Đưa nông sản Thái Nguyên vươn xa trên nền tảng số
Cập nhật ngày: 05/02/2025 06:48 (Lượt xem: 110002)Cuộc sống ở quê bình dị trong các video trên trang tiktok, youtube của Nguyễn Hải Yến, xã La Bằng (Đại Từ). |
Nổi tiếng hơn nhờ các Tiktoker
Hành trình vươn tới nhiều thị trường trong nước của sản phẩm trà La Bằng, bột matcha trà xanh, kẹo lạc trà xanh Đại Từ thông qua Nguyễn Hải Yến (sinh năm 1995) tại xã La Bằng (Đại Từ) là một câu chuyện thú vị. Yến là người sáng tạo nội dung và quản lý 2 kênh Tiktok “Làm dâu xứ Trà”, “Vườn của Yến” và kênh Youtube cùng tên. Những clip được đầu tư công phu với nội dung giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản địa phương của Yến hiện nổi tiếng trên Tiktok và Youtube.
Sản phẩm trà, bột matcha trà xanh được giới thiệu trên trang tiktok, youtube của Nguyễn Hải Yến, xã La Bằng (Đại Từ). |
Những câu chuyện về đồi chè xanh, quy trình sản xuất bột matcha trà xanh, kẹo lạc trà xanh, bánh chè lam từ trà… hiện lên rất đỗi chân thật, mộc mạc qua lăng kính của Yến. Ngoài ra, những clip đăng tải về công việc nông thôn, công việc ruộng đồng như hái chè, trồng rau, nấu ăn, chăm sóc gia đình... làm người xem cảm nhận được cuộc sống ở quê yên bình cũng thu hút được đông đảo bình luận tích cực. Từ những video với nội dung bình dị này khi được đăng tải lên mạng xã hội, số lượng người theo dõi ngày càng tăng, đồng thời kéo theo số lượng đơn hàng ngày càng nhiều.
Hình ảnh làm bánh chè lam từ trà xanh trong các video trên trang tiktok, youtube của Nguyễn Hải Yến, xã La Bằng (Đại Từ). |
Yến chia sẻ: Bột matcha do xưởng sản xuất được nghiền bằng cối đá granit nên giữ được 95% dưỡng chất lá trà, đặc biệt thơm, ngon, màu xanh non bắt mắt hơn so với sản phẩm được nghiền công nghiệp. Nhận thấy các sản phẩm trà La Bằng, bột matcha trà xanh, kẹo lạc trà xanh có thể vươn xa, tôi đã xây dựng các nội dung giới thiệu sản phẩm để đưa lên mạng xã hội quảng bá.
Tôi cũng chủ động tham gia các lớp tập huấn, tìm hiểu về chuyển đổi số. Từ đó, xây dựng các kênh bán hàng qua mạng xã hội như Tiktok, Youtube, Facebook… để quảng bá về sản phẩm và tư vấn bán hàng một cách chuyên nghiệp. - Nguyễn Hải Yến
Nhờ mạng xã hội, các thương hiệu nông sản của Đại Từ đã được người tiêu dùng trong nước đón nhận. Hiện nay, trên giỏ hàng Tiktok và Youtube shop của Nguyễn Hải Yến đã có trên 15.000 lượt mua hàng và đều có sự phản hồi tích cực.
Khoai xanh Phú Ninh gây "sốt"
Chỉ với một chiếc Smartphone quay clip và livestream trên các nền tảng số, Nguyễn Văn Sơn (sinh năm 1998) tại Phú Ninh, Phú Đình (Định Hóa) khiến nhiều người ngạc nhiên khi rất thành công trong việc quảng bá và kinh doanh nông sản địa phương. Tuổi thơ của Sơn chứng kiến công việc cực nhọc của người trồng chè, song gặp rất nhiều khó khăn khi tiêu thụ sản phẩm; giá cả bấp bênh, đầu ra thiếu ổn định. Cũng trong thời điểm đó, mạng xã hội Tiktok đang nổi lên như một xu thế mới trong việc bán hàng trực tuyến. Sơn quyết định nghiên cứu và học cách sản xuất các video ngắn giới thiệu về đặc sản quê nhà, chủ yếu là bán chè, măng và đặc biệt là khoai xanh.
Nguyễn Văn Sơn, tại xóm Phú Ninh, Phú Đình (Định Hóa), khiến nhiều người ngạc nhiên khi rất thành công trong việc quảng bá và kinh doanh nông sản địa phương. |
Các video của Sơn không chỉ giới thiệu về hương vị đặc trưng của từng đặc sản mà còn kể những câu chuyện thú vị về quê hương, nhờ đó, lượng người theo dõi kênh Tiktok tăng lên nhanh chóng. Hiện kênh Tiktok “Anh nông dân đất trà” của anh đã thu hút được hơn 57.000 lượt theo dõi, mang lại cho anh thu nhập ổn định từ việc bán chè, măng và đặc biệt là khoai xanh với doanh thu mỗi tháng lên tới 60 triệu đồng. Thành công bước đầu này đã khích lệ anh tiếp tục con đường quảng bá đặc sản Thái Nguyên.
Sơn tâm sự: Giới thiệu, quảng bá các sản phẩm hàng hóa nói chung và các sản phẩm nông sản quê hương nói riêng là một xu thế tất yếu trong xã hội hiện nay và người trẻ không thể đứng ngoài cuộc. Mỗi video làm ra, tôi đều phải lên ý tưởng từ trước, nội dung vừa vui vẻ, hài hước nhưng cũng phải truyền tải thông điệp lành mạnh, để thu hút và tạo giá trị cho người xem.
Tôi mong rằng, việc tận dụng lợi thế của mạng xã hội để quảng bá đặc sản quê hương sẽ có thêm nhiều bạn trẻ Thái Nguyên áp dụng. - Nguyễn Văn Sơn
Với sự thành công trên Tiktok, Sơn đã giúp bà con địa phương tiêu thụ nhiều sản phẩm nông sản, đặc biệt là sản phẩm khoai xanh hiện đang gây "sốt" trên tiktok. Vụ khoai vừa qua, Sơn đã livestream bán được gần 4 tấn, mang lại nguồn thu nhập lớn cho mình và các hộ nông dân trong vùng. Hiện tại, Sơn không chỉ dừng lại ở việc bán trà và khoai xanh, anh còn muốn mở rộng danh mục nông sản để giúp nhiều hộ nông dân hơn nữa có đầu ra ổn định. Sơn dự định sẽ nhân rộng diện tích trồng khoai xanh và phát triển thêm các sản phẩm khác như rau ngót rừng, măng và các loại nông sản đặc sản khác của Định Hóa quê hương mình.
Nâng tầm nông sản địa phương
Sau 4 năm kinh doanh online các món ăn tự chế biến được thị trường đón nhận, năm 2023, Bùi Thị Hải Yến (sinh năm 1994), Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và thương mại, dịch vụ Bản Việt, đang định hướng xây dựng thương hiệu OCOP cho sản phẩm cơm cháy và nuôi ý tưởng qua mạng xã hội sẽ đưa sản phẩm này vươn tầm quốc tế.
“Vì đam mê với nấu ăn từ bé nên tôi đã làm những món bánh để kinh doanh. Tôi chủ yếu bán qua mạng xã hội Facebook và không ngờ những món ăn làm ra lại được thị trường cũng như người tiêu dùng đón nhận và phản hồi tích cực” - Hải Yến tâm sự. Đó cũng là lý do chị bén duyên và quyết định gắn bó lâu dài với công việc này.
Là một người có sở thích với món cơm cháy, lại tình cờ được một người quen dạy làm món ăn này, nên cô gái trẻ Hải Yến đã quyết tâm đi học. Khi đã xác định gắn bó với sản phẩm cơm cháy để đưa ra thị trường số lượng lớn, tháng 4-2023, Hải Yến quyết định thành lập Hợp tác xã (HTX) Bản Việt tại xã Bảo Lý, đầu tư dây chuyền, công nghệ sản xuất tại TP. Thái Nguyên. Vùng nguyên liệu chính là gạo nếp thầu dầu Úc Kỳ (Phú Bình).
Bên cạnh bán tại chỗ, bán online trên Facebook, HTX còn đang xây dựng một kênh Website để bán hàng và giới thiệu sản phẩm trên đó, góp phần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Hải Yến cũng thường xuyên liên kết với các hợp tác xã có sản phẩm OCOP và đưa lên mạng xã hội để nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm. Trong tương lai, cô gái trẻ có định hướng mở rộng thị trường, tạo thương hiệu riêng cho nông sản bản địa, góp phần giúp bà con từng bước phát triển kinh tế và làm giàu tại quê hương.
Hải Yến chia sẻ: Trong dịp Tết này, HTX còn đưa ra thị trường những mẫu quà tặng là tổng hợp các sản phẩm của vùng miền, nông sản, đặc sản địa phương được 'khoác áo mới' với bao bì mẫu mã lịch sự, sang trọng để làm quà biếu tặng. Mục đích chính của tôi quảng bá, tiêu thụ các nông sản tại địa phương, quảng bá đặc sản đặc trưng, văn hóa ẩm thực vùng miền, do HTX và bà con địa phương sản xuất, giúp đưa sản phẩm nông sản đặc trưng, thực phẩm chất lượng của mình tới với hàng triệu khách hàng trên toàn quốc thông qua nền tảng bán hàng trực tuyến.