Khai thác tiềm năng nuôi cá nước lạnh

Cập nhật ngày: 14/05/2025 02:31 (Lượt xem: 110004)
Thái Nguyên có tiềm năng nuôi trồng thủy sản nước lạnh tương đối lớn (khoảng 10ha), tập trung ở những nơi có nguồn nước chảy ra từ các dãy núi, như: Hoàng Nông, La Bằng, Phú Xuyên, Mỹ Yên, Cát Nê (Đại Từ), Phú Thượng, Dân Tiến (Võ Nhai), Phú Đình (Định Hóa)… Nhằm tận dụng lợi thế này, nhiều hộ dân trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá nước lạnh, chủ yếu là cá tầm.

Nhiều hộ dân ở xã La Bằng (Đại Từ) đầu tư nuôi cá tầm, xây dựng nhà hàng phục vụ du khách đến tham quan, thưởng thức ẩm thực.

Cá nước lạnh có tập tính phù hợp với nhiệt độ nước mát hơn so với các loại cá nhiệt đới, thường là dưới 20°C. Tại Thái Nguyên, từ năm 2010 đến nay, một số hộ dân ở xã La Bằng (Đại Từ), xã Phú Thượng (Võ Nhai)… đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá tầm - một loại cá nước lạnh - cho thu nhập khá cao.

Ông Nguyễn Ngọc Thép, nguyên Bí thư Đảng ủy xã La Bằng (Đại Từ), chia sẻ: Cá tầm có giá trị dinh dưỡng cao, dễ chế biến thành nhiều món ăn, nên được nhiều người ưa chuộng, mang lại nguồn thu nhập khá cao (hàng trăm triệu đồng mỗi năm). Tuy nhiên, kinh phí đầu tư nuôi cá tầm không hề nhỏ (có thể lên đến hơn 1 tỷ đồng/cơ sở) và cần bảo đảm về kỹ thuật, nhất là phải có nguồn nước sạch từ suối nguồn đổ về. Do đó đòi hỏi người nuôi cá không chỉ mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bể nuôi… mà còn phải tích cực nghiên cứu, học hỏi và nắm chắc kỹ thuật chăn nuôi.

Nhờ chuyên tâm học hỏi, không chỉ ông Thép mà nhiều hộ dân trong tỉnh đã phát triển thành công các mô hình chăn nuôi cá tầm. Điều đáng nói, các cơ sở sản xuất trong tỉnh đã tự chủ được việc sản xuất con giống, giúp hạ giá thành sản phẩm, hạn chế phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Vấn đề thức ăn cho cá cũng được giải quyết khi doanh nghiệp trong nước tự sản xuất, đáp ứng đến 95% nhu cầu thị trường, giá bán hợp lý (từ 30 đến 40 nghìn đồng/kg, giảm gần một nửa so với 10 năm trước).

Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, cho biết: Từ những mô hình ban đầu, đến nay, Thái Nguyên đã phát triển được trên 2.000m2 mặt nước nuôi cá nước lạnh. Theo đó, các mô hình nuôi cá nước lạnh mở ra nhiều cơ hội khi không chỉ giải quyết việc làm, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân ở các địa bàn miền núi, vùng cao mà còn góp phần phát triển cơ sở hạ tầng như giao thông, các địa điểm tham quan, du lịch, nhà hàng. Từ đó khơi dậy được tiềm năng phát triển du lịch ở các xã có lợi thế về địa hình núi non, cảnh đẹp hoang sơ ở Đại Từ, Võ Nhai, Định Hóa…

Cá tầm Siberi được nuôi tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển công nghệ Thái Nguyên (ở xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai). Ảnh: T.L
Cá tầm Siberi được nuôi tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển công nghệ Thái Nguyên (ở xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai). Ảnh: T.L

Từ thực tế có thể thấy, việc phát triển theo chuỗi đã giúp quản lý được đầu vào (con giống), nguồn nước nuôi cá, kỹ thuật cho đến việc tiêu thụ vì nhiều nhà hàng tự nuôi và chế biến tại chỗ phục vụ nhu cầu khách du lịch; cung cấp cho các khu du lịch trong và ngoài tỉnh như hồ Núi Cốc, hang Phượng Hoàng, hay tại Hà Nội…

Mặc dù vậy, tại Thái Nguyên, chăn nuôi cá tầm vẫn đang gặp nhiều khó khăn, như: Việc khai thác, sử dụng nguồn nước lạnh chưa hiệu quả, còn tình trạng sử dụng nguồn nước lãng phí. Ngoài ra, tình hình thiên tai, lũ ống, lũ quét, biến đổi khí hậu, hạn hán, nhiệt độ tăng cao cũng là những thách thức lớn tiềm ẩn. Hơn nữa, chất lượng con giống cá tầm khó kiểm soát; các mô hình sản xuất vẫn nhỏ lẻ, manh mún, dựa vào kinh nghiệm, thiếu ổn định …

Để khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi cá nước lạnh, thời gian tới, ngành chức năng của tỉnh cần xây dựng quy hoạch vùng nuôi phù hợp, ưu tiên cho phát triển hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực phục vụ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cá tầm. Đồng thời thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra và quản lý hoạt động sản xuất con giống, thức ăn, kinh doanh thuốc thú y thủy sản và quản lý chất lượng vệ sinh thuỷ sản giống, thuỷ sản nuôi, bể nuôi. Hướng dẫn, hỗ trợ việc sản xuất, có cơ chế về đất đai cho việc nuôi cá nước lạnh, khuyến khích phát triển nuôi cá tầm với những ưu đãi thích hợp. Các hộ chăn nuôi cần chấp hành các quy định trong chăn nuôi, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường…

https://www.baothainguyen.vn/kinh-te/202505/khai-thac-tiem-nang-nuoi-ca-nuoc-lanh-25d32f2/
Các tin khác: