Cần thiết điều chỉnh giá dịch vụ ngoài bảo hiểm y tế

Cập nhật ngày: 25/06/2024 06:02 (Lượt xem: 955)
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có hơn 170 trạm y tế tuyến xã, 24 cơ sở khám chữa bệnh (KCB) tuyến huyện và 12 bệnh viện tuyến tỉnh, trong đó chỉ có 5 bệnh viện ngoài công lập. Thời gian qua, các cơ sở y tế công lập gặp không ít khó khăn do mức lương cơ sở đã tăng lên 1,8 triệu đồng (từ 1/7/2023) nhưng giá dịch vụ y tế ngoài bảo hiểm y tế (BHYT) vẫn áp dụng theo mức cũ.

Hiện nay, Bệnh viện A Thái Nguyên đã thực hiện được nhiều kỹ thuật hiện đại

trong điều trị cho người bệnh. Tuy nhiên, thời gian qua, việc áp dụng giá dịch vụ

ngoài BHYT theo mức cũ đã gây không ít khó khăn cho hoạt động của Bệnh viện.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay, giá dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được thực hiện theo Nghị quyết số 14/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 của HĐND tỉnh. Theo đó, kết cấu các yếu tố chi phí trong giá dịch vụ KCB gồm chi phí trực tiếp và tiền lương để bảo đảm cho việc khám bệnh, chăm sóc, điều trị người bệnh và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật y tế với mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng.

Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế, cho hay: Hiện, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập do tỉnh quản lý đang thực hiện 2 loại giá dịch vụ. Cụ thể, giá dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT thực hiện theo Nghị quyết số 14/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT đối với người có thẻ BHYT theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế.

Tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, việc áp dụng giá dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT theo Nghị quyết số 14/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đang gây khó khăn cho các cơ sở y tế công lập trên địa bàn Thái Nguyên. Bác sĩ Trương Mạnh Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên, cho biết: Giá dịch vụ KCB đối với người có thẻ BHYT đã được Bộ Y tế điều chỉnh tăng từ năm 2023 (áp dụng theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng). Trong khi giá dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT vẫn thực hiện theo mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng. Cơ cấu giá này chưa đáp ứng đủ các khoản đầu tư cho quản lý, khấu hao tài sản cũng như chưa kết cấu vào giá dịch vụ.

Bác sĩ Hà Đức Trịnh, Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên và bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Bệnh viện Sức Khỏe tâm thần tỉnh… cũng rất đồng tình với quan điểm này.

Hệ số lương cơ sở sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng từ ngày 1/7/2024, trong khi giá dịch vụ y tế ngoài BHYT tại các cơ sở y tế công lập vẫn đang áp dụng theo mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng là chưa phù hợp. Đáng nói, việc tăng giá dịch vụ ngoài BHYT không ảnh hưởng nhiều đến người dân, bởi hiện tại, 95% người dân Thái Nguyên đã có thẻ BHYT.

Tại Kỳ họp HĐND sắp tới, vấn đề này sẽ được đưa ra bàn thảo và quyết định. Ông Đặng Ngọc Huy cho hay: Việc đề nghị HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT mà không phải là dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế của Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của tỉnh là cần thiết, phù hợp với quy định hiện hành. 

Nhiều cán bộ đang công tác trong ngành Y tế cho rằng, việc xây dựng, ban hành Nghị quyết nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất và bình đẳng về giá giữa khám bệnh, chữa bệnh của người bệnh không có BHYT và người bệnh có BHYT trong cùng một cơ sở y tế thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Thái Nguyên.

Dù vậy, việc xây dựng Nghị quyết phải phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đảm bảo yêu cầu về tính hợp pháp, tuân thủ đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đảm bảo công khai, dân chủ trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân trong quá trình xây dựng và ban hành Nghị quyết.

https://www.baothainguyen.vn/xa-hoi/202406/can-thiet-dieu-chinh-gia-dich-vu-ngoai-bao-hiem-y-te-0ad05e2/
Các tin khác: