Đẩy mạnh liên kết trong chăn nuôi trang trại
Cập nhật ngày: 13/02/2025 06:28 (Lượt xem: 110003)
Gia đình anh Nguyễn Mạnh Hùng (anh Hùng bên phải, ở xóm Trung Thành, xã Hòa Bình, Đồng Hỷ) có nguồn thu cao, ổn định nhờ mô hình liên kết trong chăn nuôi trang trại. |
Trên địa bàn huyện Đồng Hỷ hiện có 123 trang trại chăn nuôi (tăng 8 trang trại so với năm 2023). Ngoài ra, nhiều hộ chăn nuôi cũng đã xây dựng gia trại quy mô vừa và nhỏ ở các xã Minh Lập, Hóa Trung, Quang Sơn, Khe Mo, Nam Hòa; một số khác xây dựng mô hình nuôi gà theo hình thức bán chăn thả (chăn nuôi thả vườn) tại các xã Hợp Tiến, Tân Lợi, Nam Hòa với quy mô 500-1.000 con/lứa.
So với tổng đàn, chăn nuôi trang trại gà hiện chiếm tỷ lệ 71% và chăn nuôi trang trại lợn chiếm 49,5%, điều này cho thấy người dân đã dần thay đổi nhận thức, chuyển hướng từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô lớn.
Để phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại, đẩy mạnh liên kết, bên cạnh sự chủ động của người dân thì các cấp, ngành chức năng của huyện Đồng Hỷ cũng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp: Làm tốt công tác tuyên truyền phát triển chăn nuôi trang trại theo quy hoạch, đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh; quản lý, giám sát, hướng dẫn công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; tạo điều kiện cho người dân vay vốn; tăng cường đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật (tổ chức từ 10-15 lớp/năm); tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết đầu tư phát triển chăn nuôi bền vững…
Qua đó, số trang trại chăn nuôi theo hình thức liên danh, liên kết với các công ty, doanh nghiệp không ngừng tăng, hiện là 88 trang trại (tăng 7 trang trại so với năm 2023).
Theo nhiều người chăn nuôi, phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại theo hình thức liên kết không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với quy mô nhỏ lẻ mà còn giúp người chăn nuôi hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương...
Đơn cử như trang trại chăn nuôi quy mô 54.000 con gà/năm của gia đình anh Nguyễn Mạnh Hùng, xóm Trung Thành, xã Hòa Bình, cho thu lãi hàng trăm triệu đồng (riêng năm 2024 lãi 700 triệu đồng). Anh Hùng chia sẻ: Năm 2019, tôi đầu tư 1,6 tỷ đồng xây dựng trang trại rộng trên 2.000m2 với đầy đủ hệ thống làm mát, máng ăn tự động. Tôi đã liên kết với một số công ty trong và ngoài tỉnh cung ứng con giống, thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh và bao tiêu sản phẩm. Chăn nuôi theo hình thức này, tôi chỉ cần đầu tư chuồng trại, công chăm sóc, sau gần 2 năm đã thu hồi vốn và có lãi từ đó đến nay.
Còn trang trại chăn nuôi lợn liên kết của gia đình ông Nguyễn Quang Tiếp (tổ dân phố 5, thị trấn Sông Cầu) mỗi năm cho thu lãi từ 1-2 tỷ đồng, đang tạo việc làm cho 30 lao động địa phương với thu nhập từ 6-10 triệu đồng/tháng.
Ông Tiếp cho hay: Chăn nuôi theo hình thức liên kết tôi rất yên tâm vì trong suốt quá trình luôn có đội ngũ kỹ sư của doanh nghiệp đồng hành, đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh. Nhờ vậy, trang trại của tôi luôn duy trì quy mô 1.200 lợn nái, 30-40 con lợn hậu bị và cung ứng ra thị trường trên 30.000 con lợn giống.
Còn theo đánh giá của cơ quan chuyên môn Đồng Hỷ, ngành chăn nuôi trên địa bàn đã phát triển theo hướng trang trại công nghiệp, công nghệ cao, chăn nuôi trang trại có áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật dần thay thế quy mô nhỏ lẻ; góp phần đưa giá trị ngành chăn nuôi của huyện từ 496,2 tỷ đồng năm 2020 lên 625 tỷ đồng năm 2025.
Ông Hà Quang Trọng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Hỷ, cho biết: Thời gian tới, Phòng tiếp tục tham mưu với UBND huyện khuyến khích 14 xã, thị trấn phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại. Đồng thời phối hợp với ngành chức năng của tỉnh tăng cường thu hút các doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật, vốn, xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi theo hướng hàng hóa.