Nỗ lực cao nhất để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 từ 8,3 đến 8,5%

Cập nhật ngày: 16/07/2025 02:46 (Lượt xem: 8270)
Sáng 16/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 và các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Bí thư Đảng ủy Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các ngân hàng thương mại, tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Hội nghị được truyền trực tuyến đến 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, kết nối với các xã, phường, đặc khu.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hội nghị này cùng nhìn lại đánh giá và thảo luận tình hình phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phấn đấu quyết liệt hoàn thành cao nhất mục tiêu tăng trưởng trên 8% như Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo.

Thủ tướng nêu rõ, từ đầu năm đến nay, chúng ta đã và đang thực hiện rất nhiều nhiệm vụ mang tính đột phá, chiến lược, cơ bản cả trước mắt và lâu dài: thực hiện cuộc cách mạng sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp lại giang sơn đã và đang tiến hành suôn sẻ dù gặp không ít khó khăn; Chính phủ đã đề xuất Bộ Chính trị ban hành 4 Nghị quyết quan trọng gồm Nghị quyết 57, 59, 66 và 68-NQ/TW – bộ tứ trụ cột; hiện nay Chính phủ đang xây dựng để trình cấp thẩm quyền các Nghị quyết liên quan giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Như vậy, chúng ta sẽ có các định hướng lớn của Bộ Chính trị để bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc phát triển văn minh, thịnh vượng. Tình hình thay đổi thì nhiệm vụ, tổ chức, con người, cán bộ phải thay đổi.

Thủ tướng nêu rõ, từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã có quá nhiều khó khăn, thách thức to lớn như đại dịch Covid-19, xung đột, chiến tranh, cạnh tranh địa chính trị, cạnh tranh thương mại, đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất gây khó khăn cho sản xuất trong nước; thiên tai khốc liệt, biến đổi khí hậu…

Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường vừa qua, chúng ta cũng tự hào, tự tin dưới sự lãnh đạo của Đảng, thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước đây, nay là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, cả nước giữ ổn định kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; bảo đảm thị trường lao động; kiểm soát nợ công, nợ Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đời sống nhân dân được nâng lên, năm sau cao hơn năm trước… bảo đảm các mục tiêu cơ bản mà Đảng đã đề ra.

Đây là thành tựu rất đáng mừng, qua đó thấy được các bài học kinh nghiệm như nắm chắc tình hình, phản ứng linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Từ đó để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để vượt qua khó khăn với tinh thần càng áp lực, càng nỗ lực. Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã xác định năm nay phải đạt mức tăng trưởng từ 8% trở lên. Vừa qua, dưới sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, 2 quý đầu năm đã đạt mức tăng trưởng 7,52%, bảo đảm kịch bản đã đưa ra.

Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm còn nhiều khó khăn, nhất là khó khăn nội tại nền kinh tế. Do đó, chúng ta phải phân tích, thảo luận, đánh giá để tìm ra giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tìm ra cơ cấu, mô hình tối ưu nhất trong bối cảnh quốc tế, cũng như nội tại nền kinh tế nước ta là nền kinh tế đang phát triển, đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn. Do đó, phải có giải pháp để xử lý, cơ cấu lại các động lực tăng trưởng truyền thống như tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số…

Các thành viên Chính phủ, các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng nhấn mạnh, cả hệ thống chính trị phải hành động, nếu không hành động, không đồng bộ, không chuyên nghiệp không cùng một hướng thì không có sức mạnh tổng hợp. Vì vậy, tại hội nghị này, Chính phủ đưa ra con số cụ thể là cả nước cần đạt mức tăng trưởng năm 2025 khoảng 8,3-8,5%, tạo nền tảng vững chắc đạt tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026-2030, qua đó đạt 2 mục tiêu chiến lược phát triển 100 năm.

Chúng ta phải thảo luận 2 quý còn lại có thể đạt mức tăng trưởng 8,3-8,5% không? Muốn đạt được mục tiêu này thì phải làm gì? Từ đó, phải xác định các trụ cột tăng trưởng, các động lực tăng trưởng; cả hệ thống chính trị đều phải vào cuộc; các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị tập đoàn kinh tế, các thành phần kinh tế kể cả thành phần kinh tế tư nhân đều phải nỗ lực, đều phải tiến lên để đạt tăng trưởng 8,3-8,5% năm nay, mục tiêu trên, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế để giai đoạn 2026-2030 đạt mức tăng trưởng 2 con số.

Đại diện lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tham dự hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng yêu cầu phải phân tích, đánh giá bối cảnh thế giới để có giải pháp ứng xử như thế nào? Nội tại nền kinh tế như vậy thì phải có giải pháp trước mắt và lâu dài như thế nào? Phải cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo tinh thần mới, tình hình mới, từ đó cởi nút thắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc như thế nào, đặc biệt là thúc đẩy các động lực tăng trưởng; từ đó, các tỉnh, thành phố, xã, phường, đặc khu cũng phải tăng trưởng như thế nào? Khai thác nguồn lực tăng trưởng của đất nước như thế nào? Theo Thủ tướng, chỉ có bảo đảm tăng trưởng kinh tế thì mới có tiềm lực củng cố an ninh quốc phòng.

Hội nghị được truyền trực tuyến đến Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các xã, phường, đặc khu trên cả nước. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta cần đồng lòng, quyết chí, đồng tâm, thống nhất nhận thức, hành động để bảo đảm mục tiêu mà Đảng, Quốc hội đã đề ra. Thủ tướng mong các đại biểu nghiên cứu kỹ, đóng góp ý kiến chất lượng, đi thẳng vào vấn đề trọng tâm. Sau cuộc họp này, Chính phủ sẽ có một Nghị quyết mới về giao chỉ tiêu tăng trưởng cho các địa phương.

 
Nguồn thainguyen.gov.vn
Các tin khác: