Thái Nguyên nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến: Vì nền “hành chính phục vụ”

Cập nhật ngày: 03/01/2025 05:47 (Lượt xem: 110007)
Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến được tỉnh Thái Nguyên xác định là một nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số. Vì vậy, một loạt giải pháp, chỉ tiêu cụ thể đã được UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng, triển khai nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo đúng tinh thần “hành chính phục vụ”.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng chủ trì cuộc họp về giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến, ngày 24/9/2024.

Nghị quyết số 01/NQ-TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên về Chương trình chuyển số (CĐS), giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030, xác định mục tiêu cơ bản đến năm 2025: trên 90% tổng số hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, trên 80% tổng số hồ sơ công việc tại cấp huyện và trên 60% tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng, trừ những hồ sơ thuộc phạm vi bí mật nhà nước.

Nhằm cụ thể hóa mục tiêu này, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành nhiều kế hoạch; phê duyệt Danh mục dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), công bố 932 DVCTT toàn trình, 718 DVCTT một phần; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định mức thu phí đối với hoạt động cung cấp DVCTT toàn trình theo hướng giảm mức thu để khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp.

Gần đây nhất, ngày 27/11/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 222 về nâng cao chất lượng, hiêu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2024-2025 (Kế hoạch 222).

Cán bộ tại Bộ phận Một cửa huyện Phú Bình giải quyết thủ tục hành chính.
Cán bộ tại Bộ phận Một cửa huyện Phú Bình giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: T.L

Kế hoạch 222 đặt ra yêu cầu triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp DVCTT của tỉnh, đảm bảo 100% thủ tục hành chính (TTHC) đủ điều kiện được triển khai DVCTT toàn trình, hướng đến đơn giản hóa thành phần hồ sơ và tối ưu hóa quy trình giải quyết; giảm thời gian, phí, lệ phí trên môi trường điện tử để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi và trên các phương tiện truy cập khác nhau.

Tập trung triển khai cung cấp 100% DVCTT toàn trình, một phần, dịch vụ cung cấp thông tin trực tuyến trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Thái Nguyên và đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia; cung cấp các tiện ích: thanh toán trực tuyến, chứng thực điện tử, ký số… tiến đến tiếp nhận, xử lý đồng bộ các hồ sơ đủ điều kiện không nhận hồ sơ giấy.

Hoạt động tại Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) TP. Phổ Yên. Ảnh T.L
Hoạt động tại Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) TP. Phổ Yên. Ảnh T.L

Mục tiêu đến hết năm 2025:

- 100% biểu mẫu điện tử được cập nhật trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Thái Nguyên.

- 100% dịch vụ công trực tuyến được thiết kế, thiết kế lại nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng.

- 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả hệ thống của các cấp chính quyền.

- 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

- 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến, người dân chỉ phải nhập dữ liệu một lần.

- Cung cấp 76/76 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06.

- Hoàn thành kho dữ liệu số phục vụ giải quyết thủ tục hành chính.

- Thí điểm đưa 10 thủ tục hành chính lên ứng dụng C-Thái Nguyên.

- Thiết lập đường dây nóng, tổng đài hỗ trợ 24/7 về sử dụng dịch vụ công trực tuyến…

Để hoàn thành những mục tiêu cụ thể đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành chủ trì, phối hợp với Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tập trung rà soát, tái cấu trúc quy trình, thành phần hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền để triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình theo hướng đơn giản, thuận tiện, người dân không phải khai báo lại các thông tin, dữ liệu cho cơ quan nhà nước.

Hướng tới cắt giảm quy trình, thành phần hồ sơ của thủ tục hành chính, đề xuất cơ quan có thẩm quyền đơn giản hóa theo quy định; hoàn thiện, nâng cấp Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh (đưa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Thái Nguyên lên nền tảng điện toán đám mây, xây dựng biểu mẫu điện tử tương tác, xây dựng kho dữ liệu số, triển khai nền tảng khảo sát ý kiến của người dân và doanh nghiệp…); tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao chất lượng cung cấp, sử dụng DVCTT.

Cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến toàn trình trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Ảnh T.L
Cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến toàn trình trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Ảnh T.L

Với vai trò “chủ công” trong việc tham mưu xây dựng và triển khai Kế hoạch 222, Sở Thông tin và Truyền thông được UBND tỉnh giao thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị; giao nhiệm vụ cho các tổ công nghệ số cộng đồng “đi từng ngõ, gõ từng nhà” hướng dẫn, hỗ trợ từng người dân tự sử dụng DVCTT, đảm bảo mỗi hộ có ít nhất một người biết cách sử dụng tài khoản VneID, đăng nhập và sử dụng DVCTT trên các cổng dịch vụ công…

Các sở, ban, ngành, địa phương đều có trách nhiệm vào cuộc triển khai đồng bộ các giải pháp và những nhiệm vụ cụ thể đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng quy định.

Nghị quyết số 188/NQ-CP ngày 11/10/2024 của Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện DVCTT toàn trình; phấn đấu đến hết năm 2025, khối địa phương đạt tối thiểu 70% hồ sơ dịch vụ công của người dân, doanh nghiệp được xử lý trực tuyến toàn trình.

Trên cơ sở nền tảng vững chắc là những kết quả trong công tác CĐS và cải cách hành chính những năm gần đây, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự quan tâm vào cuộc của tất cả các cấp, ngành, bằng nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp và những mục tiêu cụ thể như trên, Thái Nguyên phấn đấu đến hết năm 2025 đạt tối thiểu 80% hồ sơ dịch vụ công được xử lý trực tuyến toàn trình, cao hơn chỉ tiêu Chính phủ giao 10%.

Nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến chính là tăng sức cạnh tranh cho tỉnh, đáp ứng đòi hỏi chính đáng của người dân và doanh nghiệp.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp với các sở, ngành liên quan để bàn giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến, ngày 24/9/2024.

Chị Nguyễn Thị Cúc (bên phải, ở tổ 3, phường Quang Trung, TP. Thái Nguyên) thực hiện dịch vụ công trực tuyến đăng ký kinh doanh và đã được trả kết quả rất nhanh chóng, tiện lợi.
Chị Nguyễn Thị Cúc (bên phải, ở tổ 3, phường Quang Trung, TP. Thái Nguyên) thực hiện dịch vụ công trực tuyến đăng ký kinh doanh và đã được trả kết quả rất nhanh chóng, tiện lợi. Ảnh: T.L

Mới đây nhất, theo thống kê tại Bộ chỉ số chỉ đạo điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử của Cổng dịch vụ công quốc gia, năm 2024, Thái Nguyên đạt 88,35/100 điểm, đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố.

Đó là một kết quả rất đáng ghi nhận, và quan trọng nhất là mỗi người dân, doanh nghiệp trên địa bàn đều được hưởng lợi từ nền “hành chính phục vụ” mà tỉnh đang nỗ lực xây dựng.

https://www.baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202501/thai-nguyen-nang-cao-chat-luong-dich-vu-cong-truc-tuyen-vi-nen-hanh-chinh-phuc-vu-4132682/
Các tin khác: