Thanh, thiếu niên phạm tội: Hồi chuông cảnh tỉnh từ những phiên tòa

Cập nhật ngày: 09/05/2025 07:23 (Lượt xem: 110003)
Thời gian gần đây, trong các phiên xét xử tại Tòa án nhân dân TP. Thái Nguyên, một hình ảnh lặp đi lặp lại khiến những người có mặt không khỏi nhói lòng: Nhiều bị cáo chỉ từ 14-18 tuổi, cúi đầu lặng lẽ nhận tội và nghe tòa tuyên án. Phía sau vành móng ngựa ấy là đôi mắt đỏ hoe của những bậc phụ huynh, giọng khản đặc gọi tên con khi lực lượng cảnh sát dẫn giải bị cáo rời khỏi tòa.

Các bị cáo trong độ tuổi thanh, thiếu niên cúi đầu nhận tội trong một phiên tòa do Tòa án nhân dân TP. Thái Nguyên xét xử.

Số liệu thống kê từ Tòa án nhân dân (TAND) TP. Thái Nguyên cho thấy, từ năm 2023 đến nay, đơn vị đã thụ lý và xét xử hàng chục vụ án có liên quan đến thanh, thiếu niên phạm tội. Các tội danh chủ yếu là: Gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, trộm cắp, cướp giật và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Trong đó, nhiều nhất là tội danh gây rối trật tự công cộng, với hành vi phạm tội theo nhóm đông người.

Một vụ án điển hình được xét xử vào tháng 4 vừa qua: 11 thanh, thiếu niên tuổi từ 14 đến 18 (trong đó có nhiều đối tượng đang là học sinh) đứng trước vành móng ngựa về tội "Gây rối trật tự công cộng". Người cầm đầu là Hoàng Minh Tâm (sinh năm 2007, trú tại xã Sơn Cẩm) đã cùng đồng bọn mang theo dao, cán chổi, điều khiển xe máy với tốc độ cao, lạng lách trên phố trong đêm khuya. Khi gặp hai thanh niên khác, nhóm của Tâm đã sử dụng hung khí đe dọa, cướp tài sản rồi chia nhau. Tòa tuyên Tâm phải chịu hình phạt 4 năm 9 tháng tù giam. Các bị cáo còn lại lĩnh án từ 9 tháng đến 4 năm tù. Riêng 5 đối tượng dưới 16 tuổi được hưởng án treo. Vụ án khiến dư luận không khỏi bàng hoàng trước sự manh động, liều lĩnh của một nhóm thanh thiếu niên tuổi đời còn rất trẻ.

Trước đó, vào tháng 3-2024, TAND TP. Thái Nguyên cũng xét xử một vụ án “Gây rối trật tự công cộng” và “Cố ý gây thương tích” liên quan đến 16 thanh, thiếu niên. Phiên tòa thu hút sự quan tâm, theo dõi của nhiều người dân. Theo cáo trạng: Các bị cáo đã tụ tập, điều khiển xe máy thành đoàn, mang theo hung khí rồi hành hung người đi đường dẫn tới hai nạn nhân bị thương tích lần lượt là 24% và 1%.

Tại phiên tòa, dù các bị cáo thể hiện sự ăn năn, hối hận, nhưng mức án từ 4 tháng tù treo đến hơn 5 năm tù giam đã được tuyên nhằm răn đe và phòng ngừa chung.

Sau các phiên tòa, quan sát ở hành lang, chúng tôi bắt gặp những đôi mắt mọng nước của các phụ huynh. Có bà mẹ nói nghẹn ngào: Con dại cái mang, nó đang đi học giờ phải ngồi tù, tôi biết phải làm sao?

Theo thẩm phán Nguyễn Thị Nhàn, Phó Chánh án TAND TP. Thái Nguyên: Qua các vụ án cho thấy, đa phần các em phạm tội do nhận thức pháp luật hạn chế, thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc. Một nguyên nhân nữa là các bị cáo thiếu sự quản lý, giáo dục của gia đình, lại mải chơi, lười học, thích tụ tập, đua đòi với bạn xấu.

Đúng như chia sẻ của thẩm phán Nhàn, qua theo dõi nhiều phiên tòa chúng tôi thấy, thực tế nhiều vụ thanh thiếu niên phạm tội gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích xuất phát từ nguyên nhân rất nhỏ do có mâu thuẫn, tranh cãi từ một ánh nhìn, lời nói qua lại trên mạng xã hội.

Mỗi phiên tòa xét xử, mỗi bản án được tuyên là một lời răn đe, cảnh tỉnh thanh thiếu niên phạm tội.
Mỗi phiên tòa xét xử, mỗi bản án được tuyên là một lời răn đe, cảnh tỉnh thanh thiếu niên phạm tội.

Cũng phải khẳng định, lứa tuổi này các em đang chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội nên thần tượng lối sống bạo lực, đây cũng là nguyên nhân dẫn tới các em có những hành vi trái pháp luật. Và nhiều vụ việc, nguyên nhân là do gia đình thiếu kiểm soát. Các vụ việc tụ tập, gây rối, đa phần thanh, thiếu niên sử dụng xe máy, đi thành đoàn, trong thời điểm đêm khuya, song chưa có sự can thiệp, xử lý kịp thời từ phụ huynh.

Còn ông Triệu Đức Tươi, Hội thẩm TAND TP. Thái Nguyên, nhấn mạnh: Tình trạng thanh, thiếu niên phạm tội gia tăng cần được nhìn nhận như một vấn đề mang tính hệ thống. Gia đình, nhà trường và xã hội phải cùng chung tay hành động. Ông cũng đề xuất triển khai mạnh hơn giáo dục pháp luật, kỹ năng sống từ trong các nhà trường. Những mô hình như “phiên tòa giả định”, xét xử lưu động các vụ án liên quan đến thanh thiếu niên phạm tội ở các nhà trường, địa phương để giúp học sinh ý thức rõ hơn về hậu quả từ hành vi sai trái là điều cần thiết.

Những bài học thực tế qua các phiên tòa xét xử nói trên một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh trong việc chăm sóc, quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên. Nếu người lớn tiếp tục thờ ơ, phó mặc con em mình, thì sẽ còn nhiều hơn nữa những phiên tòa tương tự. Đừng đợi đến khi các em phải đứng trước vành móng ngựa, nước mắt cha mẹ mới rơi. Muốn vậy, mỗi gia đình hãy trở thành “lá chắn đầu tiên” trong việc nuôi dưỡng các em với trách nhiệm, tình thương và kỷ luật.

Ngoài việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để răn đe, để giảm thiểu tình trạng thanh thiếu niên phạm tội, lực lượng chức năng cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ở trong trường học và xã hội. Bên cạnh đó, yếu tố giáo dục, cải tạo, tái hòa nhập cho người chưa thành niên phạm tội cũng là vấn đề cần được quan tâm.

Và điều quan trọng nhất là mỗi thanh thiếu niên hãy biết trân trọng bản thân, chăm chỉ học tập, tu dưỡng, rèn luyện nhân cách, trở thành người có ích cho xã hội. Đừng để phút nông nổi, bồng bột của tuổi trẻ mà “đốt cháy” cả thanh xuân vì những hành vi vi phạm pháp luật.

https://www.baothainguyen.vn/phap-luat/202505/thanh-thieu-nien-pham-toi-hoi-chuong-canh-tinh-tu-nhung-phien-toa-33f0466/
Các tin khác: