“Bí quyết” tạo sự đồng thuận

Cập nhật ngày: 30/11/2020 03:32 (Lượt xem: 968)
Đi khắp các tuyến đường từ trung tâm xã đến các xóm của xã miền núi Minh Đức (T.X Phổ Yên), chúng tôi đều cảm nhận được sức sống mới đang hiện hữu trên vùng quê nơi đây. Kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp; màu xanh mướt mắt trải dài tít tắp của những vườn cây ăn quả, những đồi chè thay thế cho vườn tạp, đất bỏ hoang để cỏ mọc trước kia. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đào Đình Xuyên, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Luôn sâu sát, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để tuyên truyền, vận động, đó là “bí quyết” tạo sự đồng thuận giúp cho phong trào “Dân vận khéo” tại Minh Đức đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực…”.

Xã viên tổ HTX chè VietGAP xóm Lầy 6, xã Minh Đức (T.X Phổ Yên) thu hái chè

 

Tổ dân vận xóm - “cánh tay nối dài của Đảng”

Vài năm trở lại đây, đời sống người dân xóm Thuận Đức, xã Minh Đức khá lên vì được mùa nông sản. Đến thăm mô hình “Vườn cây ăn quả” của gia đình ông  Phạm Văn Trinh, chúng tôi bị choáng ngợp bởi vườn nhãn, bưởi, ổi, cam… đang cho quả sai trĩu trịt, quả nào quả nấy căng mọng sắp đến vụ thu hoạch, hứa hẹn vụ mùa bội thu. Mời chúng tôi thưởng thức trái ngọt của vườn nhà, ông Trinh vui lắm, ông bảo: “Gia đình tôi và các hộ dân Thuận Đức có cơ ngơi đàng hoàng hơn nhờ được tuyên truyền, vận động. Từ vườn tạp không hiệu quả, tôi chuyển toàn bộ sang vườn cây ăn quả, nuôi ong lấy mật. Hiện tại, gia đình tôi đang sở hữu hơn 1.000 gốc nhãn muộn Hưng Yên trồng theo quy trình VietGAP, tuổi từ 10 đến 20 năm. Ngoài ra, còn có khoảng 300-400 cây bưởi Diễn, 200 cây ổi lê Đài Loan, 100 cây cam đường… Do nuôi ong mà các loại cây ăn quả trong vườn tăng khả năng thụ phấn, tạo nhiều quả hơn, ong giúp xua đuổi sâu gây hại, giảm bớt việc phun thuốc trừ sâu, chất lượng mật ong đạt cao, quả sạch, an toàn cho sức khỏe. Vụ này chỉ tính riêng nhãn được mùa lớn, sản lượng dự kiến thu từ 20-30 tấn quả, với giá bán dao động từ 15.000 - 25.000 đồng/kg. Với tổng diện tích 3ha, mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với nuôi ong lấy mật của gia đình tôi cho thu nhập bình quân khoảng 600 triệu đồng, sau khi trừ chi phí cho thu lãi hơn 300 triệu đồng/năm”. 

Vườn cây ăn quả rộng 3 ha của ông Phạm Văn Trinh ở xóm Thuận Đức, xã Minh Đức (T.X Phổ Yên) cho thu nhập bình quân khoảng 600 triệu đồng/năm.

Không chỉ gia đình ông Trinh, những năm gần đây, 80/108 hộ ở xóm Thuận Đức đã bắt tay vào chuyển đổi diện tích đất đồi cằn cỗi cho hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả. Đơn cử như gia đình ông Phạm Văn Xuất có 1,4ha trồng cam Vinh và bưởi da xanh. Chỉ tính riêng thu nhập từ cây cam đã đem lại cho gia đình ông Xuất thu nhập bình quân từ 200-300 triệu đồng/năm. Gia đình ông Nguyễn Văn Hằng có 1,2ha trồng khoảng 70 gốc bưởi Hoàng và gần 100 gốc ổi, táo đào vàng … cho thu nhập ổn định khoảng 100-150 triệu đồng/năm… Đến nay, diện tích cây ăn quả của xóm là 15ha, bước đầu hình thành vùng sản xuất cây ăn quả tập trung của xã. Sản phẩm làm ra luôn đảm bảo chất lượng, được người dân tin tưởng, thương lái ở trong và ngoài tỉnh đến tận vườn thu mua. 

Bám sát nghị quyết của Đảng ủy, Chi bộ, tổ dân vận xóm với 11 thành viên luôn duy trì sinh hoạt đều đặn, mỗi tổ viên được phân công phụ trách theo từng khu vực, đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà để lắng nghe tâm tư, hướng dẫn bà con cách phát triển kinh tế, cách thay đổi thói quen sản xuất theo hướng an toàn, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học mà chuyển sang các chế phẩm sinh học và đảm bảo thời gian cách ly 15-20 ngày trước khi thu hái và tiêu thụ. Cũng nhờ được tuyên truyền, các hộ dân đã nêu cao ý thức chủ động, tự giác trong việc phòng chống dịch COVID-19, không xả rác thải bừa bãi, tự thu gom các chai lọ, bao bì để đúng nơi quy định, chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường” - anh Nguyễn Mạnh Cường, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân vận (TDV) xóm Thuận Đức chia sẻ.

Thuận Đức là một trong những TDV điển hình của xã thực hiện tuyên truyền, vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Với 21 TDV trong toàn xã, mỗi tổ có từ 07-11 thành viên, trong đó, Bí thư Chi bộ giữ vai trò Tổ trưởng, Phó Bí thư, Trưởng thôn làm Tổ phó, còn Trưởng ban Công tác Mặt trận, trưởng các tổ chức đoàn thể, Công an viên và người có uy tín làm thành viên, thông qua việc áp dụng linh hoạt nhiều hình thức tuyên truyền, qua buổi họp chi bộ hay thông báo trên loa truyền thanh, tại các buổi họp chợ hoặc tổ chức tuyên truyền lồng ghép dịp Tết cổ truyền, các ngày lễ lớn, ngày hội đại đoàn kết... TDV tại các xóm chính là “cánh tay nối dài” của Đảng để đưa “ý Đảng đến với lòng dân”, góp phần đưa chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống.

Toàn xã Minh Đức hiện có 136ha cây ăn quả các loại, tập trung chủ yếu ở các xóm: Thuận Đức, Lầy 5 và Lầy 6. Do phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, các sản phẩm cây ăn trái đều cho ra sản phẩm đạt chất lượng và có dư vị độc đáo riêng của vùng miền. Xã đã phối hợp với Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp - PTNT) xây dựng dự án quy hoạch vùng sản xuất cây ăn quả tập trung quy mô 10ha tại xóm Thuận Đức và một số xóm có diện tích cây ăn quả lớn ở địa phương.
Cùng với trồng cây ăn quả, xã Minh Đức đã vận động bà con chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng từ các loại cây có giá trị kinh tế thấp như sắn, khoai lang sang trồng chè cành giống mới, cho năng suất, chất lượng cao, chủ yếu các giống: LDP1, TRI 777, Phúc Vân Tiên... Hiện nay, với 200,7 ha trồng chè thì có trên 90 % diện tích trồng chè của xã đã được chuyển sang các giống chè cành, năng xuất đạt 120 tạ/1 ha chè búp khô, sản lượng đạt khoảng 21,68 tấn chè búp khô/năm. Xã đã hình thành 03 tổ hợp tác xã sản xuất chè chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP tại xóm Lầy 5, Lầy 6 gồm 71 thành viên, với diện tích chè 20 ha. Với giá bán bình quân 130.000-170.000 đồng/kg, cây chè đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Khơi sức dân trong phong trào xây dựng nông thôn mới

“Dân vận khéo” trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), cả hệ thống chính trị của xã được huy động vào cuộc để tuyên truyền, vận động Nhân dân phát huy nội lực. Thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, cấp ủy, Ban Công tác Mặt trận các xóm tạo điều kiện để người dân được bàn bạc dân chủ, công khai, được làm, được kiểm tra, giám sát những công việc của xóm, xã, thực hiện tốt vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Khi quyền làm chủ được phát huy, bà con đã hiểu rõ trách nhiệm và quyền lợi của mình, cùng chung sức, chung lòng xây dựng NTM.

Phong trào hiến đất, đối ứng và ủng hộ tiền của để phát triển hạ tầng nông thôn lan tỏa mạnh mẽ trên toàn bộ 21/21 xóm, điển hình như các xóm: Hồ 1, Đậu, Chằm 7A, 7B, 7C và các xóm khu Đầm Mương. Xuất hiện nhiều tấm gương điển hình hiến đất hoặc ủng hộ tiền của để làm đường, làm nhà văn hóa, tiêu biểu như các gia đình: ông Nguyễn Văn Đoàn, Trần Văn Vinh, anh Phạm Văn Lâm, Lê Văn Trình…  Để xây dựng NTM, bà con Minh Đức đồng thuận hiến gần 33.000m2 đất (trên 2.200m2 đất thổ cư); tháo dỡ hơn 1.000m tường rào xây; chặt hàng nghìn cây xanh và tham gia hàng chục nghìn ngày công, đóng góp trên 20 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng. 

Cuối năm 2018, Minh Đức tự hào được công nhận là xã NTM với tổng kinh phí huy động các nguồn lực thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM của xã là trên 152 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Nhà nước trên 30 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn hợp pháp khác. Đến nay, 100% tuyến đường từ trung tâm xã tới các thôn, xóm đã được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% đường trục xóm, liên xóm được cứng hóa; 17 nhà văn hóa xóm được xây mới, nâng cấp, sửa chữa đạt chuẩn. Đời sống kinh tế của người dân chuyển biến ngày càng rõ nét, nếu thu nhập bình quân đầu người năm 2011 chỉ đạt 17 triệu đồng/người/năm thì nay đạt 46,25 triệu đồng/người/năm; số hộ có mức sống khá tăng nhanh trong khi tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 24% năm 2011 xuống còn 2,1% năm 2020. 

Phát huy những kết quả đạt được, để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí hướng tới xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, thời gian tới, Minh Đức tiếp tục thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

http://www.baothainguyen.org.vn/tin-tuc/nong-nghiep/%E2%80%9Cbi-quyet%E2%80%9D-tao-su-dong-thuan-277131-46244.html
Các tin khác: