​Dịch tả lợn châu Phi không gây bệnh trên người

Cập nhật ngày: 12/03/2019 03:17 (Lượt xem: 963)
Trước những thông tin về việc dịch tả lợn châu Phi gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn nhanh ông Lý Văn Cảnh, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh về vấn đề dịch tả lợn châu Phi có khả năng lây sang người hay không?

Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh kiểm tra sản phẩm thực phẩm đóng túi, đồ hộp, thực phẩm qua chế biến bán tại siêu thị.

 

P.V: Trong những ngày gần đây, dư luận đang phân vân về dịch tả lợn châu Phi có khả năng lây sang người hay không? Là cơ quan chuyên môn Thường trực về an toàn thực phẩm (ATTP) của tỉnh, ông có thể cho biết rõ hơn về bệnh dịch này?

Ông Lý Văn Cảnh: Dịch tả lợn châu Phi do virus ASFV gây nên, có nguy cơ lây lan nhanh và rất khó kiểm soát. Nhưng qua các tài liệu nghiên cứu của cơ quan chuyên môn, chúng tôi khẳng định dịch tả lợn châu Phi hiện đã có ở các địa phương và ở tỉnh ta là không lây nhiễm hay đe dọa trực tiếp tới sức khỏe con người. Dịch tả lợn châu Phi nguy hiểm nhưng lại không lây sang người. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn, bệnh xảy ra ở mọi loại lợn, tỷ lệ chết cao (lên đến 100%). Theo thông cáo báo chí của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế): Dịch tả lợn châu Phi có tác nhân gây bệnh là virus nhưng khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn.

P.V: Ông có thể cho biết rõ hơn về virus ASFV?

Ông Lý Văn Cảnh: Loại virus này lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm virus như: chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm virus…

ASFV sống được rất lâu ở môi trường bình thường, virus có thể tồn tại trong tiết, dịch tiết, trong xác động vật, trong thịt và các sản phẩm từ thịt chưa nấu chín trong 3-6 tháng, sống được trong máu khô 70 ngày...Tuy nhiên, ASFV chịu nhiệt kém, tồn tại được 3 giờ khi nấu ở nhiệt độ 50 độ C, 20 phút trong nhiệt độ 60 độ C, 2 phút trong nhiệt độ 90 độ C và bị tiêu diệt dưới 1 phút khi đun sôi ở 100 độ C.

Trên thực tế, bệnh tả lợn châu Phi là dịch bệnh nguy hiểm cho ngành chăn nuôi. Nhưng thông tin về dịch bệnh này khiến nhiều người hoang mang. Tuy nhiên, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định dịch tả lợn châu Phi không gây bệnh ở người nên người dân không nên tẩy chay thịt lợn an toàn.

P.V: Vậy làm thế nào để có bữa ăn an toàn và vấn đề phòng ngừa, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi?

Ông Lý Văn Cảnh: Vấn đề chính là người dân phải hiểu và có trách nhiệm trong việc phòng chống, ngăn chặn dịch, hạn chế tối đa sự lây lan làm thiệt hại đến sản xuất, kinh tế. Dịch bệnh không gây bệnh sang người, nhưng thiếu trách nhiệm phòng chống thì sẽ thiệt hại trực tiếp đến nền sản xuất các vùng chăn nuôi. Virus ASFV này có thể sống sót trong xúc xích hun khói hoặc một phần xúc xích và các sản phẩm thịt lợn khác ở nhiệt độ thấp. Chính vì vậy, Ban Chỉ đạo ATVSTP tỉnh đã triển khai việc giám sát nguồn gốc, nguyên liệu chế biến các sản phẩm từ thịt lợn tại các cơ sở sản xuất. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo tỉnh đã chỉ đạo các địa phương vừa tuyên truyền, vừa yêu cầu người dân chăn nuôi thực hiện 5 không: Không giấu dịch; không mua bán lợn bị bệnh; không giết mổ, mua bán lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý làm cám cho lợn. Đặc biệt là kiểm soát thông tin để cùng ngăn ngừa và nêu cao tinh thần chủ động kiểm soát ngay từ bữa ăn hàng ngày trong mỗi gia đình.

Chúng tôi khuyến cáo người dân cần nấu chín thịt lợn trước khi ăn, tránh đi vào vùng dịch, nếu phát hiện lợn chết thì phải báo ngay cho cơ quan chức năng. Do dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây sang người nên người tiêu dùng không nên lo sợ, không tẩy chay sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Theo Báo Thái Nguyên điện tử
Các tin khác: