Hỗ trợ kinh phí dạy và học tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số
Cập nhật ngày: 12/05/2025 07:45 (Lượt xem: 110003)Học sinh Trường Tiểu học Thần Sa (Võ Nhai) trong giờ học làm quen với tiếng Việt. |
Chính sách mới này là sự quan tâm kịp thời của tỉnh trong việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về giáo dục cho vùng đồng bào DTTS. Theo đó, bắt đầu từ năm học 2025-2026, mỗi trẻ em người DTTS tại địa phương thuộc đối tượng khi tham gia học sẽ được hỗ trợ 350.000 đồng để mua tài liệu và đồ dùng học tập phục vụ việc học tiếng Việt trước khi vào lớp Một.
Bên cạnh đó, giáo viên và cán bộ quản lý trực tiếp tham gia giảng dạy cũng được hỗ trợ kinh phí theo số tiết thực tế, với mức bình quân khoảng 5,9 triệu đồng/1 người/1 lớp. Thời gian và thời lượng học được tổ chức trong thời gian hè, kéo dài không quá 80 tiết trong vòng một tháng.
Trong năm học 2024-2025, việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số (DTTS) trước khi vào lớp 1 được triển khai tại 3 huyện có đông đồng bào DTTS là Võ Nhai, Định Hóa và Đồng Hỷ. Tổng cộng có 150 lớp học được tổ chức, với sự tham gia của 2.622 trẻ em DTTS. Mặc dù các giáo viên đều tham gia giảng dạy trên tinh thần tự nguyện, trong điều kiện trang thiết bị, đồ dùng học tập còn thiếu thốn, nhưng các nhà trường và giáo viên đã nỗ lực khắc phục khó khăn, sử dụng tài liệu điện tử để giảng dạy, bảo đảm chất lượng chương trình.
Bà Nguyễn Thị Quốc Hòa, Trưởng phòng Giáo dục mầm non và Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT Thái Nguyên): Việc dạy và học tiếng Việt trước khi vào lớp 1 đã giúp trẻ em DTTS tiếp cận sớm với ngôn ngữ phổ thông, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, tạo sự tự tin và chủ động khi bước vào năm học mới. Trẻ không chỉ được rèn kỹ năng ngôn ngữ mà còn phát triển các kỹ năng học tập cơ bản, giao tiếp xã hội, từ đó hình thành nền tảng học tập vững chắc.
Để triển khai hiệu quả chương trình, các giáo viên đã chủ động xây dựng kế hoạch bài dạy, chuẩn bị phương tiện, thiết bị dạy học phù hợp với điều kiện thực tế. Công tác tuyên truyền, vận động phụ huynh đưa trẻ đến lớp cũng được chú trọng, thông qua các kênh như website nhà trường, mạng xã hội (Facebook, Zalo) và các cuộc họp phụ huynh học sinh. Việc huy động cộng đồng cùng chung tay tạo điều kiện cho trẻ đến lớp trong thời gian hè là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào thành công bước đầu của chương trình.
Thái Nguyên là một trong những địa phương sớm ban hành chính sách hỗ trợ dạy và học tiếng Việt cho trẻ là người DTTS trước khi vào lớp 1. Theo kế hoạch, giai đoạn 2025-2030, toàn tỉnh Thái Nguyên dự kiến tổ chức khoảng 677 lớp học tiếng Việt cho gần 14.700 trẻ em DTTS trước khi vào lớp 1. Tổng kinh phí hỗ trợ cho 5 năm học (từ năm học 2025-2026 đến năm học 2029-2030) ước tính trên 9 tỷ đồng. |
Chính sách này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương mà còn giúp thực hiện hiệu quả Đề án 1008/QĐ-TTg ngày 02/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”, với mục tiêu bảo đảm trẻ em DTTS có kỹ năng sử dụng tiếng Việt đủ tốt để hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống và đóng góp vào sự phát triển bền vững của địa phương và đất nước.
Việc Thái Nguyên sớm ban hành và triển khai chính sách hỗ trợ này là minh chứng cho tầm nhìn và quyết tâm của địa phương trong việc chăm lo giáo dục toàn diện, đặc biệt là cho đối tượng yếu thế như trẻ em DTTS. Đây cũng là bước đi thiết thực trong hành trình thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, giữa các dân tộc, hướng tới một nền giáo dục công bằng, toàn diện và bền vững.