Cùng nhau già đi trong hạnh phúc, an nhiên
Cập nhật ngày: 11/04/2025 08:00 (Lượt xem: 110003)Ông Trần Quang Tiến và bà Lê Thị Nhìn sống an nhiên với sở thích đọc sách, làm thơ mỗi ngày. |
Giữa nhịp sống ngày càng vội vã, trong căn nhà nhỏ giản dị tràn ngập bóng mát cây xanh của ông Trần Quang Tiến và bà Lê Thị Nhìn (ở tổ 4, phường Hương Sơn, TP. Thái Nguyên) luôn đầy ắp niềm vui. Ở độ tuổi ngoài 70, hai vợ chồng ông bà dành tình yêu cho những trang sách, vần thơ, sống những năm tháng an nhiên.
Cả hai ông bà từng công tác tại Công ty CP Gang thép Thái Nguyên. Khi còn trẻ, họ bị cuốn vào guồng quay công việc, gia đình, thời gian dành cho sách không được nhiều như mong muốn. Chỉ khi nghỉ hưu, họ mới thực sự có cơ hội sống với niềm đam mê đọc sách và làm thơ.
Trong căn nhà nhỏ của ông bà, kệ sách lúc nào cũng gọn gàng, với đủ thể loại sách nhưng nhiều nhất là sách văn học, xã hội và các tờ báo, tạp chí được xếp ngay ngắn.
“Mỗi ngày tôi đọc ít nhất 20 trang sách, thói quen này đã duy trì hàng năm rồi. Càng đọc, tôi càng cảm nhận được những điều tươi đẹp trong cuộc sống và thấy đầu óc mình minh mẫn hơn” - bà Nhìn cầm cuốn sách trên tay và mở đầu câu chuyện với chúng tôi.
"Nhiều người nói tuổi già sẽ cô đơn, nhưng vợ chồng tôi thì khác. Mỗi ngày, chúng tôi thấy thật hạnh phúc khi mình sống chậm một chút, cùng đọc và bàn luận về những trang sách mới, chia sẻ với nhau câu thơ mình mới nảy tứ, sáng tác." Ông Tiến cười nói, nhìn vợ âu yếm và đọc hai câu thơ của bà Nhìn đã được lựa chọn trình diễn tại Ngày hội thơ Nguyên tiêu do Hội Văn học Nghệ thuật TP. Thái Nguyên tổ chức đầu năm nay:
“Bùn non nhuộm thẫm áo nâu
Nụ cười của mẹ hằn sâu bốn mùa”.
Còn bà Nhìn chẳng cần mở sách, đọc luôn bài thơ lục bát của chồng:
“Tìm về lục bát làng quê
Thương người áo vá, nón mê trên đồng.
Rạ rơm bầu bạn cáy cùng
Cả đời tất bật bến sông lở bồi”.
Bà Nhìn hiện là hội viên Chi hội thơ, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, còn ông Tiến là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thơ tháng Năm của tỉnh. Yêu sách, say mê làm thơ, đến nay hai vợ chồng ông bà đã xuất bản chung được 2 tập thơ. Không cần những chuyến du lịch xa xôi, với ông bà, mỗi ngày cùng người bạn đời tri kỷ đọc trang sách mới, khoe những vần thơ chính là một ngày hạnh phúc và ý nghĩa.
Thói quen đọc sách, làm thơ như một sợi dây gắn kết hai tâm hồn đồng điệu, nâng niu tâm hồn, giữ sức khỏe tinh thần và nuôi dưỡng tình yêu vợ chồng của họ.
Nếu như vợ chồng ông Tiến tìm thấy niềm vui tuổi già trong từng trang sách, vần thơ thì ở độ tuổi gần 70, vợ chồng ông Trần Quang Minh và bà Nguyễn Thị Bạch Yến (ở tổ 13, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên) lại bắt đầu ngày mới đầy năng lượng trên chiếc xe đạp để khám phá các cung đường.
Cách đây gần 10 năm, ông Minh bắt đầu yêu thích môn thể thao đạp xe. Mỗi buổi sáng, ông đạp xe trên những con đường mới, hít thở không khí trong lành. Nhận được nhiều niềm vui và sức khỏe được cải thiện khi tập luyện môn thể thao này, từ năm 2020, khi bà Yến nghỉ hưu, ông rủ bà tham gia cùng. Chỉ sau gần một năm cùng chồng đạp xe đạp, sức khỏe của bà Yến đã được cải thiện. Những cơn đau khớp gối giảm dần, đôi chân bà trở nên linh hoạt, tinh thần cũng phấn chấn hơn.
“Trước, tôi là công nhân may của một đơn vị quân đội, quanh năm cặm cụi bên những đường may, ít có thời gian nhìn ngắm, khám phá thế giới bên ngoài. Nay nhờ đạp xe, tôi được nhìn thấy một thế giới đầy tươi mới, rực rỡ”- bà Yến hạnh phúc chia sẻ.
Những vòng xe đưa hai vợ chồng bà Yến rong ruổi qua từng góc phố, những con đường quê thanh bình, qua những buổi sáng sương giăng và những chiều hoàng hôn lấp lánh bên đồi chè Thái Nguyên. Trên mỗi con đường mới, họ không chỉ khám phá cảnh vật tươi đẹp mà còn cảm nhận rõ hơn niềm vui khi ở bên nhau.
“Càng đi, tôi càng thấy thương bà ấy hơn. Ngày trước lo lắng cho con cái, chẳng mấy khi chúng tôi có thời gian để cùng nhau tận hưởng những giây phút bình dị thế này” - ông Minh cười quay sang vợ. "Chẳng cần phải đi thật xa, chỉ cần cùng nhau trên chiếc xe đạp nhỏ là đủ. Đôi lúc dừng chân, bà ấy cười bảo: Đường này đẹp nhỉ? Tôi gật đầu, cảm giác đồng hành với người phụ nữ của mình trên mỗi cung đường mới thật tuyệt vời”.
Nghe vợ chồng ông Minh, bà Yến kể, tôi thầm nhủ, đạp xe không chỉ là một môn thể thao mà còn là một cách ông bà tận hưởng cuộc sống. Mỗi vòng bánh xe lăn đều chất chứa niềm vui, cũng là hành trình lưu giữ những ký ức đẹp đẽ mà ông Minh - bà Yến đang viết tiếp bên nhau. Và hành trình trên những vòng xe không chỉ giúp họ rèn luyện sức khỏe, khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên, của cuộc đời mà còn khiến họ thêm trân trọng từng khoảnh khắc khắc nhau, thêm yêu cuộc sống và yêu chính mình hơn mỗi ngày.
Tìm niềm vui khi tuổi già, ông Bùi Quốc Vương (76 tuổi) và bà Trần Thị Giàng (75 tuổi), ở tổ dân phố Lân 2, thị trấn Đu, Phú Lương, lại đam mê bảo tồn và lưu giữ những làn điệu chèo.
Ông Vương và bà Giàng sinh ra và lớn lên ở Thái Bình - vùng đất nổi tiếng với chèo cổ. Năm 1972, đôi vợ chồng trẻ khăn gói lên vùng đất mới khai hoang, bắt đầu cuộc sống còn nhiều khó khăn, mang theo trong tim tình yêu với những làn điệu chèo mượt mà của quê hương. Những ngày đầu xa quê, giữa bao bộn bề lo toan, họ thường mở chiếc đài cũ, lắng nghe và hát theo chương trình Dân ca và nhạc cổ truyền trên Đài Tiếng nói Việt Nam để vơi đi nỗi nhớ quê.
Bây giờ, khi mái tóc đã điểm bạc, con cháu đã trưởng thành, niềm đam mê mê ấy lại được “thắp lửa”. Không chỉ hát các làn điệu chèo sưu tầm, ông Vương còn sáng tác được 10 làn điệu chèo ca ngợi quê hương, đất nước. Mỗi tuần, ông Vương, bà Giàng cùng các thành viên Câu lạc bộ Bảo tồn nghệ thuật chèo Phú Lương tập luyện, biểu diễn các làn điệu chèo, lan tỏa tình yêu nghệ thuật dân gian đến nhân dân.
Rồi ông bà hòa vào giọng nam, nữ đối đáp có duyên: “Ta đi chợ dốc tề tề ngồi gốc i í gốc gốc cây đa… Thấy cô bán rượu mặc áo nâu cô lại thắt dây lưng xanh”.
Kết thúc câu hát, bà Giàng chia sẻ: "Ngày trẻ lo làm ăn, hai vợ chồng không có nhiều thời gian hát chèo. Bây giờ con cháu đã yên bề gia thất, chúng tôi lại được sống với đam mê. Cứ mỗi lần cất tiếng hát là thấy lòng nhẹ nhàng, vui vẻ hơn".
Nghe giọng hát mộc mạc của ông bà, nghe những câu chèo dung dị mà lay động tình người, chúng tôi cảm nhận được tình yêu chèo đắm say, cũng thấy trân trọng hơn tình nghĩa vợ chồng sâu sắc của hai ông bà.
Cơ duyên gặp gỡ, tôi cảm nhận được mỗi cặp vợ chồng đều có một cách riêng để làm cho tuổi già trở nên đẹp đẽ và đáng sống hơn. Tôi cũng hiểu, hạnh phúc tuổi già không chỉ nằm ở vật chất đủ đầy, mà quan trọng hơn đó là sự thấu hiểu, sẻ chia và cùng nhau tận hưởng những điều giản dị trong cuộc sống. Chợt nhận ra, điều hạnh phúc nhất trong cuộc đời con người không phải là có thật nhiều năm tháng để sống, mà là trong quãng thời gian đó ta luôn có một người để cùng nhau thực hiện những đam mê, sở thích, cùng già đi trong an nhiên, hạnh phúc.