Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 - 21/4/2025): Tháng Tư về với Roòng Khoa
Cập nhật ngày: 21/04/2025 08:43 (Lượt xem: 110003)Đoàn đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam và lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên dâng hương tại Di tích lịch sử Quốc gia nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam, xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc (Định Hóa), ngày 20/4/2025. |
Tôi về xóm nhỏ Roòng Khoa (xã Điềm Mặc, Định Hóa) đầu tháng 4-2025. Anh Ma Khắc Phi, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã, phấn khởi thông tin: Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, trên địa bàn xã Điềm Mặc có 28 cơ quan đóng quân, bây giờ là 28 di tích cách mạng và kháng chiến. Riêng xóm Roòng Khoa có gần chục đơn vị, nay đều được dựng bia di tích. Trong đó, trải qua nhiều lần được tu sửa, tôn tạo, Di tích lịch sử nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam nay đã khang trang, to rộng, có hương án thờ Bác Hồ - Người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam; có nhà trưng bày tương xứng với vị trí, ý nghĩa, vai trò lịch sử của di tích. Điềm Mặc giờ là xã nông thôn mới nâng cao, các công trình điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế và nhà dân đều tươi mới. 452 đảng viên của Đảng bộ xã luôn là hạt nhân có trách nhiệm với quê hương…
Ngược dòng thời gian. Còn nhớ một hôm, Tổng Biên tập Báo Bắc Thái Phạm Hồng Dương (nay đã mất - P.V) gọi tôi lên phòng ông và bảo: Tôi biết anh là người đam mê lịch sử, sau mới là báo chí. Ngày mai có anh Lê Bình, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; Trần Công Mân, Phó Tổng Thư ký Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam lên Bắc Thái trong hành trình đi tìm nơi thành lập các cơ quan báo chí thời kháng Pháp. Anh tham gia đoàn công tác của các cơ quan ấy nhé. Báo ta góp sức quan trọng và cơ bản cho việc khẳng định, tôn vinh những giá trị lịch sử của báo chí trên mảnh đất ATK này…
Lúc đầu, tôi tham gia cùng các đoàn công tác của Báo Nhân Dân, Báo Quân đôi nhân dân, Hội Nhà báo Việt Nam, Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam… mò mẫm, lần tìm.
Cùng với các tài liệu sẵn có của từng cơ quan, nhân chứng sống còn nhiều. Đồi Khau Goại, bản Roòng Khoa - nơi có hội trường 8 mái của Tổng bộ Việt Minh dùng làm nơi họp của gần 300 nhà báo để thống nhất thành lập Hội những người viết báo Việt Nam ngày 21/4/1950 là địa chỉ thuộc loại dễ tìm…
Bắt đầu từ tấm bia, trải qua 4 lần nâng cấp nhờ sự quan tâm của tỉnh Thái Nguyên và Hội Nhà báo Việt Nam, bây giờ Di tích nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam thật khang trang, nơi đi về của không chỉ báo giới.
Nhớ lại: Báo chí Việt Nam đến ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công cũng đã xuất hiện ngót trăm năm. Nhưng báo chí của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ trong một trăm năm ấy chưa kịp hình thành. Lên với chiến khu để tham gia cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, các nhà báo đã có tổ chức hội nghề nghiệp của mình chưa? Có mấy cơ quan báo chí hoạt động ở chiến khu?.
Chúng tôi hỏi nhà báo lão thành Hoàng Tùng, nguyên lãnh đạo cao cấp của Đảng và ngành báo chí vào năm 2005, nhân dịp nhà báo về Roòng Khoa dự Lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam. Cụ bảo: “Năm 1947 có thành lập tổ chức hội nghề nghiệp tại xã Điềm Mặc, ATK Định Hóa, gọi là Đoàn báo chí kháng chiến, do đồng chí Xuân Thủy phụ trách, nhưng hoạt động khó khăn lắm. Mà cũng chưa phải là một tổ chức hoạt động bài bản, chỉ như một hoạt động thử nghiệm”.
Dịp ấy, nhà báo lão thành Hoàng Tùng còn kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về báo chí nói chung, về báo chí kháng chiến, cảm động và thú vị lắm!...
Các đại biểu tham quan Nhà trưng bày của Hội Nhà báo Việt Nam, tại Di tích lịch sử Quốc gia nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam, xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc (Định Hóa) - nơi lưu giữ những kỷ vật, bức ảnh về các hoạt động quan trọng của lãnh đạo Hội qua các thời kỳ từ khi thành lập đến nay, ngày 20/4/2025. |
Tờ báo do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và làm chủ bút có tên Người cùng khổ (Le Paria), ra số đầu tại Paris (Pháp) vào ngày 1/2/1922. Ngày 21/6/1925 tại Quảng Châu (Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tiếp tục sáng lập tờ Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của tổ chức Thanh niên cách mạng… Đến tháng 6-1936, có 120 tờ báo của Đảng xuất bản bí mật và công khai. Các tờ: Dân chúng, Việt Nam độc lập, Cứu quốc, Cờ giải phóng… có vai trò và vị trí quan trọng của Đảng.
Sang năm 1949, sau sự kiện mở Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ở xã Tân Thái (Đại Từ), báo chí kháng chiến của ta đã phát triển rất nhiều, không chỉ ở Việt Bắc mà khắp cả nước.
Khău Goại - một đồi thấp nằm giữa xóm Roòng Khoa là nơi ở của nhiều cơ quan, có hội trường 8 mái tranh, tre, nứa, lá của Tổng bộ Việt Minh làm nơi tổ chức các cuộc họp, đại hội. Đồng chí Xuân Thủy, Thường trực Tổng bộ Việt Minh kiêm Chủ nhiệm Báo Cứu quốc, ở đó và năm 1949 đã thành lập Ban Chấp hành lâm thời của Hội những người viết báo Việt Nam. Ban Chấp hành lâm thời thực chất là những người chuẩn bị cho việc tổ chức đại hội lần thứ nhất để thành lập Hội.
Ra đời trong kháng chiến nhưng các bước đi bài bản, dân chủ, rất trọng nguyên tắc của quá trình thành lập Hội; đồng thời cũng khẳng định sự quan tâm của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với tổ chức của những người làm công tác báo chí…
Chiều 21/4/1950, đại diện các báo của Đảng, Chính phủ, Mặt trận, các đoàn thể, lực lượng vũ trang… tề tựu tại hội trường 8 mái tại Roòng Khoa để dự Đại hội lần thứ nhất. Đồng chí Xuân Thủy được Trung ương Đảng giao chủ trì.
Việc thảo luận về tên gọi, Điều lệ Hội diễn ra sôi nổi. Các đại biểu cho rằng: Hội là tổ chức chính trị, nghề nghiệp nên vai trò đoàn kết rộng rãi người làm báo cả nước vì độc lập là quan trọng số một. Không những thế còn có mục tiêu lâu dài là xây dựng đất nước sau hòa bình. Do đó, lấy tên Hội những người viết báo Việt Nam là phù hợp.
Ban Chấp hành được bầu gồm 10 người, đồng chí Xuân Thủy là Hội trưởng; các ủy viên: Đỗ Đức Dục (Báo Độc Lập), Hoàng Tùng (Tạp chí Sinh hoạt nội bộ), Nguyễn Thành Lê (Báo Cứu Quốc) làm Tổng Thư ký, Đỗ Trọng Giang (Báo Lao Động), Hoàng Tuấn (Việt Nam Thông tấn xã), Trần Lâm (Đài Tiếng nói Việt Nam), Quang Đạm (Báo Sự Thật), Như Quỳnh (Báo Phụ Nữ). Đồng chí Phạm Văn Hỏa (Báo Cứu Quốc) được bầu giữ chức Phó Tổng Thư ký.
Điều lệ Hội được thông qua, nhấn mạnh: Mục đích của Hội là được góp phần vào việc xây dựng nền dân chủ nhân dân bằng nghề nghiệp, bênh vực quyền lợi của người viết báo, nâng cao vị thế của nghề nghiệp…
Có tổ chức Hội rồi, chỉ chưa đầy 5 tháng sau, vào tháng 9-1950, tại Đại hội lần thứ ba, Tổ chức Quốc tế các nhà báo (OIJ) họp tại Helsinki, thủ đô nước Cộng hòa Phần Lan, đã kết nạp Hội những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức…
Mấy chục năm trước, khi tìm hiểu về sự kiện này, tôi được các nhà báo gạo cội chia sẻ nhiều chi tiết thú vị. Chẳng hạn tháng nào Thường trực Hội cũng tổ chức sinh hoạt chuyên môn, thường ở trụ sở Báo Cứu Quốc tại Roòng Khoa. Toàn Hội có 300 hội viên, các phóng viên từ Liên khu 3, 4, 5, Nam Bộ ra Việt Bắc công tác, đúng dịp cũng tham gia thảo luận sôi nổi.
Hội thảo là những cuộc tranh luận về báo chí vô sản, tư sản; phân biệt báo chí và văn nghệ; tính quần chúng và tính chân thật của báo; kể cả cách khai thác các nguồn tin nước ngoài và đưa tin tại mặt trận… Trong lớp hội viên đầu tiên ấy, không ít người đã anh dũng hy sinh, như: Thôi Hữu, Nam Cao, Trần Đăng…
Trên mảnh đất chiến khu, một thời là trung tâm của báo chí cách mạng, cũng chứng kiến sự sinh thành của Báo Nhân Dân, ra số đầu tiên ngày 11/3/1951 tại bản Khuôn Nhà, xã Quy Kỳ; Báo Quân đội nhân dân ra đời ngày 20/10/1950 tại bản Khau Diều, xã Định Biên. Nhiều thế hệ lãnh đạo các báo lớn nói trên đồng thời cũng là lãnh đạo Hội. Đóng góp của các nhà báo lão thành cho báo chí, cho Hội là to lớn, được lịch sử ghi nhận…
***
Anh Phạm Văn Hoan, một gia đình nông dân cần cù và chu đáo, đảm nhiệm việc trông coi tối ngày cho Di tích, khoe: “Qua lại thường xuyên là các nhà báo. Gia đình tôi có vinh dự được trông nom nơi cội nguồn của các nhà báo Việt Nam nên luôn giữ cho nơi này sạch đẹp. Người Điềm Mặc xưa thế nào, nay vẫn cứ là như thế”…
Trong cuốn sổ ghi cảm tưởng tại Khu di tích, có một vị khách ký tên Vinh Danh, viết rằng: “Đến đây, dâng hương tưởng nhớ Bác Hồ, đọc và hiểu sâu hơn về Hội ta, mới rõ có một thời như thế - Roòng Khoa ”. Tôi rất tâm đắc với câu văn này.
Nghề báo, sống trong công việc ào ạt, không gian mênh mông, hôm nay tôi viết lại những gì đã làm, đã đi qua, không có điều kiện để kể cho kỹ, nhưng tin rằng Roòng Khoa mãi mãi là "địa chỉ đỏ" của lịch sử báo chí nước nhà.