Cấp mỏ Titan: Thực hư nghịch lý thiếu - thừa
Cập nhật ngày: 08/09/2016 08:21 (Lượt xem: 110413)Tuyển quặng titan tại Nhà máy luyện xỉ titan Cây Châm.
Nhà máy “đói” ngay trên vùng nguyên liệu
Ngay từ năm 2008, khi Chính phủ có chủ trương cấm xuất khẩu quặng thô, tập trung đầu tư chế biến sâu khoáng sản trong nước, tránh lãng phí tài nguyên, Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn miền núi đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng Nhà máy Luyện xỉ Titan tại xóm Cây Châm, xã Động Đạt (Phú Lương). Từ đó đến nay, chỉ duy nhất đơn vị này xây dựng và vận hành nhà máy chế biến sâu titan trên địa bàn tỉnh. Trước đó, năm 2006, Công ty được cấp khai thác điểm mỏ Titan sa khoáng phía Đông Cây Châm. Sau nhiều năm cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy, hiện nay gần như trữ lượng quặng còn lại của Mỏ rất ít, hàm lượng Titan đạt thấp dưới 42%.
Hiện nay, do thiếu nguyên liệu trầm trọng nên Nhà máy Luyện xỉ Titan Cây Châm
phải múc bùn thải để mót quặng titan còn sót lại.
Những ngày gần đây có mặt tại khu vực mỏ Titan Đông Cây Châm, chúng tôi thấy đơn vị khai thác đang phải tận dụng tuyển từng gầu bùn thải để mót quặng Titan còn sót lại - điều mà ít đơn vị khai khoáng phải làm. Ông Trương Trần Bảo, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn miền núi cho hay: Hiện nay, dù đang ở vùng có nhiều điểm mỏ Titan nhất nhưng Nhà máy vẫn rất “đói” nguyên liệu đầu vào, làm hôm nay lo ngày mai. Với công suất 20.000 tấn xỉ Titan/năm và 10.000 tấn gang hợp kim/năm (tương đương với khoảng 40.000 tấn tinh quặng Titan hàm lượng trên 47%) thì lượng quặng còn lại của mỏ được cấp không thể đáp ứng. Vừa rồi chúng tôi phải cậy cục mãi mới mua được 1.000 tấn hàng tồn của Công ty Hoa Hằng - Trung Quốc (tại Khu công nghiệp Sông Công), nhưng cũng chỉ nay mai là hết.
Cũng theo lãnh đạo Công ty, nếu tình trạng thiếu nguyên liệu tiếp tục kéo dài thì nguy cơ Nhà máy Luyện xỉ Titan Cây Châm hàng trăm tỷ đồng phải ngừng hoạt động là không thể tránh khỏi. Được biết, đây là Nhà máy Luyện xỉ Titan duy nhất của tỉnh và của cả nước đang hoạt động và có thị trường xuất khẩu tốt. Nhà máy đang giải quyết việc làm ổn định và trả lương đảm bảo cho gần 300 lao động địa phương.
Nhiều điểm mỏ vẫn “đắp chiếu”
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ Nhà máy Luyện xỉ Titan Cây Châm bị động nguồn nguyên liệu đầu vào là bởi đơn vị chưa được cấp bổ sung mỏ Titan sa khoáng đảm bảo hàm lượng. Hơn nữa, một số điểm mỏ Titan trên địa bàn đã được cấp phép thăm dò hoặc được chấp thuận chủ trương nhưng không tiến hành các thủ tục khai thác, nên chưa thể có nguồn nguyên liệu dồi dào cung cấp cho Nhà máy.
Điểm mỏ Titan Na Hoe, xã Phú Lạc (Đại Từ) cách đây khoảng 4 năm đã được Công ty CP Kim loại màu Thái Nguyên tiến hành thăm dò và làm thủ tục cấp phép trên diện tích hơn 10ha với trữ lượng khoảng 35.000 tấn. Tuy nhiên, sau thăm dò, đơn vị này đã không có bất kỳ động thái gì tiếp theo để tiến hành khai thác. Khu vực điểm mỏ đã thăm dò vẫn để cỏ mọc trong khi theo cứ liệu địa chất khoáng sản thì quặng Titan tại mỏ Na Hoe phù hợp để nấu luyện xỉ Titan không có phóng xạ, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu.
Cùng với Na Hoe, một số điểm mỏ Titan khác như: Điểm mỏ Sơn Đầu (Định Hóa), Hữu Sào (Đại Từ), Khóm Mai (Phú Lương) có tổng diện tích 697ha của Công ty Liên doanh Kim loại màu Việt Bắc và điểm mỏ Làng Cam 2 (Phú Lương) của Công ty CP Ban Tích đã được Thường trực Tỉnh ủy chấp thuận chủ trương từ năm 2009. Điểm mỏ Làng Cam 1 (Phú Lương) được cấp phép thăm dò cho Công ty CP Khoáng sản An Khánh cũng từ năm 2009. Tất cả các điểm mỏ trên đến nay đều chưa được triển khai các thủ tục thăm dò hoặc khai thác. Điều đáng nói là các đơn vị trên đều không có nhà máy chế biến sâu Titan.
Mặc dù gần Nhà máy Luyện xỉ Titan Cây Châm hiện có 2 điểm mỏ titan đang trong quá trình khai thác với trữ lượng lớn là Mỏ titan Cây Châm của Công ty CP Khoáng sản An Khánh trữ lượng 1,8 triệu tấn và mỏ Ti tan Tây Cây Châm của Công ty CP Ban Tích trữ lượng 3,8 triệu tấn, nhưng lại không phù hợp với công nghệ nấu luyện xỉ Titan của Nhà máy (do không phải là quặng titan sa khoáng).
Cần sự can thiệp tích cực
Theo Luật Khoáng sản cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì đối với khoáng sản Titan cần xây dựng đề án tổ chức thăm dò, khai thác quy mô lớn, chế biến tập trung, bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội để phát triển ngành công nghiệp Titan. Tuyệt đối không xuất khẩu quặng titan chưa qua chế biến sâu và việc xuất khẩu phải được chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.
Như vậy có thể nói, chủ trương của Chính phủ là tập trung chế biến sâu trong nước. Vậy nhưng hiện nay, Nhà máy chế biến sâu duy nhất của cả nước lại đang “đói” nguyên liệu ngay trên vùng nguyên liệu. Được biết, khi quy hoạch và cấp phép đầu tư Nhà máy Luyện xỉ Titan Cây Châm với thời gian hoạt động 40 năm, nhà đầu tư và các ngành chuyên môn của tỉnh cũng tính toán rất kỳ nguồn nguyên liệu Titan dồi dào tại chỗ có thể đáp ứng yêu cầu vận hành Nhà máy. Do đó, ở thời điểm khó khăn này, rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện và can thiệp tích cực của các cấp có thẩm quyền nhằm điều tiết nguyên liệu Titan phục vụ hoạt động chế biến sâu. Theo chúng tôi, đối với những điểm mỏ đã có chủ trương hoặc được tiến hành thăm dò đã lâu, nếu chủ mỏ không có khả năng hoặc cố tình trì hoãn việc triển khai, cần phải xem xét để chuyển giao cho đơn vị khác có năng lực và nhu cầu thực sự. Ở đây, Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn miền núi là đơn vị có thực lực, có nhà máy chế biến sâu, có thị trường xuất khẩu ổn định, lại đang trong tình cảnh thiếu nguyên liệu trầm trọng nên rất cần được xem xét, ưu tiên để cấp mỏ.