An toàn vệ sinh thực phẩm: Cần đảm bảo từ "gốc" đến "ngọn"

Cập nhật ngày: 13/05/2025 07:43 (Lượt xem: 110003)
An toàn thực phẩm đang là mối quan tâm của toàn xã hội. Tại Thái Nguyên, nhiều năm qua, dù chưa xuất hiện trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm nhưng nguy cơ tiềm ẩn là rất lớn. Đặc biệt là tình trạng thực phẩm “bẩn”, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn lưu hành trên thị trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng. Để bảo đảm an toàn thực phẩm, không chỉ có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, ý thức của cơ sở sản xuất, kinh doanh mà còn cần sự chủ động, tích cực từ phía người dân.

Nhân tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025, cuối tháng 4 vừa qua, Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm của tỉnh đã thành lập 3 đoàn để tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm tại 9 huyện, thành phố trong tỉnh.

Nguy cơ thực phẩm “bẩn” lưu thông trên thị trường

Tại các chợ truyền thống, chợ cóc và trên nhiều tuyến đường của tỉnh, đâu đâu cũng bắt gặp những gánh hàng rau xanh bắt mắt. Người bán có thể là nông dân trồng rau rồi mang thẳng ra chợ hoặc tiểu thương mua buôn ở chợ đầu mối Túc Duyên (TP. Thái Nguyên) sau đó mang về bán lẻ.

Điều đáng lo ngại là nguồn gốc, xuất xứ của những loại rau này đều không rõ ràng. Hầu hết, người tiêu dùng “nhắm mắt” mua rau ngoài chợ nên luôn phấp phỏng lo âu trong rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao, có thể gây ngộ độc thực phẩm hoặc chất độc từ hóa chất thẩm thấu dần vào cơ thể, lâu dần sẽ gây ra những bệnh nguy nhiểm, nhất là các bệnh ung thư…

Chị Tiết Thị Khanh, tổ dân phố số 8, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên): Dù biết mua rau ngoài chợ không có nguồn gốc rõ ràng, không đảm bảo ATTP nhưng Thái Nguyên hiện chưa có nhiều cơ sở kinh doanh rau an toàn đáng tin cậy. Không ít nơi, thông tin bán rau xanh an toàn nhưng chưa chắc đã đảm bảo tiêu chí “sạch”.

Tương tự, tại các chợ, đường phố, sản phẩm thịt động vật cũng được bày bán tràn lan, nhiều cửa hàng không có dấu kiểm định của cơ quan thú y nên thật khó để phát hiện chất cấm còn tồn dư trong loại thực phẩm này. Đáng nói, sản phẩm thịt động vật có bị nhiễm các bệnh nguy hiểm như tai xanh lợn, lở mồm long móng gia súc, cúm giá cầm… hay không cũng rất khó xác định.

Phần lớn các bếp ăn tập thể lớn trên địa bàn tỉnh đều chấp hành nghiêm các quy định về an toàn thực phẩm.
Phần lớn các bếp ăn tập thể lớn trên địa bàn tỉnh đều chấp hành nghiêm các quy định về an toàn thực phẩm.

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) của tỉnh, Thái Nguyên đang có trên 28.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố. Đó là chưa kể các vùng sản xuất rau xanh, vùng trồng cây ăn quả, sản xuất chè…

Với lượng đầu vào “khủng” như vậy, việc quản lý đối với các cơ sở này, nhất là các hộ nông dân không phải là chuyện dễ dàng. Nhất là khi ý thức chấp hành của một số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trong tỉnh chưa cao. Theo bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương, vì lợi nhuận, họ bất chấp quy định của pháp luật, khi bị kiểm tra, xử lý thì tìm cách trốn tránh, không hợp tác gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý.

Cơ quan quản lý vào cuộc

Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân theo nhiều hình thức đa dạng, phong phú về các quy định bảo đảm ATTP (qua các phương tiện thông tin đại chúng; hệ thống loa truyền thanh cấp huyện, xã, xóm; phát tài liệu; treo băng zon, khẩu hiệu), công tác kiểm tra luôn được Ban Chỉ đạo các cấp tăng cường.

Trung bình mỗi năm, trên địa bàn tỉnh thành lập trên dưới 600 đoàn thanh, kiểm tra, hậu kiểm liên ngành về ATTP, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu. Theo đó, có khoảng 8.000-9.000 lượt cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được thanh tra, kiểm tra. Mỗi năm, số cơ sở vi phạm bị phát hiện luôn ở 3 con số.

Các lỗi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ; kinh doanh thực phẩm tươi sống có nguồn gốc động vật bị ôi thiu, biến đổi màu sắc; không niêm yết giá hàng hoá; vi phạm các điều kiện chung bảo đảm ATTP, môi trường vệ sinh không đảm bảo; việc thực hiện lưu mẫu thức ăn 24h chưa đầy đủ, chưa lập số ghi kiểm thực ba bước theo quy định của Bộ Y tế; sản xuất, chế biến sản phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Ông Lý Văn Cảnh, Trưởng phòng An toàn thực phẩm (Sở Y tế): Hoạt động kiểm tra không chỉ giúp phát hiện các trường hợp vi phạm để xử lý, răn đe mà còn là dịp để các cấp, ngành chức năng tuyên truyền các quy định về ATTP đến người sản xuất, kinh doanh và cả người tiêu dùng. Qua đó, các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh phải thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật.

Quá trình kiểm tra tại cơ sở, các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đặc biệt quan tâm với việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Quá trình kiểm tra tại cơ sở, các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đặc biệt quan tâm với việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Ngoài ra, hằng năm, Ban Chỉ đạo các cấp cũng đẩy mạnh hoạt động thanh, kiểm tra, giám sát nguy gây ô nhiễm thực phẩm tại trường học, nhà máy, xí nghiệp, chợ, siêu thị; giám sát bảo đảm ATTP các sự kiện diễn ra trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tăng cường quản lý các cơ sở thực phẩm (ngành Y tế quản lý trên 3.400 cơ sở, Nông nghiệp và Môi trường quản lý hơn 20.000 cơ sở; ngành Công Thương quản lý hơn 4.700 cơ sở). Theo đó, Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP cấp tỉnh cũng chỉ đạo các ngành liên quan siết chặt việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về ATTP.

Cần sự chủ động của người dân

Thực tế cho thấy, công tác quản lý ATTP trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện thường xuyên và khá hiệu quả. Trong quá trình kiểm tra, các hành vi vi phạm phát hiện được xử lý theo quy định của pháp luật. Các ngành có liên quan như Y tế, Nông nghiệp và Môi trường, Công Thương, Quản lý thị trường, Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các ban, ngành, đoàn thể duy trì tốt sự phối hợp trong công tác bảo đảm ATTP.

Tuy nhiên, trước những yếu tố tiềm ẩn nhiều nguy cơ, lĩnh vực ATTP rộng, nhận thức của bộ phận người dân còn hạn chế, cơ sở thực phẩm phần nhiều là nhỏ lẻ, điều kiện cơ sở vật chất thô sơ, sản xuất chưa theo chuỗi. Đặc biệt là phong tục tập quán: đám hỏi, giỗ, liên hoan, sinh nhật... diễn ra thường xuyên gây khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát. Chưa kể, các cơ sở giết mổ tập trung còn ít, chủ yếu là giết mô lợn, gà nên gây khó khăn trong việc thực hiện quy trình giết mổ đối với động vật khác như trâu, bò... Đặc biệt là khó khăn trong việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng ATTP tại cơ sở thực phẩm kinh doanh theo hình thức online, mạng xã hội: zalo, facebook. Công tác truy xuất nguồn gốc thực phẩm cũng gặp nhiều khó khăn…

Bởi vậy, để bảo đảm ATTP, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các địa phương, rất cần sự chủ động, tích cực từ phía người dân. Ông Đỗ Trọng Vũ, Phó Giám đốc Sở Y tế, khuyến cáo: Hơn lúc nào hết, người tiêu dùng phải nâng cao nhận thức, hiểu biết, tự bảo vệ mình trước các loại thực phẩm “bẩn” bằng việc lựa chọn sử dụng sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có trách nhiệm thông báo cho các cấp, ngành chức năng khi phát hiện các trường hợp vi phạm quy định về ATTP…

https://www.baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202505/an-toan-ve-sinh-thuc-pham-can-dam-bao-tu-goc-den-ngon-cf83818/
Các tin khác: