Tâm lý bất an - Người dân nào đâu có sự lựa chọn (Kỳ II)

Cập nhật ngày: 28/05/2018 08:37 (Lượt xem: 956)
Để thịt “bẩn” có đất “sống” là do “lỗi” từ nhiều phía. Tuy nhiên, nguyên nhân rõ nét nhất vẫn là thiếu kinh phí, nguồn nhân lực và thiếu cả sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương. Thêm vào đó, sự hám lợi của người chăn nuôi và sự thiếu trách nhiệm của người giết mổ, kinh doanh sản phẩm động vật cũng khiến cho công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, sự thiếu hiểu biết và dễ dãi của người tiêu dùng cũng chính là thuận lợi cho thịt “bẩn” chiện diện trên mâm cơm của mỗi gia đình.

 

Những trở ngại không thể giải quyết trong một sớm, một chiều

 

Còn nhiều khó khăn trong công tác quản lý

Những năm qua, việc quản lý chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do nguồn nhân lực làm công tác tuyên truyền; thanh, kiểm tra trực tiếp tại các cơ sở chăn nuôi và kiểm soát giết mổ, kinh doanh sản phẩm động vật còn mỏng. Trung bình mỗi trạm chăn nuôi và thú y ở 9 huyện, thành, thị trong tỉnh chỉ có từ 2-3 người. Trong khi đó, hiện toàn tình có tới 752 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hằng năm, số đàn vật nuôi của tỉnh rất lớn, chỉ tính riêng lợn đã lên đến trên 600 nghìn con, đàn gia cầm trên 11 triệu con, đó là chưa kể số đàn trâu, bò và các loại vật nuôi khác. Theo đó, số sản phẩm thịt động vật được đưa ra thị trường mỗi ngày cũng rất “khủng” (theo các nhà chuyên môn, 1 người sử dụng hết khoảng 50kg thịt động vật/năm).

Bên cạnh đó, tỉnh ta vẫn chưa có phòng xét nghiệm để kiểm định các mẫu bệnh phẩm nên cơ quan chức năng của tỉnh phải thực hiện lấy mẫu rồi gửi đi xét nghiệm ở tận Hà Nội. Quá trình lấy mẫu, làm các xét nghiệm mất nhiều thời gian và chi phí khá cao (mỗi một mẫu lên đến hàng chục triệu đồng). Bà Trần Thị Thúy Nga, Trưởng phòng Quản lý thuốc và thức ăn chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho hay: Đối với việc quản lý chất cấm, sau khi có kết quả, nếu mẫu đó dương tính với chất cấm, thì chủ cơ sở chăn nuôi mới phải chịu chi phí, còn kết quả là âm tính thì ngành Thú y phải chịu toàn bộ chi phí. Vì thế, mỗi lần lấy mẫu xét nghiệm, chúng tôi phải cân nhắc rất kỹ.

Việc quản lý chăn nuôi đã khó, quản lý giết mổ còn khó hơn, bởi lẽ hầu hết các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư, nên công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và lấy mẫu gặp nhiều khó khăn. Phạm Quang Phúc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y: Theo quy định, việc giết mổ thịt động vật phải tiến hành đúng nơi quy định (tại các cơ sở giết mổ tập trung, nhỏ lẻ hoặc tạm thời). Để phát hiện những trường hợp giết mổ không đúng nơi quy định rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Chúng tôi là cơ quan chuyên môn nên chỉ có thể phối hợp kiểm tra và hướng dẫn xử lý các trường hợp vi phạm.

Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi thấy, phía các địa phương cũng gặp những khó khăn trong công tác quản lý giết mổ, kinh doanh thịt động vật. Đơn cử như ở phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên), là nơi có chợ đầu mối lớn của tỉnh. Mỗi ngày, dọc theo tuyến đường Bến Oánh (gần với khu vực chợ Túc Duyên) có đến hơn 100 quầy kinh doanh thịt gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, hầu hết số thịt này được giết mổ ở những nơi khác rồi mang về đây bán. Tại chợ Đại Từ, tình trạng cũng diễn ra như vậy. Theo ông Đặng Đình Lực, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ): Sản phẩm thịt động vật giết mổ ở nơi khác nên chúng tôi không nắm được địa điểm giết mổ có đúng nơi quy định hay không. Do đó, địa phương chỉ có thể phối hợp với lực lượng chức năng xử lý những hộ kinh doanh sản phẩm thịt không có dấu của cơ quan thú y.

Bên cạnh những khó khăn nêu trên thì trên thực tế, các địa phương vẫn chưa mạnh tay khi  xử lý các trường hợp vận chuyển, giết mổ, kinh doanh sản phẩm động vật không có nguồn gốc, không đúng nơi quy định. Việc xử lý các trường hợp vi phạm vẫn theo kiểu “giơ cao, đánh khẽ”. Thời gian qua, tại hầu hết các địa phương (cấp xã, phường, thị trấn trong tỉnh), không có trường hợp giết mổ động vật chưa đúng nơi quy định; vận chuyển, kinh doanh sản phẩm thịt động vật không rõ nguồn gốc; không có dấu của cơ quan thú y bị xử phạt hành chính...

Hám lợi và dễ dãi

Đây chính là hai thái cực mà một bên là những người chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh thịt động vật và một bên là người tiêu dùng. Lợi dụng việc nguồn kinh phí dành cho việc xét nghiệm các mẫu vật phẩm trong chăn nuôi còn hạn hẹp nên không ít cơ sở chăn nuôi lại vì hám lợi đã “tranh thủ” sử dụng các loại chất cấm trong chăn nuôi, nhất là chất tạo nạc, kích thích tăng trưởng. Qua đợt kiểm tra của cơ quan chức năng cách đây khoảng 2 năm đã phát hiện một số cơ sở có sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi lợn. Đó là cơ sở chăn nuôi của các ông: Trần Văn Hai, xóm Mãn Chiêm, xã Hồng Tiến (T.X Phổ Yên); Dương Văn Dậu, xóm Ngoài, xã Tân Đức (Phú Bình); Nguyễn Văn Năm, xóm U, xã Tân Hòa (Phú Bình)… Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nếu có điều kiện thường xuyên kiểm tra trên diện rộng, có thể sẽ có thêm những cơ sở bị phát sử dụng chất cấm, nhất là vào thời điểm giá bán thịt lợn hơi đang có chiều hướng tăng mạnh như hiện nay.

Cũng vì hám lợi nên người kinh doanh thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y đã bất chấp các quy định của cơ quan quản lý Nhà nước, lén lút cung cấp các loại chất cấm như tạo nạc, kích thích tăng trưởng... cho người chăn nuôi. Thậm chí để tăng doanh số bán hàng, một số cửa hàng không tư vấn mà bán các loại thuốc thú y, nhất là các loại kháng sinh theo yêu cầu của người chăn nuôi. Bà Trần Thị Thúy Nga cho rằng, người chăn nuôi thường có tâm lý nếu sử dụng đúng liều lượng, vật nuôi không phòng tránh hoặc khỏi được bệnh nên thường tự ý tăng liều lượng các loại thuốc thú y. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho tồn dư thuốc kháng sinh trên sản phẩm thịt động vật có nguy cơ tăng cao hơn mức cho phép.

Tương tự, nhiều hộ giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm cũng vì lợi nhuận mà làm ra những việc trái quy định như giết mổ chui để tránh sự kiểm tra, xử lý của các cấp, ngành chức năng; không đầu tư các dụng cụ giết mổ để tiết kiệm chi phí...

Bên cạnh những người tiêu dùng luôn lo lắng về chất lượng sản phẩm thịt động vật trên thị trường thì vẫn có không ít người tiêu dùng vô cùng dễ dãi trong lựa chọn sản phẩm thịt phục vụ bữa ăn hàng ngày. Đây chính là lý do để những sản phẩm thịt “bẩn” vẫn được tiêu thụ đều đặn trên thị trường. Minh chứng rõ nét nhất là ngay ở những nơi bán thịt động vật rất mất vệ sinh như trên nắp cống, ven đường... vẫn có người mua. Có mặt tại một nơi bán thịt lợn ngay trên đường Việt Bắc (T.P Thái Nguyên), chúng tôi cảm nhận rất rõ sự dễ dãi của người tiêu dùng. Trên tấm nilong trải ở lề đường, những miếng thịt lợn bám đầy bụi và đã thâm lại. Tuy nhiên, chỉ trong vòng nửa giờ đồng hồ, vẫn có đến hàng chục lượt người đến mua thịt. Chị Hà Thị Thanh, một người thường mua thịt ở đây nói: Do nơi này gần nhà nên tôi mua ở đây cho tiện. Có thể thịt không còn tươi mới, có dính chút bụi đường nhưng chỉ cần rửa kỹ và chế biến cầu kỳ một chút là có thể ăn.

Cách suy nghĩ đơn giản của chị Thanh và không ít người tiêu dùng dễ dãi khác chính là “con dao” vô hình đang từng ngày lặng lẽ đâm xuyên vào trong thân thể hộ, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của chính họ và những người thân trong gia đình họ. Bởi, những sản phẩm thịt rõ nguồn gốc, đóng gói cẩn thận để trong ngăn đá, khi ăn còn phải đưa vào ngăn mát của tủ lạnh giã đông, không được để ra ngoài không khí mới mong tránh bị nhiễm khuẩn. Huống hồ là khi thịt đã nhiễm khuẩn, dù có rửa sạch, chế biến kỹ vẫn mang đến những mầm bệnh làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Theo Báo Thái Nguyên điện tử
Các tin khác: