đây là nơi chủ yếu dùng giam giữ các chiến sỹ cộng sản. Ngày 02/10/1944, 12 chiến sỹ cộng sản đã vượt ngục Chợ Chu thành công, về hoạt động trong phân khu Nguyễn Huệ thuộc chiến khu Hoàng Hoa Thám.

 

Các tin khác:
Chùa Y Na 15/10/2015 08:09