Đừng để “thảm hoạ” từ bãi thải tái diễn
Cập nhật ngày: 14/07/2016 02:41 (Lượt xem: 110050)Để phòng ngừa sự cố xảy ra, Mỏ sắt Tiến Bộ (Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên đã cắt cử cán bộ trực 24/24h tại hồ chứa bùn thải.
Thời gian gần đây, Báo Thái Nguyên liên tục có bài viết phản ảnh về tình nguy cơ mất an toàn tại bãi thải, hồ chứa bùn thải của một số mỏ khai thác khoáng sản thuộc Hợp tác xã Công nghiệp và Vận tải Chiến Công (HTX) quản lý, vận hành, như: Mỏ sắt Đuổm, mỏ sắt Phố Giá, mỏ sắt Cù Vân...Tại những điểm khai thác, chế biến khoáng sản này, HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công không quy hoạch, không lập quy trình đổ thải, không phân công người làm công tác quản lý, hướng dẫn đổ thải.
Ví dụ như tại Mỏ sắt Đuổm, xã Động Đạt (Phú Lương), HTX này có 3 hồ chứa bùn thải nhưng đều đã đầy (lượng bùn thải cao 7m nhưng đập đất được đắp thủ công, không lu lèn theo quy định) và bao quanh là dân cư của xóm Đuổm, xóm Vườn Thông. Tương tự, tại khu vực chứa chất thải, bùn thải của mỏ sắt Tương Lai ở xã Hoá Trung (Đồng Hỷ) do HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công quản lý cũng có 3 hồ chứa bùn thải nhưng hồ số 1 đầy 95% dung lượng, hồ số 2, số 3 đầy 100% dung lượng, không còn khả năng chứa thải, nước tràn ra bên ngoài.
Một số khu vực chứa chất thải, bùn thải của các đơn vị khác như: Công ty cổ phần Khoáng sản An Khánh (Dự án Nhà máy Luyện xỉ Titan TN3) và Công ty cổ phần Kim Sơn (Dự án khai thác, chế biến khoáng sản Tây Núi Pháo) cũng không có thiết kế xây dựng đập chắn đất đá, hồ chứa bùn thải nhưng chứa lượng nước rất lớn, tạo áp lực cho các đập chắn, đập tràn của bãi thải. Theo ông Phan Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: Cơ bản các tổ chức, doanh nghiệp quản lý bãi thải, hồ chứa bùn thải trên địa bàn tỉnh đều có sự quan tâm đến vấn đề an toàn, chấp hành các quy định của pháp luật về xử lý chất thải theo như đánh giá tác động môi trường mà doanh nghiệp đã lập, cam kết với cơ quan chức năng. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản thiếu hồ sơ quản lý bãi thải, hồ chứa bùn thải, thiếu sự phân công cán bộ giám sát, quản lý hoạt động xả thải. Đây chính là một trong những hạn chế, cần chấn chỉnh, xử lý trong quá trình quản lý hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn hiện nay.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn các bãi thải của các mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đều có độ cao từ vài chục mét đến trên 200m nên khi có mưa lớn kéo dài sẽ dẫn tới sạt lở (bãi thải của Mỏ than Phấn Mễ trước đây là một ví dụ). Còn các hồ chứa bùn thải, nước thải trong quá trình chế biến, tận thu khoáng sản đều được các doanh nghiệp chọn những vị trí “đắc địa” là các khe có 2, 3 bề là đồi núi rồi đắp đập ngăn lại. Phía dưới những hồ chứa bùn thải, nước thải đều là khu dân cư hoặc đồng ruộng canh tác của người dân nên khi xảy ra rò rỉ, vỡ đập chắn thì hậu quả thật khó lường.
Ông Nguyễn Văn Đắc ở xóm Làng Phan, xã Linh Sơn (Đồng Hỷ) cho biết: Phía sau nhà tôi có 2 hồ chứa bùn thải của Mỏ sắt Tiến Bộ và qua thông tin từ lãnh đạo địa phương được biết mỏ có trữ lượng tới 20 triệu tấn, hoạt động trong 30 năm. Như vậy, khối lượng bùn thải sẽ phải lên đến hàng chục triệu mét khối nên nếu không may xảy ra sự cố vỡ đập hồ chứa bùn thải thì nhà ở, đất canh tác của chúng tôi phía dưới sẽ bị chôn vùi hết. Do vậy, tôi đề nghị cơ quan chức năng các cấp nên hướng dẫn, giúp đỡ doanh nghiệp thực hiện đầy đủ quy định, quy trình về an toàn bãi thải, hồ chứa bùn thải và thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện các nguy cơ mất an toàn để yêu cầu doanh nghiệp khắc phục.
Từ kết quả thanh tra, kiểm tra mới đấy của Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND cấp huyện nơi có hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản cho thấy: Việc chấp hành quy định về pháp luật bảo vệ môi trường nói chung, xử lý chất thải nói riêng của các tổ chức được cấp phép khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh có sự khác nhau. Các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng có vốn đầu tư của Nhà nước, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chấp hành quy định pháp luật trong lĩnh vực này nghiêm túc hơn. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp tư nhân được cấp phép khai thác, chế biến khoáng sản chỉ coi trọng lợi nhuận kinh tế. Còn việc thực nghĩa vụ thuế tài nguyên, phí môi trường, ký quỹ môi trường thường chậm so với với yêu cầu của cơ quan quản lý và nguồn vốn đầu tư cho công tác xử lý chất thải, bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn bãi thải, hồ chứa bùn thải rất hạn chế.
Thiệt hại nặng nề về người, tài sản do sạt lở bãi thải trong hoạt động khai thác khoáng sản đã từng xảy ra tại các xã: Tân Linh, Phục Linh của huyện Đại Từ vài năm trước là bài học của địa phương chúng ta. Và giả sử trận mưa lớn kéo dài nhiều giờ xảy ra tại một số địa phương trong tỉnh ngày 1-7 vừa qua mà đúng vào những điểm có bãi thải, hồ chứa bùn thải thì sẽ gây nguy cơ mất an toàn (kể cả những bãi thải, hồ chứa bùn thải trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện nguy cơ mất an toàn). Không doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản nào muốn để xảy ra thảm họa từ bãi thải, hồ chứa bùn thải do đơn vị mình trực tiếp quản lý. Song sự chủ quan, không muốn đầu tư vào những hạng mục ít hoặc không sinh lời như bãi thải, hồ chứa bùn thải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vẫn còn tới 6 bãi thải, hồ chứa bùn thải được ngành Tài nguyên và Môi trường cảnh báo có nguy cơ mất an toàn nhưng vẫn chưa kịp thời được khắc phục.