Thế hệ trẻ hội nhập thời đại số

Cập nhật ngày: 23/07/2025 10:57 (Lượt xem: 8272)
Không còn là những “người đứng ngoài” trong tiến trình phát triển công nghệ, thế hệ trẻ nông thôn Thái Nguyên đang từng bước khẳng định vai trò của mình trong thời đại số. Từ đồng ruộng, bản làng đến các lớp học trực tuyến, sàn thương mại điện tử hay mạng xã hội, thanh niên nông thôn đã và đang chủ động học hỏi, ứng dụng công nghệ để thay đổi cách làm kinh tế.

Qua theo dõi các video trên Youtube, anh Hứa Văn Thượng, ở xã Na Rì, thấy nhiều thanh niên khởi nghiệp thành công từ nghề nuôi dúi. Từ đó, anh tự tìm hiểu và quyết định xây dựng trang trại, tìm kiếm nguồn giống uy tín để phát triển kinh tế. Sau 6 năm, anh Thượng đã xây dựng được 2 nhà nuôi có diện tích 150m2.

Chuồng nuôi trang bị hệ thống làm mát, sưởi ấm, đo độ ẩm được cài đặt trên điện thoại thông minh đảm bảo dúi phát triển trong điều kiện tốt.

Anh Thượng còn xây dựng kênh bán hàng trên các nền tảng Zalo Shop, Shopee, Tiktok Shop để mở rộng thị trường. Hiện nay, sản phẩm của anh đã xuất đến nhiều tỉnh, thành như: Hà Nội, Quảng Ninh, Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Cao Bằng... Anh chia sẻ: Việc sử dụng công nghệ hỗ trợ rất nhiều trong chăn nuôi, đặc biệt trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Thông qua kênh bán hàng, tôi đã mở rộng được thị trường cho 2 sản phẩm gồm: dúi thương phẩm và dúi giống. Tôi còn kết nối với nhiều thanh niên cùng sở thích để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và liên kết thành chuỗi.

Không riêng anh Thượng, mô hình thanh niên khởi nghiệp số trong lĩnh vực nông nghiệp đang lan rộng khắp các vùng quê của tỉnh. Thanh niên đã chủ động ứng dụng máy móc hiện đại, sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc, các phần mềm quản lý đơn hàng, sử dụng hệ thống phun thuốc, tưới tiêu tự động…

Thái Nguyên đang trên đà trở thành một trung tâm chuyển đổi số năng động của khu vực Trung du miền núi phía Bắc mà thanh niên là lực lượng nòng cốt. Vì thế, Tỉnh đoàn Thái Nguyên đã triển khai nhiều chương trình giúp thanh niên tiếp cận và làm chủ công nghệ một cách chủ động, thực chất chứ không chỉ dừng ở tuyên truyền.

Một trong những hoạt động nổi bật đó là Tỉnh đoàn phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức chương trình tập huấn chuyển đổi số từ cơ bản đến nâng cao cho cán bộ đoàn cơ sở và thanh niên nông thôn, gắn với thực hành sử dụng các nền tảng số phục vụ sản xuất, kinh doanh và dịch vụ công; tổ chức các hoạt động về chuyển đổi số, liên hoan tuổi trẻ sáng tạo, cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo… cho đoàn viên thanh niên nông thôn.

Đặc biệt, Tỉnh đoàn đã triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” với mục tiêu phổ cập kiến thức và kỹ năng số cho người dân theo tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau” trong tiến trình chuyển đổi số. 

Các đội hình “Thanh niên tình nguyện chuyển đổi số” được thành lập tại nhiều xã, phường đã trực tiếp hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt.

Thanh niên còn hỗ trợ người dân đăng ký định danh điện tử VNeID, thực hiện các thủ tục hành chính mức độ 3, 4, giúp người dân tiết kiệm thời gian và chi phí.

Một số địa phương đã ghi nhận sự đóng góp tích cực của đoàn viên trong việc số hóa hồ sơ, cập nhật dữ liệu dân cư cho chính quyền địa phương. Việc làm này khẳng định thanh niên chính là lực lượng nòng cốt trong tiến trình chuyển đổi số ở nông thôn.  

Chị Phạm Thị Thu Hiền, Bí thư Tỉnh đoàn Thái Nguyên, cho biết: Để đảm bảo người trẻ dùng công nghệ an toàn, Tỉnh đoàn lồng ghép tập huấn an toàn không gian mạng, tìm hiểu Luật An ninh mạng và bộ Quy tắc ứng xử trên mạng thông qua các hội thi trực tuyến, chuyên đề sinh hoạt đoàn, cũng như phối hợp các đơn vị tổ chức sân chơi tìm hiểu pháp luật số dành cho đoàn viên, học sinh.

Nguồn Báo Thái Nguyên
Các tin khác: