Tiên phong chuyển đổi số trong sản xuất chè

Cập nhật ngày: 27/05/2024 03:23 (Lượt xem: 959)
Tối ưu hóa các tiện ích mà ứng dụng công nghệ thông tin đem lại vào quy trình sản xuất, kinh doanh chè, Hợp tác xã (HTX) trà an toàn Phú Đô (Phú Lương) vinh dự là đơn vị đầu tiên của ngành chè ở phía Bắc được nhận giải thưởng "Vua chuyển đổi số nông nghiệp" lần thứ nhất, năm 2024.

Giám đốc Hợp tác xã trà an toàn Phú Đô Hoàng Văn Tuấn với phần thưởng “Vua chuyển đổi số nông nghiệp" lần thứ nhất, năm 2024.

Chuyển đổi số (CĐS) đã và đang được triển khai ngày càng sâu, rộng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và trở thành nhu cầu tự thân. Giám đốc HTX trà an toàn Phú Đô Hoàng Văn Tuấn, ở xóm Phú Thọ, xã Phú Đô, quan niệm: Khi đã có các ứng dụng của công nghệ thông tin ngày càng hiện đại, tối ưu hóa được các tiện ích, thì việc của người thụ hưởng là sử dụng sao cho hiệu quả trên nền tảng số, để tất cả phải đạt được các tiêu chí: Nhanh hơn, nhiều hơn, chính xác hơn và uy tín hơn.  

Thành lập năm 2022, HTX trà an toàn Phú Đô đã bắt tay vào thực hiện cùng lúc 2 nhiệm vụ, đó là: xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng đồng bộ; tiếp cận và nhanh chóng chuyển đổi từ ứng dụng dùng mã QR truy xuất sản phẩm sang ứng dụng Face fram. Sau 1 năm HTX đã xây dựng được trên 10,3ha chè nguyên liệu theo tiêu chuẩn VietGAP, gần 5ha theo tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ.

Khi đưa ứng dụng Face fram vào chuỗi sản xuất, kinh doanh, ưu điểm lớn nhất mang lại chính là thông tin chi tiết các thửa đất trồng chè của HTX và nhật ký sản xuất của nông trại được hiển thị trên Google map. Điều này không chỉ giúp HTX dễ dàng quản lý sản xuất mà còn minh bạch nguồn gốc sản phẩm, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng. Chỉ cần quét mã QR, khách hàng có thể trực tiếp kiểm soát các khâu chăm sóc, hàm lượng, chủng loại, số lượng phân bón và thời gian, địa điểm, hình thức, quy trình chăm sóc… bằng cả thuyết minh, hình ảnh, video…

Giám đốc Hoàng Văn Tuấn chia sẻ: So với các sản phẩm sử dụng Code các năm trước, khi chưa có ứng dụng Face fram thì khách hàng luôn đỏi hỏi các dữ liệu thông tin, thời gian, quy trình, tiêu chuẩn chăm sóc, chế biến chè… Nhưng trả lời mãi dù bằng hình thức nào cũng mất nhiều thời gian và khó thỏa mãn với những hoài nghi, truy vấn. Vì những thông tin sau khi quét mã Code đều do chủ thể viết ra dựa trên các công bố kiểm định đã có, nên không tránh khỏi thông tin mang tính chủ quan và thậm chí là nặng về quảng cáo, hoặc giá trị về thương hiệu, chứng nhận chất lượng, kiểm định… đã cũ, thiếu cập nhật thông tin mới.  

Với ứng dụng mới này, tính chuyên nghiệp trong sản xuất, kinh doanh được vận hành đúng nguyên tắc, tiêu chuẩn đã công bố; niềm tin và uy tín của HTX cũng tăng lên, khi mọi thông tin được minh bạch qua ứng dụng chuyển đổi số, đồng thời thỏa mãn được các yêu cầu khi đối tác tự chủ động tìm hiểu trên nền tảng số về sản phẩm của HTX. Nhờ đó giá trị sản phẩm của HTX tăng trung bình từ 200.000 đồng/kg chè búp khô lên 250.000 đồng/kg. Sản lượng chè búp khô xuất bán mỗi năm cũng tăng từ 27 tấn lên trên 30 tấn. Giá trị 1ha đất canh tác chè đạt trên 600 triệu đồng/năm. 

Với những kết quả đã đạt được, cuối tháng 4-2024, HTX trà an toàn Phú Đô được Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Việt Nam (Bộ Nông nghiệp - PTNT) và Công ty Sorimachi Việt Nam trao thưởng danh hiệu “Vua chuyển đổi số nông nghiệp", lần thứ nhất, năm 2024. Đây là cơ hội để HTX tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

https://baothainguyen.vn/kinh-te/202405/tien-phong-chuyen-doi-so-trong-san-xuat-che-81021ba/
Các tin khác: