Hướng tới chăn nuôi thủy sản an toàn

Cập nhật ngày: 12/04/2018 03:27 (Lượt xem: 969)
Với lợi thế về thời tiết, nguồn nước, lâu nay, nhiều người dân ở xã Tân Kim (Phú Bình) đã phát triển nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt nhưng vẫn chủ yếu ở quy mô nhỏ, năng suất chưa cao. Trước thực tế đó, tháng 6-2017, Hợp tác xã (HTX) dịch vụ chăn nuôi thủy sản Kim Đĩnh, xóm Đồng Chúc được thành lập, trên cơ sở liên kết 13 hộ chăn nuôi trong vùng, hướng tới mô hình sản xuất tập trung, an toàn, đem lại thu nhập ổn định cho người dân.

Gia đình ông Phạm Văn Ty, Giám đốc HTX dịch vụ chăn nuôi thủy sản Kim Đĩnh có 2ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, thu lãi 270 triệu đồng/năm.

 

Chúng tôi có mặt tại HTX dịch vụ chăn nuôi thủy sản Kim Đĩnh vào một buổi trưa nắng tháng 4. Từ đằng xa đã thấy thấp thoáng hàng chục ao đầm nằm cạnh nhau san sát, tiếng máy sục oxy chạy ù ù, vang vọng cả một vùng. Ông Phạm Văn Ty, Giám đốc HTX cho biết: Nhận thấy tiềm năng, thế mạnh của địa phương về nuôi trồng thuỷ sản, tôi đãđứng ra vận động bà con thành lập HTXnhằm liên kết các hộ nuôi trồng thủy sản vào một tập thể để giúp nhau phát triển kinh tế. Từ đây, nhiều kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản được chúng tôi trao đổi, chia sẻ thông qua các cuộc họp của HTX, từ các yêu cầu về con giống, thức ăn cho tới cách ứng phó với dịch bệnh và tìm thị trường tiêu thụ…

Ngày mới thành lập, HTX dịch vụ chăn nuôi thủy sản Kim Đĩnh gặp phải nhiều trở ngại như thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm quản lý… Nhưng bằng sự quyết tâm và lòng nhiệt thành của Ban quản trị, đơn vị từng bước vượt qua khó khăn, dần đi vào ổn định, trở thành người bạn đồng hành của các thành viên. Với 13 thành viên, HTX hiện có tổng diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản là 13ha, người ít nhất cũng có 5-6 sào, người nhiều nhất là 2ha. Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Xuân Dị, thành viên HTX cho biết: Gia đình tôi nuôi cá từ những năm 2000. Song, lúc bấy giờ chủ yếu là có con gì thì thả con đó, nhà ăn là chính nên hiệu quả không cao. Năm 2017, tôi tham gia vào HTX và đầu tư mở rộng thêm diện tích chăn nuôi. Điểm khác biệt lớn nhất là chúng tôi áp dụng kỹ thuật vào nuôi trồng chứ không chăn thả tự do như trước nữa. Trước khi vào mùa thả cá, HTX tổ chức họp bàn, xây dựng phương án cụ thể cho từng thành viên nên thả loại cá gì, cách chăm sóc như thế nào cho phù hợp với nhu cầu thị trường, điều kiện thời tiết, đặc điểm riêng của từng ao, đầm. Ngoài ra, chúng tôi còn được đi tham quan các mô hình thủy sản ở Hải Dương, Hưng Yên… để học hỏi thêm kinh nghiệm.

Còn ông Nguyễn Văn Vỵ thì cho biết: Hàng tháng, Ban Quản trị HTX đều cắt cử người trực tiếp xuống kiểm tra hoạt động của từng hộ chăn nuôi thông qua sổ nhật ký. Phương pháp 3 “chung” - chung giống, chung kỹ thuật, chung trọng lượng được lãnh đạo HTX quán triệt tới từng thành viên, qua đó, giúp sản phẩm đồng đều về chất lượng, tránh trường hợp người dân xuất bán cá khi chưa đạt trọng lượng tiêu chuẩn làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, uy tín của HTX. Với 15 sào đất ruộng không hiệu quả chuyển đổi sang nuôi cá, năm vừa qua, gia đình tôi xuất bán được gần 10 tấn cá các loại, doanh thu gần 120 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng lúa. Cũng từ khi tham gia vào HTX, chúng tôi không phải lo lắng nhiều về đầu ra, bởi HTX đã tìm được đầu ra ổn định nên cứ tới ngày thu hoạch, thương lái ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận lại tìm về, thu mua cá của cả HTX với số lượng lớn, thay vì mỗi hộ tự chở ra chợ bán như trước kia.

Để nâng cao năng suất, hầu hết các thành viên của HTX đều có ít nhất 2 khu vực nuôi riêng rẽ, đó là ao cá giống và ao cá thương phẩm. Chế độ ăn và cách chăm sóc vì thế cũng có sự khác biệt, phù hợp với sự sinh trưởng của cá, các lứa cá gối nối tiếp nhau, đem lại năng suất gấp 2-3 lần so với cách nuôi truyền thống trước kia. Lượng cá được thả theo mật độ hợp lý nhằm đảm bảo lượng oxy cho cá. Để cá không nhiễm dịch bệnh, sinh trưởng tốt, ngoài việc giữ vệ sinh nguồn nước, ao nuôi, HTX cũng chú trọng đến việc bổ sung đầy đủ kháng sinh cho cá. Theo đó, men vi sinh được ủ với rỉ mật mía cùng tỏi và nước sạch trong 7 ngày rồi tưới đều xuống ao cá. Theo các hộ nuôi, đây là một kỹ thuật rất quan trọng bởi hỗn hợp ủ này sẽ giúp kích thích hệ tiêu hóa của cá, bổ sung nhiều vi sinh vật có lợi, giúp cá khỏe mạnh và có sức đề kháng cao. Phương pháp này không chỉ an toàn mà còn giúp tiết kiệm chi phí đến 30% so với dùng thuốc kháng sinh thông thường.

Nhờ tuân thủ đầy đủ các quy trình kỹ thuật và sự đầu tư nghiêm túc, năng suất chăn nuôi được nâng lên đáng kể, trung bình mỗi sào, các thành viên thu được khoảng 7,5 tạ cá thương phẩm, gấp 2-3 lần so với phương pháp nuôi truyền thống. Năm 2017, lợi nhuận của HTX đạt trên 1,2 tỷ đồng. Đặc biệt, HTX đang đẩy mạnh việc chăn nuôi các loại cá có giá trị kinh tế cao như trắm, rô phi đơn tính, chép lai (giá dao động từ 40.000-60.000 đồng/kg), đồng thời, giảm dần các loại có giá trị thấp hơn như trôi, mè... Nói về kế hoạch của HTX, ông Phạm Văn Ty cho biết thêm: Thời gian tới, chúng tôi sẽ hoàn tất các điều kiện để chăn nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng tới chăn nuôi an toàn theo quy mô lớn, đồng thời, phát triển thêm từ 10-15 thành viên, nâng cao năng suất và tăng giá trị cho mỗi ao nuôi…

Theo Báo Thái Nguyên điện tử
Các tin khác: