Khó khăn trong xử lý ô nhiễm môi trường công nghiệp

Cập nhật ngày: 10/07/2016 09:31 (Lượt xem: 8417)
Thời gian qua, sự xuất hiện các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn T.P Sông Công đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, làm thế nào để giảm thiểu, ngăn chặn các hành vi gây ô nhiễm môi trường là một trong những nhiệm vụ quan trọng, bức thiết đặt ra với chính quyền, cơ quan chức năng của Thành phố.

Khu vực nhà xưởng của Công ty Cổ phần Thép Toàn Thắng (Khu B, Khu Công nghiệp Sông Công I), đơn vị bị xử lý vi phạm BVMT.

 

 

Ô nhiễm - vấn đề không mới

 

T.P Sông Công có 2 KCN quy mô gần 500ha và 3 cụm công nghiệp nhỏ với gần 300 cơ sở, doanh nghiệp (DN), trong đó đa phần là các DN sản xuất cơ khí, do vậy nguy cơ gây ô nhiễm môi trường là rất lớn. Những năm qua, nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng về môi trường của các nhà máy trên địa bàn lần lượt bị phát giác đã thể hiện rõ thực trạng này. Đáng buồn là qua các năm, số vụ vi phạm không hề giảm mà còn tăng về mức độ và tình trạng tái phạm, trong đó những cái tên thường được nhắc đến là: Nhà máy Kẽm điện phân (Công ty TNHH Một thành viên Kim loại màu Thái Nguyên); Công ty cổ phần Nhật Anh; Công ty Cổ phần Thép Toàn Thắng (Khu B, Khu Công nghiệp Sông Công I). Những vụ việc chưa được xử lý dứt điểm đã gây bức xúc trong nhân dân.

 

Từ đầu năm đến nay, Thành phố đã kiểm tra, nhắc nhở và xử lý nhiều trường hợp vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường (BVMT). Cuối tháng 6 vừa qua, UBND T.P Sông Công, Sở Tài nguyên môi trường (TNMT) đã lập biên bản, ra văn bản xử lý đối với Công ty Cổ phần Thép Toàn Thắng (Khu Công nghiệp Sông Công I) vì đã nhiều lần xả bụi, khí thải chưa được xử lý ra môi trường gây ô nhiễm khu dân cư. Sở yêu cầu Công ty dừng ngay hoạt động xả thải tại khu vực lò luyện phôi thép để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hệ thống thu gom, xử lý bụi, khí thải đáp ứng các yêu cầu theo quy định về BVMT. Đồng thời, Sở cũng kiến nghị với UBND tỉnh xử phạt hành chính đối với Công ty này. Trong tháng 3, khi nhận được ý kiến của người dân phường Cải Đan nghi ngờ về các doanh nghiệp ở CCN Nguyên Gon xả nước thải có chứa dầu ra môi trường, UBND Thành phố và phòng chức năng cũng đã tổ chức kiểm tra các DN này. Qua đó, đoàn đã nhắc nhở, yêu cầu một số DN cần sửa chữa phần mái che kho chứa chất thải nguy hại để đảm bảo che, phủ kín, không để nước mưa ngấm, trôi chảy chất thải nguy hại ra môi trường. Khi kiểm tra hệ thống vận hành xử lý nước thải, đoàn đã phát hiện lỗi vi phạm ở Công ty TNHH một thành viên Cơ điện và đề nghị Công ty này cần nâng cấp, sửa chữa bộ phận tách dầu, đảm bảo nước thải ra không sót váng, cặn dầu.

 

Khi chủ nguồn thải xem nhẹ trách nhiệm

 

Mặc dù chính quyền Thành phố, các ban ngành của tỉnh cũng đã rất quyết liệt trong công tác kiểm tra và xử lý vi phạm BVMT, song cũng chỉ như muối bỏ biển khi mà bản thân các DN này đều cố tình vi phạm, xem nhẹ trách nhiệm. Thực tế cho thấy, chi phí để vận hành hệ thống xử lý khí, chất thải là không nhỏ, do vậy, nhiều DN đã chống chế bằng cách xả trộm khí thải ra môi trường trong khoảng thời gian từ đêm đến rạng sáng hôm sau. Vụ vi phạm mới đây nhất là của Công ty Cổ phần Thép Toàn Thắng. Sau khi có ý kiến phản ánh của người dân, rất nhiều lần Thành phố đã tổ chức kiểm tra, thu thập hình ảnh, quay video để làm bằng chứng. Ngày 1-6, khoảng 5 giờ 30 phút, đoàn công tác của Sở TNMT đã đến thực tế tại hiện trường và ghi nhận lỗi vi phạm của Công ty. Đoàn đã liên hệ, yêu cầu được vào bên trong để làm việc, lấy mẫu đánh giá, tuy nhiên không nhận được sự hợp tác của Công ty. Do vậy, ngày 13-6, Sở TNMT đã tổ chức cuộc họp, đề nghị Công ty này giải trình với các bên liên quan, làm cơ sở để giải quyết vấn đề ô nhiễm. Được biết, đây không phải là lần đầu tiên DN này bị xử lý. Năm 2014, Sở TNMT đã nhiều lần có văn bản nhắc nhở Công ty; Ban Quản lý các KCN tỉnh cũng đã nhiều kiểm tra, nhắc nhở, yêu cầu Công ty thực hiện các biện pháp thu gom, xử lý triệt để bụi, khí thải, tuy nhiên tình trạng này vẫn chưa được giải quyết. Có thể nói đây là tình trạng tương đối phổ biến, trước đó, một số DN trên địa bàn cũng đã để lỗi vi phạm kéo dài qua nhiều năm, đơn cử như nhà máy Kẽm điện phân. Gần đây, mặc dù DN này đã cố gắng khắc phục, không để xảy ra lỗi vi phạm nào, tuy nhiên việc khắc phục những hậu quả gây ra cho môi trường cũng như cuộc sống của người dân, đến nay chưa được giải quyết dứt điểm.

 

Nhiều lý do khiến vi phạm kéo dài

 

Tại sao vi phạm BVMT ở các DN trở nên phổ biến và kéo dài như vậy, đặc biệt là đối với các DN trong KCN? Lý giải nguyên nhân, ông Nguyễn Văn Dụng, Trưởng phòng TNMT Thành phố Sông Công cho biết: Các khu, CCN trên địa bàn vẫn chưa được đầu tư hạ tầng đồng bộ về BVMT. Hiện nay chỉ có KCN Sông Công I được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải công nghiệp, tại các CCN trên địa bàn Thành phố chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung, các DN đều tự phải lắp đặt hệ thống xử lý riêng. Trong khi đó, kinh phí để xử lý ô nhiễm môi trường khá cao nên nhiều đơn vị, DN thực hiện BVMT còn mang tính đối phó và lách luật. Đặc biệt, ở cấp Thành phố, vì chưa có cơ chế chính sách, không có trang thiết bị chuyên dụng nên việc đánh giá mức độ ô nhiễm chỉ dựa trên cảm quan, khó có căn cứ để kết luận chính xác, xử phạt xác đáng. Đặc biệt là với các DN thuộc KCN Sông Công I, thẩm quyền xử lý vi phạm ô nhiễm môi trường lại thuộc cấp tỉnh (Ban Quản lý KCN tỉnh, Sở TNMT). Do đó, trong nhiều đợt ra quân, đoàn kiểm tra của Thành phố chỉ có thể quan sát vòng ngoài, đánh giá hiện trạng, mức độ ô nhiễm qua màu sắc và lượng khí thải tỏa ra tại các nhà máy, thu thập chứng cứ bằng video hình ảnh... Sau đó mới lập báo cáo đề nghị Sở TNMT cùng các cơ quan của tỉnh về kiểm tra.

 

Để tháo gỡ những khó khăn trên, theo ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND Thành phố thì: bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật về BVMT, nâng cao nhận thức và hành động của  người dân, các cơ quan, tổ chức xã hội, doanh nghiệp; nâng cao công tác giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với các cơ sở gây ô nhiễm. Tuyên truyền, vận động việc thực hiện xã hội hóa về BVMT; sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí đầu tư cho lĩnh vực BVMT... Thành phố đề nghị Ban quản lý các KCN, sở ban ngành của tỉnh cần có những biện pháp xử lý các vi phạm và triệt để, lâu dài đối với các DN vi phạm và tái phạm nhiều lần, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Theo Báo Thái Nguyên điện tử
Các tin khác: