Đầu năm học mới, Bộ GDĐT "chỉ đạo nóng" về học phí, thu chi trong nhà trường

Cập nhật ngày: 14/08/2024 09:07 (Lượt xem: 110015)
Bộ GDĐT cho biết, tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, quán triệt, phổ biến rộng rãi các văn bản chỉ đạo chấn chỉnh thực hiện các khoản thu, chi đến các cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý giáo dục.

Phụ huynh làm thủ tục đăng ký cho con vào lớp 1 ở Hà Nội. Ảnh minh họa: Tào Nga

Chỉ đạo về công tác thu - chi đầu năm học

Thông tin về công tác chuẩn bị năm học mới 2024-2025, Bộ GDĐT cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Bộ GDĐT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành quy định về mức thu học phí, quản lý học phí; hướng dẫn thực hiện chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và thực hiện thanh tra, kiểm tra theo quy định.

Đối với học phí từ năm học 2023-2024 và tiếp đến là năm học 2024-2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 97/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP. Trong đó quy định: Tiếp tục giữ ổn định học phí của cơ sở GDMN, GDPT công lập từ năm học 2023-2024 bằng học phí năm học 2021-2022.

Đối với học phí của cơ sở GDNN và GDĐH công lập, mức học phí các trường thực hiện theo mức trần học phí năm học 2023-2024 quy định tại Nghị định số 97/2023/NĐ-CP (lùi lộ trình học phí 1 năm so với quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP); tương tự mức trần học phí năm học 2024-2025 có điều chỉnh tăng so với mức trần học phí năm học 2023-2024 do lộ trình học phí đã lùi lại quá dài, các cơ sở giáo dục đại học đang gặp nhiều khó khăn trong cân đối thu-chi. Việc tăng học phí này là tăng theo lộ trình đã được điều chỉnh theo tình hình thực tiễn, xin ý kiến các địa phương và các bộ ngành và đánh giá kỹ lưỡng tác động CPI hàng năm nhằm thực hiện tự chủ đại học và lộ trình tính giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục theo tinh thần của Nghị quyết 19/NQ-TW.

Để hướng dẫn các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý thu - chi tại các cơ sở giáo dục, hằng năm, Bộ GDĐT đều ban hành văn bản gửi các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương và các cơ sở giáo dục, trong đó, đã nêu rõ trách nhiệm của các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cần phải thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.

Ngày 13/5, Bộ GDĐT đã có Công văn số 2179/BGDĐT-KHTC gửi các Bộ, cơ quan Trung ương (có cơ sở giáo dục trực thuộc) và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo năm học 2024-2025. Đến ngày 11/7, Bộ GDĐT có Công văn số 3476/BGDĐT-KHTC báo cáo Thủ tướng Chính phủ đánh giá tác động của việc điều chỉnh học phí năm học 2024-2025 đến chỉ số giá tiểu dùng CPI năm 202413.

Bộ GDĐT cũng tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, quán triệt, phổ biến rộng rãi các văn bản chỉ đạo chấn chỉnh thực hiện các khoản thu, chi đến các cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý giáo dục; yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ biến, tuyên truyền cho cha mẹ học sinh, ban đại diện cha mẹ học sinh, giáo viên hiểu rõ quy định, từ đó thực hiện quyên góp, ủng hộ trên cơ sở tự nguyện, công khai minh bạch giữa phụ huynh và cơ sở giáo dục theo đúng quy định.

Tình hình đội ngũ giáo viên trước năm học mới

Tính đến hết năm học 2023-2024, tổng số giáo viên cả nước là 1.251.377 giáo viên. So với năm học 2022-2023, số lượng giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông tăng thêm 17.253 giáo viên.

Năm học 2023-2024, cả nước đã tuyển dụng được 19.474 giáo viên. Tuy nhiên, số học sinh không ngừng tăng dẫn đến số lớp tăng, dẫn đến số giáo viên còn thiếu vẫn còn nhiều và ở hầu hết các địa phương. Đối với năm học 2024-2025, theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, do số học sinh tiếp tục tăng dẫn đến số lớp tăng (mầm non tăng 2.327 nhóm lớp, phổ thông tăng 7.150 lớp), khiến tình trạng thiếu giáo viên tiếp tục diễn ra ở nhiều địa phương.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Bộ GDĐT và các địa phương sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp về hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đãi ngộ, tuyển dụng, sử dụng, tôn vinh nhà giáo; tăng cường tuyển dụng số lượng biên chế giáo viên đã được cấp; thực hiện phân cấp quản lý một cách hợp lý, tăng quyền chủ động cho cơ sở để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và phát triển đội ngũ giáo viên hiệu quả, bền vững và chất lượng...

Nhà xuất bản Giáo dục đã thực hiện giảm giá sách giáo khoa phục vụ năm học 2024-2025. Theo đó, giá bìa mới của các cuốn sách giáo khoa tái bản các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam áp dụng từ năm học 2024-2025 được điều chỉnh giảm so với các năm trước. Đối với sách giáo khoa các lớp 5, 9, 12 xuất bản lần đầu từ năm học 2024-2025, Nhà xuất bản cũng đã xây dựng và hoàn thành kê khai giá sách giáo khoa theo cơ cấu giá đã giảm ở các lớp tái bản.

https://www.baothainguyen.vn/giao-duc/202408/dau-nam-hoc-moi-bo-gddt-chi-dao-nong-ve-hoc-phi-thu-chi-trong-nha-truong-7c01553/
Các tin khác: