Hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19: Còn bất cập trong quá trình thực hiện

Cập nhật ngày: 17/05/2022 10:44 (Lượt xem: 1133)
Kể từ khi chính sách hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 có hiệu lực, các địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả. Từ kết quả đạt được cho thấy, các chính sách mang lại ý nghĩa lớn khi góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân và các doanh nghiệp, nhưng vẫn còn không ít những bất cập cần được khắc phục.

Ban Văn hóa – Xã hội của HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Ngay sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và doanh nghiệp, Chính phủ đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ khăn như: Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020; Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020; Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ... Thực hiện các quy định này, từ năm 2020-2021, tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ hơn 221 tỷ đồng cho trên 365 nghìn lượt người. Qua đó góp phần hạn chế những tác động tiêu cực của đại dịch, phục hồi sản xuất - kinh doanh, ổn định lao động, việc làm, nâng cao hiệu quả thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Để có kết quả trên, theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Ngay sau khi các chính sách có hiệu lực, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai. Theo đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã khẩn trương thực hiện; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sớm đưa chính sách đi vào cuộc sống; bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch. Kết quả, trong 3 năm qua, trên địa bàn tỉnh không phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo về triển khai thực hiện các chính sách.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách cũng phát sinh không ít khó khăn, bất cập. Ví dụ như quy định về thời gian thực hiện hỗ trợ các đối tượng, xác định đối tượng được hỗ trợ.

Ông Nguyễn Xuân Nhân, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh, Xã hội TP. Sông Công cho biết: Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ quy định nhóm đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo tính đến hết ngày 31/12/2019 được nhận hỗ trợ COVID-19, tuy nhiên, trên địa bàn thành phố có một số hộ nghèo, cận nghèo phát sinh sau thời gian trên và thực sự gặp khó khăn về kinh tế do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng không được hưởng hỗ trợ do vướng quy định trên. Tương tự qua rà soát, trên địa bàn thành phố có một số cơ sở kinh doanh phải tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của đại dịch 14 ngày, nhưng theo quy định để được hỗ trợ phải là từ 15 ngày.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam – Thái Nguyên.

Một tồn tại chung trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách đó là việc xác định rà soát, lập danh sách phê duyệt đối với nhóm lao động, hộ kinh doanh, nhất là lao động không giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm gặp nhiều khó khăn, do người dân chưa chấp hành tốt các quy định về cư trú, đăng ký kinh doanh, nộp thuế nên thiếu cơ sở để lập danh sách.

Nhiều trường hợp lao động làm việc trong doanh nghiệp nhưng không giao kết hợp đồng lao động, không bảo đảm điều kiện xem xét, hỗ trợ. Bên cạnh đó, một số chính sách do tỉnh ban hành nhưng chưa kịp thời dẫn đến nhiều địa phương gặp lúng túng khi triển khai.

Đơn cử, hiện nay vẫn còn có sự chồng lấn giữa một số quy định hỗ trợ. Theo ông Trần Quang Phong, Chủ tịch UBND phường Trung Thành (TP. Phổ Yên): Đối tượng hưu trí khi chết vì dịch bệnh sẽ được chi trả chế độ tử tuất theo Luật Bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định: Hộ gia đình có người chết, mất tích do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; tai nạn giao thông, tai nạn lao động nghiêm trọng hoặc các lý do bất khả kháng khác được xem xét hỗ trợ chi phí mai táng với mức tối thiểu bằng 50 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội. Điều này đã phần nào gây khó khăn, vướng mắc cho chính quyền địa phương trong hoàn thiện hồ sơ cho các đối tượng tại cơ sở. Hơn nữa, nếu các cơ quan, đơn vị  không phối hợp chặt chẽ trong quản lý đối tượng thì sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng 1 đối tượng được hưởng nhiều chính sách.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh: Vừa qua, Ban tổ chức giám sát, khảo sát thực hiện các chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 tại 7 cơ quan, đơn vị và địa phương. Thông qua giám sát, các đại biểu HĐND tỉnh đã tiếp thu, ghi nhận những bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện. Sở dĩ có tình trạng này bởi đây là những chính sách mới, chưa có tiền lệ, yêu cầu thực hiện cấp bách với số đối tượng thụ hưởng lớn, đa dạng. Ban đã tổng hợp, báo cáo HĐND tỉnh, kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định để phát huy hiệu quả chính sách. Tuy nhiên, để chính sách phát huy hiệu quả hơn nữa, Ban cũng đề nghị các cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường thanh, kiểm tra; tuyên truyền, phổ biến để người dân nắm bắt và giám sát thực hiện tại cơ sở... 

https://baothainguyen.vn/tin-tuc/xa-hoi/con-bat-cap-trong-qua-trinh-thuc-hien-301091-85.html
Các tin khác: