Những công trình mang dấu ấn lịch sử

Cập nhật ngày: 30/09/2022 02:34
Thành phố Thái Nguyên là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh Thái Nguyên nói riêng và cả khu vực Việt Bắc nói chung. Vùng đất nơi hội tụ của đầy đủ các yếu tố văn hoá, lịch sử, truyền thống đã làm nên một TP. Thái Nguyên trù phú, cội nguồn của đa dạng những giá trị xuyên suốt dòng chảy lịch sử dân tộc. Hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập TP. Thái Nguyên (19/10/1962-19/10/2022), Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên điểm lại một số công trình mang dấu ấn lịch sử của nơi này.

1. Cụm di tích khởi nghĩa Thái Nguyên.

Đền thờ Đội Cấn (TP. Thái Nguyên)

Cách đây 105 năm, khởi nghĩa Thái Nguyên do Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến lãnh đạo đã làm rung chuyển chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương. Đây được xem là cuộc khởi nghĩa vũ trang hào hùng vào bậc nhất trong lịch sử dân tộc ta đầu thế kỷ XX.

Ngược dòng lịch sử, trong những năm đầu thế kỷ XX, Nhân dân trong tỉnh Thái Nguyên cũng như cả nước chịu muôn vàn thống khổ bởi sự áp bức, bóc lột của thực dân Pháp và tay sai. Trong tình cảnh đó, những người con của quê hương Thái Nguyên có tinh thần yêu nước đã dựng cờ khởi nghĩa, đứng đầu là Trịnh Văn Cấn và Lương Ngọc Quyến. Cuộc khởi nghĩa nổ ra vào tối 30/8/1917, các ông Đội Trường, Ba Chén và một số binh lính giác ngộ đã tới diệt tên giám binh Nô-en (Noel) và những tên tay sai đắc lực của giặc. Ông Đội Giá và đồng đội tới giết hai vợ chồng tên Lô-ét (Loet) - một tên giám ngục rất độc ác, mở cửa nhà lao phá xiềng xích, giải thoát cho trên 200 tù chính trị và tù thường phạm. Ông Lương Ngọc Quyến bị liệt nửa người, được anh em cõng ra ngoài. Tiếp đó ông Đội Giá cho mở kho quân lương, lấy quần áo, đạn dược trang bị cho nghĩa quân rồi chiếm tiếp dinh Công sứ, tòa án, nhà đoan, kho rượu, kho đạn...

Bia di tích Trại lính khố xanh được dựng tại phía ngoài khuôn viên Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam (TP. Thái Nguyên)

Với tinh thần chiến đấu ngoan cường, nghĩa quân đã làm chủ tỉnh lị trong vòng 1 tuần. Ngày 5/9/1917, mặt trận của nghĩa quân tại thị xã Thái Nguyên bị phá vỡ, buộc phải rút lui khỏi Thái Nguyên. Ông Lương Ngọc Quyến bị thương nặng và hy sinh anh dũng. Tuy thất bại sau đó nhưng khởi nghĩa đã để lại một dấu mốc đặc biệt. Lần đầu tiên trong lịch sử cận đại Việt Nam, một cuộc khởi nghĩa diễn ra, giành được chính quyền tại một tỉnh, có tuyên ngôn, tuyên bố nền độc lập, có quốc kỳ, quốc hiệu, thành lập quân đội riêng. Cụm di tích khởi nghĩa Thái Nguyên đã được xếp hạng Quốc gia năm 1997, gồm các di tích: Trại lính khố xanh, dinh công sứ Pháp, nhà lao Thái Nguyên, đền thờ Đội Cấn.

2. Chùa Đán

Chùa Đán (hay còn gọi là chùa Thịnh Đán) thuộc địa phận phường Thịnh Đán (TP. Thái Nguyên), địa danh này gắn liền với Cụm di tích Việt Nam Giải phóng quân gồm: Chùa Đán (phường Thịnh Đán), địa điểm Đình Hàng Phố và địa điểm Khu chủ sự Nhà Đèn (phường Trưng Vương).

Chùa Đán (TP. Thái Nguyên)

Trước Cách mạng Tháng Tám, ngôi chùa được cán bộ Việt Minh lấy làm chốn đi về, gặp gỡ, bàn chuyện đánh Pháp, đuổi Nhật. Ngày 16/8/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp đưa quân chủ lực từ Tân Trào sang giải phóng TX. Thái Nguyên. Khi đến Thái Nguyên, Đại tướng đã lựa chọn chùa Đán làm đại bản doanh, tập kết quân, dân, chỉ huy tiến đánh quân Nhật đang co cụm trong trung tâm thị xã. Tại đây, đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng và Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc cùng đồng chí Trần Đăng Ninh và cán bộ chỉ huy bàn, thông qua kế hoạch tác chiến đánh Nhật trong tỉnh lỵ Thái Nguyên. Đến tối 19/8/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã triệu tập cuộc họp, gồm những cán bộ của Trung ương và Xứ ủy Bắc kỳ hoạt động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên để thành lập Ban Tỉnh ủy lâm thời gồm 5 đồng chí, do đồng chí Ngô Nhị Quý làm Bí thư. 24 giờ cùng ngày, dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Chi đội Quân Giải phóng xuất phát từ chùa Đán tiến vào tỉnh lỵ Thái Nguyên, cùng quân dân trong tỉnh lỵ bao vây quân Nhật, giành chính quyền thắng lợi.

3. Cầu Gia Bảy

Cầu Gia Bảy (TP. Thái Nguyên)

Cầu Gia Bảy được xây dựng khoảng những năm 1928-1930. Trước đây, cầu nằm trên Quốc lộ 1B, con đường huyết mạch nối từ Lạng Sơn sang Thái Nguyên. Vào thời kỳ Chiến tranh Đông Dương, cầu từng bị binh lính và người dân Việt Nam phá sập vào năm 1947. Đến năm 1965, cầu bị máy bay Hoa Kỳ ném trúng ba quả bom và hư hỏng nặng. Năm 1991, cầu được xây mới tại vị trí cũ, có chiều dài gần 100m, chiều rộng khống chế 9m.

Bia ghi danh các chiến sĩ Trung đội Tự vệ Tiểu khu Hoàng Văn Thụ anh dũng hy sinh tại trận địa bảo vệ cầu Gia Bảy ngày 17/10/1965 được dựng gần cầu Gia Bảy

Cầu Gia Bảy là nơi ghi nhiều dấu ấn lịch sử, nhất là trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Lịch sử đã ghi lại: Ngày 17/10/1965, giặc Mỹ huy động 29 lần chiếc máy bay, ném 116 quả bom phá xuống cầu Gia Bảy và nhiều loạt đoạn tên lửa xuống trận địa pháo cao xạ của Trung đoàn 210, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của chúng vào Thái Nguyên. Sức tàn phá quá lớn của trận bom đã khiến cầu Gia Bảy bị hỏng hai mố, dầm chủ và dầm bên thượng lưu, hạ lưu bị đứt khiến giao thông hoàn toàn ngưng trệ. Bom Mỹ làm 147 người chết và bị thương; 45 ngôi nhà ở hai bên đầu cầu bị cháy, đổ; 32 cán bộ chiến sĩ trong Đại đội tự vệ khu phố Hoàng Văn Thụ thương vong.

4. Khu tưởng niệm liệt sĩ TNXP 915

Tháng 6-1972, Đại đội TNXP 915 được thành lập, đóng quân tại xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ (nay thuộc TP. Thái Nguyên). Đó là những ngày máy bay Mỹ điên cuồng đánh bom ở các tỉnh miền Bắc. Thái Nguyên là một trong những điểm bị đánh phá ác liệt. Ngay sau thành lập, cán bộ, đội viên của Đại đội đã bám sát nhiệm vụ, bảo đảm giao thông vận tải thông suốt…

Từ khi đưa vào hoạt động (tháng 12/2018) đến nay, đã có trên 3.000 Đoàn với gần 280.000 lượt khách đến dâng hương, tham quan Khu tưởng niệm liệt sĩ TNXP 915 (TP. Thái Nguyên)

Sáng sớm ngày 24/12/1972, hơn 60 cán bộ, đội viên của Đại đội 915 được lệnh tập hợp hành quân đến ga Lưu Xá (phường Gia Sàng) phối hợp cũng các đại đội, lực lượng khác làm nhiệm vụ bốc dỡ, giải tỏa hàng hóa. Chập tối hôm đó, 66 cán bộ và đội viên Đại đội 915 mới tạm nghỉ tay để ăn cơm tối. Nhưng chưa kịp ăn thì máy bay B52 và máy bay chiến thuật của đế quốc Mỹ đã ồ ạt lao vào ném bom xuống khu Nam TP. Thái Nguyên. Một trong những trái bom oan nghiệt từ máy bay B52 của đế quốc Mỹ ném xuống đã trúng căn hầm trú ẩn của Đại đội 915, cướp đi sinh mạng của 59 cán bộ, đội viên Đại đội 915 và 1 đội phó Đội TNXP 91. Đây là một trong những tổn thất to lớn nhất của lực lượng TNXP trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

Năm 2009, địa điểm hy sinh của 60 TNXP Đại đội 915 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Bằng công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đến năm 2018, di tích đã được trùng tu, tôn tạo và mở rộng diện tích với khuôn viên rộng 4,75ha gồm: Nhà tưởng niệm; không gian trưng bày tài liệu, hiện vật; khu nhà đón tiếp; cổng tam quan; nghi môn - tứ trụ… Đây là sự tri ân của Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đối với công lao và sự hy sinh anh dũng của các TNXP đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của dân tộc; trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Trần Nhung
thainguyen.gov.vn
Cổng TT điện tử tỉnh Thái Nguyên
Các tin khác:
THƯ CẢM ƠN 20/10/2022 06:49